Xử quan, không cần theo lễ

(PLO) - Nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hầu tòa cùng bộ sậu của mình trong vụ biến đất công thành đất tranh chấp để lấy tiền đền bù, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10 tỷ đồng, bị kết tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước để thu lợi bất chính, gây hiệu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Xử quan, không cần theo lễ

Trước những chứng cứ rành rành, không thể chối cãi, các bị cáo đều đổ cho nguyên nhân do “áp lực giải phóng mặt bằng quá lớn” nên dẫn tới sai phạm, bị cáo nguyên Chủ tịch huyện còn cho rằng mình làm việc đó là vì dân, sai phạm là do tin cấp dưới(?!). Trước vành móng ngựa trong phiên tòa này toàn là “quan” từ Chủ tịch huyện đến Trưởng phòng Tài nguyên, từ cán bộ huyện đến Chủ tịch, Bí thư xã. Những bị cáo này phải đối diện với mức án trong khung hình phạt tới 20 năm tù giam và phải chịu trách nhiệm đền bù cho Nhà nước số tiền mà họ gây thất thoát. Cho dù sự tham nhũng này xảy ra từ những năm 2008 – 2009, nay xử đã là muộn nhưng không thể “giơ cao, đánh khẽ”, bởi sự răn đe của pháp luật luôn luôn có ý nghĩa không chỉ riêng với những bị cáo trong vụ án này!

Mới đây, trong phiên phúc thẩm xử nguyên Chủ tịch xã ở Đắk Nông, Tòa tuyên phạt ông này 5 năm tù giam, giữ nguyên mức đã tuyên ở phiên sơ thẩm. Ông Chủ tịch xã lúc còn đương chức đã “nắn” đường dẫn tới nhà mình. Thiệt hại không lớn nhưng hành vi tư lợi quá rõ. Bản án này đúng là một sự nghiêm khắc với “quan”, dẫu chỉ là “quan xã”. Song, trước hình phạt này khiến các vị “quan xã” đương chức phải giật mình, có lẽ phải thôi nếu có ý định “tự tung, tự tác”.

Không phải không có tình trạng “dân xử theo hình, quan xử theo lễ” trong lịch sử tố tụng của nước ta. Thậm chí, tình trạng này diễn ra khá phổ biến. Điển hình nhất là xử tội tham nhũng nhưng cho hưởng án treo mà đã được phản ảnh trên nghị trường Quốc hội và buộc phải có những biện pháp chấn chỉnh tình trạng này. Có những vụ án cụ thể để minh chứng, so sánh, chẳng hạn, việc gây thất thoát, tổn hại hàng tỷ đồng, ảnh hưởng sinh hoạt đến hàng vạn dân thì miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, ăn cắp con vịt thì 13 năm tù giam, hoặc, dùng nhục hình gây chết người thì án “treo”, hắt một gáo nước bẩn vào đoàn cưỡng chế thì bị tù giam,... Có thể dẫn nhiều dẫn chứng tương tự như vậy khi nhìn lại các vụ án đã xét xử. Vài chục năm trước, trong một vụ xử tham nhũng lớn nhất lúc bấy giờ ở TP HCM, thẩm phán còn không dám gọi bị cáo là “bị cáo” vì ông ta từng là thủ trưởng của mình. Cái “lễ” ấy diễn ra ở pháp đình, khi pháp luật là thượng tôn thì không nên có. Ngược lại, trong quá trình xét xử thì tỏ ra nghiêm khắc, cứng rắn nhưng tuyên án thì nhẹ hều, cái đó càng không nên.

Những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, bất kể bị cáo là ai, giữ chức vụ gì trước đó, là dân hay là “quan” cũng vậy chẳng những góp phần xóa đi định kiến “dân xử theo hình, quan xử theo lễ”, mà còn thể hiện một tinh thần thượng tôn pháp luật, củng cố niềm tin của nhận dân vào bộ máy tư pháp.

Đọc thêm