Xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội: Gánh cháo quê theo hầu cửa quan

(PLO) - Khi những dự án phát triển đô thị được triển khai rầm rộ trên địa bàn xã Tân Triều thì cụm từ "kêu cứu" cũng trở nên phổ biến với nhiều người dân nghèo sống tại đây. Bởi theo họ, chính những quyết định thiếu minh bạch của chính quyền địa phương đã đẩy họ vào cảnh bần hàn, vô vọng, tương lai u tối!
Bà Hoàng Thị Thứ đứng trước mảnh đất đã bốc thăm được
Bà Hoàng Thị Thứ đứng trước mảnh đất đã bốc thăm được

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Sau hơn một năm đội đơn lên huyện, về xã khiếu kiện đòi quyền lợi, bà Hoàng Thị Thứ (61 tuổi, ngụ tại xóm Lẻ, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều) có một vẻ ngoài già nua so với độ tuổi của mình. Bà than thở, vì béo nên bà mang nhiều bệnh, có 6 người con nay đã yên bề gia thất, nhưng họ đều nghèo khó nào giúp được gì cho cuộc sống của vợ chồng bà (ông Quân - không còn minh mẫn và không còn khả năng lao động). Theo bà Thứ, chính bởi những quyết sách mà chính quyền địa phương cho là "nghiêm minh" đã khiến những người con này không ai còn ruộng đất để mưu sinh.

Bởi vậy, mỗi sáng sau khi bán hết nồi cháo sườn - cách mưu sinh duy nhất để duy trì cuộc sống, bà Thứ lại tất tưởi đi hết làng trên xóm dưới để hóng chuyện xóm giềng bàn với nhau về việc khiếu kiện, về bồi thường, về tái định cư... Bà nói rằng, hơn một năm nay, không lúc nào cuộc sống bà được yên ổn, bởi cứ quẩn quanh suy nghĩ về thửa đất tái định cư mà bà tưởng chừng như đã mười mươi thuộc về gia đình mình.

Chuyện bắt đầu từ năm 2013, khi ông Quân chồng bà đi họp ở xã về, thông báo việc gia đình bị Nhà nước thu hồi 759m2 ruộng đất canh tác để lấy mặt bằng cho Dự án khu đô thị Tây nam Kim Giang của Thành phố. Không những được bồi thường tiền sử dụng đất, gia đình bà còn được Nhà nước bố trí cho 60m2 diện tích đất tái định cư.

Thông báo bốc thăm khu tái định cư của UBND huyện Thanh Trì
Thông báo bốc thăm khu tái định cư của UBND huyện Thanh Trì

Giống như những gia đình nông dân khác, khi ấy bà Thứ khấp khởi mừng thầm, những mong các dự án đô thị hóa sẽ làm thay đổi bộ mặt quê hương mình. Nếu việc bồi thường và tái định cư diễn ra đúng như người ta thông báo cho chồng bà, thì có lẽ suốt phần đời còn lại bà sẽ nhớ ơn những dự án đã giúp gia đình bà một cuộc sống tốt hơn. Nhưng sự đời oái oăm lại diễn ra không như kỳ vọng.

Ngày 19/2/2014, gia đình bà Thứ được Ban bồi thường GPMB huyện Thanh Trì mời ra để thông báo thủ tục bốc thăm nhận đất tái định cư dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 25/2/2014. Nhưng đến ngày 21/2/2014 gia đình bà Thứ lại nhận được thông báo số 20/TB-BBT-GPMB thay đổi lịch tổ chức bốc thăm sang ngày 28/2/2014. Giống như điềm báo - bà Thứ tâm sự với chúng tôi - trục trặc nhỏ này đem lại cho bà linh tính về một việc chẳng lành.

