Xử lý “rác” quảng cáo - luật có, vì sao khó?

(PLO) - “Rác” quảng cáo từ lâu đã tồn tại nhan nhản trong đô thị, gây mất mỹ quan và tạo ra lượng rác thải không nhỏ. Để hạn chế lượng rác này, cần có sự xử lý triệt để, áp dụng hiệu quả chế tài, đặc biệt là khi nghị định mới đã có hiệu lực. 
Tờ rơi quảng cáo xuất hiện dày đặc trên mọi bề mặt nơi công cộng.
Tờ rơi quảng cáo xuất hiện dày đặc trên mọi bề mặt nơi công cộng.

Rải tờ rơi - xả rác công khai

Nguyễn Thị Thanh Thảo, sinh viên năm 2 trường Đại học Công nghiệp thường làm thêm bằng nghề phát tờ rơi tại các ngã tư. Thảo kể, trong mỗi ngày như vậy, trung bình phát hết 1000 tờ rơi, thuộc đủ các thể loại quảng cáo từ cửa hàng ăn uống, dịch vụ làm đẹp đến trung tâm gia sư, trung tâm đào tạo... Mỗi lần đèn đỏ dừng tại các ngã tư, Thảo và những người phát tờ rơi khác lại len lỏi trong dòng người để phát từng tờ cho người đi đường. Tuy nhiên, hầu hết người đi đường đều thờ ơ với tờ rơi, thậm chí không thèm nhìn qua và vứt xuống đường. Cứ hết dòng người này đến dòng người khác, tờ rơi rơi xuống đường ngày một nhiều thêm, tạo thành lượng rác khổng lồ, bay tứ tung ở các ngã tư đèn xanh đỏ.

Tờ rơi quảng cáo không chỉ được phát ở các ngã tư mà còn được đem đến tận từng ngôi nhà, nhét vào hàng rào, khe cửa. Hầu như không ngôi nhà nào ở TP.HCM không phải chịu cảnh hàng ngày mở cửa, hàng mớ “rác tờ rơi” đủ các loại hình dịch vụ xuất hiện ở cửa nhà. Có gia đình nghỉ lễ 5 ngày về, tờ quảng cáo đã tạo thành đống rác nhỏ trong sân.

Ngoài lượng tờ rơi tăng dần theo cấp số nhân mỗi ngày theo các dịch vụ mới mở ra ở TP.HCM, TP còn chứng kiến sự xâm lấn của vô vàn các loại rác quảng cáo khác. Các tờ rơi dạng dán có mặt trên khắp mọi nẻo đường, ngõ hẻm của thành phố. Bất cứ bức tường trống, tường nhà, cột điện, gốc cây, đèn tín hiệu giao thông, trạm chờ xe bus... đều trở thành địa điểm lý tưởng của lực lượng dán thuê tờ quảng cáo. Quá đáng hơn, không ít người thẳng tay dán tờ quảng cáo lên... bảng chỉ dẫn giao thông, khiến người tham gia giao thông không thể phân biệt được biển đang chỉ dẫn gì.

Không chỉ có thế, để các quảng cáo này tồn tại lâu dài hơn, người kinh doanh còn thuê lực lượng sơn, vẽ tường đi sơn quảng cáo lên các địa điểm công cộng. Đơn giản thì có con dấu in sẵn số điện thoại và tên dịch vụ, đi đến đâu chỉ cần đóng vào các bề mặt là xong. Cầu kì hơn thì có lực lượng sơn, vẽ tưởng, chờ đến đêm, gần sáng là mang sơn phun, sơn quét, sơn xịt đi vẽ quảng cáo khắp các bức tường trống. Có những lô cốt nhìn không rõ hình thì vì bị dán quảng cáo chi chít. 

Nhiều công ty, mặt bằng kinh doanh ở vị trí đẹp cũng đau đầu vì tình trạng mặt tiền kinh doanh của bị bị xâm phạm bởi các tờ rơi, mẫu vẽ quảng cáo nhưng không biết làm gì hơn là sáng sáng cho nhân viên xé giấy, xoá sơn, để rồi vài ngày sau lại tái xuất hiện. Cạnh đó, các biển quảng cáo được làm công phu, tận dụng treo lên cây, cột đèn, bảng khu phố cũng không ít, gây ra sự lộn xộn trong đô thị, chắn tầm nhìn của người đi đường. 

Luật có, chỉ cần chịu khó 

Để đối phó với tình trạng rác quảng cáo nhan nhản khắp nơi, làm mất mỹ quan đô thị trầm trọng, TP.HCM đã triển khai những đợt tổng dọn dẹp “bộ mặt đường phố”. Các lực lượng địa phương như cán bộ phường, xã, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện cũng được huy động để tháo gỡ các tờ quảng cáo, sơn lại những nơi bị vẽ quảng cáo lung tung. Tuy nhiên, lực lượng tháo gỡ có hạn, mà lực lượng dán, vẽ quảng cáo thuê quá đông đúc vì nhu cầu quảng cáo quá, nên tháo gỡ không xuể. Cứ sáng tháo, chiều xuất hiện, nay sơn lại tường, mai lại bị vẽ chặn lên...

Trên thực tế, việc ứng dụng nhân lực địa phương để tháo gỡ rác quảng cáo là sự tốn kém nhân lực vô ích. Để chấm dứt sự xâm lấn của rác quảng cáo trong đô thị, không phải chỉ đi “dọn rác” mỗi ngày là đủ, mà điều quan trọng là phải ngăn chặn triệt để hành vi thải rác quảng cáo nơi công cộng.

Mới đây, Nghị định 28/2017 được ban hành, có hiệu lực vào ngày mai, 5/5 đã tăng mức phạt cho hành vi thuê và trực tiếp dán bảng quảng cáo nơi công cộng. Theo đó, người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng bị phạt 1-2 triệu đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo được treo, dán tại những nơi nói trên bị phạt nhiều, 5-10 triệu đồng. Riêng hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên các tờ rơi này bị phạt 5-10 triệu đồng.

Như vậy, chế tài đã có và đủ nghiêm để có thể “trị” các hành vi xả rác nêu trên. Nhưng điều quan trọng là từ trước đến nay, dù đã có quy định nhưng hành vi nói trên rất hiếm khi bị xử lý. Trong khi, nếu cơ quan chức năng muốn tìm ra chủ thể để xử phạt thì quá dễ dàng, bởi các tờ rơi, bảng quảng cáo tự thân đã cho biết rõ địa chỉ liên lạc, số điện thoại, loại hình kinh doanh của người thuê dán bảng quảng cáo. 

Không cần tốn thời gian, công sức vào việc đi gỡ, sơn lại từng bảng, căn cứ vào các bảng quảng cáo đã được dán, vẽ nơi công cộng, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý thật nghiêm, thật đúng, để ngăn chặn hiệu quả việc xả rác quảng cáo nơi đô thị.

Đọc thêm