Ngày 28/2/2014, gia đình bà Thứ phấn khởi lắm khi bốc được thửa đất tái định cư (ký hiệu N05 - 26, diện tích 60m2) thuộc Khu tái định cư phục vụ GPMB thôn Triều Khúc. Thửa đất sờ sờ ra đó, tên gia đình bà sờ sờ ra đó, ở danh sách dán tại Ủy ban mà bà ra tận nơi, tận mắt đánh vần được. Đấy là danh sách các hộ gia đình, cá nhân và vị trí thửa đất ở đã bắt thăm đối với các hộ được giao đất ở khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, ban hành kèm theo Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 23/4/2014 của UBND huyện Thanh Trì.

Thế là bà Thứ mãn nguyện, từ đây việc ăn ở, dự định mưu sinh, dự định dưỡng già của vợ chồng bà sẽ được suy tính sắp đặt gắn liền với giá trị của thửa đất tái định cư. Cuộc đời của vợ chồng người nông dân già cơ hồ sắp chuyển sang trang mới.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang

Nhưng, bao nhiêu mong đợi bẽ bàng bấy nhiêu. Năm 2017 chính quyền rục rịch bàn giao đất cho các hộ được tái định cư, thì gia đình bà được ông Nguyễn Hữu Tâm cán bộ địa chính xã thông báo miệng, rằng mặc dù nhà bà Thứ có tên trong danh sách phê duyệt, mặc dù đã bốc thăm, mặc dù mảnh đất đã có lô có thửa, mặc dù nhà bà không còn tấc đất nào để trồng cấy, thì nhà bà lại không nhận được đất tái định cư!?

Kỳ lạ thay, theo bà Thứ, chính quyền xã Tân Triều khi ấy luôn áp dụng cách thông báo có một không hai đó là... thông báo miệng. Lúc này bà Thứ mới bàng hoàng nhận ra, từ xưa đến nay chính quyền toàn thông báo miệng cho gia đình bà. Đất ruộng thì đã thành dự án, nhưng gia đình bà chưa từng nhận được quyết định thu hồi, quyết định phê duyệt phương án bồi thường... Mà theo đúng quy định của pháp luật, với trường hợp như gia đình bà Thứ đương nhiên được Nhà nước giao đất tái định cư.

Quyết định hay văn bản gì gì, bà Thứ chẳng hay biết. Bởi lẽ, một người nông dân cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho giời nào có biết ất giáp gì về văn bản với chủ trương, họ chỉ biết đến củ sắn, củ khoai và thường có niềm tin tuyệt đối vào lời nói của cán bộ xã. Chính những cái thông báo miệng của cán bộ đem lại cho vợ chồng bà niềm tin hy vọng, rồi cũng từ những cái thông báo miệng ấy đã làm cho trời đất như đổ sụp!?

Rồi chính quyền xã cho người đến lấy tôn quây kín mảnh đất mà đáng ra gia đình bà thứ được nhận. Quây tôn thì quây, nhưng mảnh đất vẫn sờ sờ ra đó, như một cái đinh, như một cái hố sâu nhức nhối trong lòng bà. Mỗi lần đi ngang qua mảnh đất quây tôn đã hoen gỉ ấy, bà Thứ lại rớt nước mắt tiếc nuối, xót đau...

Chính sách của Đảng và nhà nước luôn đúng và luôn bảo vệ quyền lợi cho người dân. Vậy nhưng, vì đâu tại xã Tân Triều đã "bẻ ghi" như vậy, quyền lợi đã trao tận tay người dân, có bốc thăm, có thửa đất, có danh sách phê duyệt bằng con dấu đỏ chói hẳn hoi, mà chính quyền lại bất ngờ gạt nhà bà sang một bên và kỳ quái hơn, việc quyết định sinh mệnh của một gia đình nông dân nghèo vẫn chỉ được thông báo bằng... miệng của ông cán bộ địa chính? Bà Thứ không hiểu nổi, người dân địa phương không hiểu nổi, và chúng tôi khi ngồi với bà con cũng chẳng thể đưa ra nổi một lời giải thích!?

Ông Triệu Khắc Quân (chồng bà Thứ) bốc được mảnh đất có số hiệu N-05-26, diện tích 60m2
Ông Triệu Khắc Quân (chồng bà Thứ) bốc được mảnh đất có số hiệu N-05-26, diện tích 60m2


Ông Nguyễn Gia Dũng - một người dân địa phương chia sẻ với chúng tôi: "Nhà bà Thứ bị thu hồi hết đất sản xuất, trong khi huyện lại cấp đất tái định cư cho những người bị thu hồi trên 30% đất sản xuất, thì nhà bà Thứ thừa điều kiện được tái định cư. Tôi cho rằng chỉ có thể là tiêu cực, vì thửa đất nhà bà Thứ bốc thăm được huyện đã quy hoạch thành tái định cư rồi, đã phê duyệt danh sách được hưởng rồi, đã báo cáo Thành phố rồi, muốn thay đổi phải có quy trình, có văn bản, có căn cứ. Nay người ta không giao cho nhà bà Thứ thì để làm gì nếu không có tiêu cực?". Rồi ông Dũng quả quyết: "Dân chúng tôi sẽ canh chừng thửa đất này xem ai hưởng lợi, nếu tiêu cực, chúng tôi sẽ sát cánh với nhà bà Thứ khiếu kiện tới cùng".

Khiếu kiện thì đã nhiều, nhưng dường như huyện Thanh Trì đang thực hiện "quyền im lặng", không đưa ra một lời giải thích thỏa đáng nào. Trước đó, ngày 15/11/2017, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử có đăng bài "UBND huyện Thanh Trì không dám đối diện với nỗi đau người dân xã Tân Triều", bài báo đưa ra 9 câu hỏi cho 9 vấn đề, trong đó có trường hợp gia đình ông Triệu Khắc Quân, bà Hoàng Thị Thứ, nêu rõ: "Tại sao hộ ông Quân đã được UBND Huyện phê duyệt kết quả bốc thăm mà không được giao đất tái định cư? Thửa đất tái định cư số N-05-26 mà hộ ông Quân bốc thăm được đến nay sử dụng vào mục đích gì? Đã giao cho ai chưa? Nếu chưa giao cho ai thì cơ quan nào đang quản lý?"

UBND huyện Thanh Trì đã trả lời chung chung tại Văn bản số 2582/UBND-TTPTQĐ ngày 05/12/2017: "Trong Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 23/4/2014 về việc phê duyệt kết quả bốc thăm có hộ gia đình ông Triệu Khắc Quân vì: Tại khu đất tái định cư thôn Triều Khúc khi giao đất cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp tại Dự án khu đô thị mới Hạ Đình còn lại 13 thửa, để tránh lấn chiếm UBND xã đã đề xuất giao cho 13 hộ vào diện tích còn thừa này trong đó có hộ gia đình ông Quân (tại thời điểm này ông Quân đã có đơn và bản khai, cam kết nhận đất ở sau khi đã được UBND Huyện phê duyệt phương án). Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ phương án thì hộ gia đình ông Triệu Khắc Quân không được phê duyệt hỗ trợ tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và tạo việc làm bằng đất (được hỗ trợ bằng tiền). Mặt khác, sau khi UBND Huyện có văn bản đề nghị UBND Thành phố cho phép tiếp tục phê duyệt đất ở cho các hộ không được chấp thuận, do đó, UBND huyện không giao đất ở cho hộ ông Nguyễn Khắc Quân" (Trích nguyên văn).

Chúng tôi đưa cho bà Thứ xem văn bản mà Huyện trả lời báo chí. Bà Thứ đánh vần một hồi lâu, rồi nhìn chúng tôi bằng đôi mắt kèm nhèm, dòng nước mắt mặn chát chảy trên gò má nhăn nheo: "Tôi vẫn không hiểu các anh ạ, việc Nhà nước chứ có phải chuyện đùa đâu, nhưng tôi vẫn sẽ kêu cứu lên Nhà nước, các anh bảo người dân chúng tôi không tin Nhà nước thì còn biết tin vào ai?".

Chia tay bà Thứ, trời đã nhá nhem, thời tiết buổi giao mùa thổi từng cơn gió mát rượi, nhưng nó chẳng đủ xua tan nỗi đau, nỗi u uất gia đình bà Thứ đang phải gánh...

Báo Pháp luật Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm