Yên Bái: Người dân sống ở gần mỏ đá Chân Thiện Mỹ “ngàn cân treo sợi tóc”

(PLVN) - Tại mỏ đá Chân Thiện Mỹ, việc quản lý, khai thác chưa thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gây ra một số tồn tại, hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân về tiếng ồn, bụi bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh sống của người dân xung quanh khu mỏ đá.
Nhiều người dân phản ánh mỏ đá Chân Thiện Mỹ khai thác đá ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống. Ảnh: Xuân Hồng.
Nhiều người dân phản ánh mỏ đá Chân Thiện Mỹ khai thác đá ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống. Ảnh: Xuân Hồng.

Tính mạng, tài sản người dân luôn bị đe dọa

Từ khi công ty Chân Thiện Mỹ về khai thác mỏ đá tại xã Liễu Đô, người dân nơi đây đã từng vui vẻ nghĩ cuộc sống sẽ khác khi con em họ được nhận vào công ty làm việc. Nhưng điều người dân mong đợi đã không đến. Từ khi bắt đầu khai thác cho đến nay, công ty Chân Thiệm Mỹ khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mỏ đá Chân Thiện Mỹ việc quản lý, khai thác, khai thác chưa thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ảnh: Xuân Hồng.
Mỏ đá Chân Thiện Mỹ việc quản lý, khai thác, khai thác chưa thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Ảnh: Xuân Hồng.
  • Phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam, hàng chục hộ dân ở xã Liễu Đô bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Chân Thiện Mỹ (mỏ đá Chân Thiện Mỹ) trong quá trình khai thác khoáng sản tại mỏ đá hoa trắng tại xã Liễu Đô (huyện Lục Yên, Yên Bái) đã khiến cuộc sống của bà con đảo lộn đặc biệt nghiêm trọng, sự an toàn về người và tài sản luôn bị đe dọa.

Ông Nông Văn Rong ở thôn Cốc Bó (xã Liễu Đô) cho biết, "nhà tôi ở ngay dưới chân mỏ đá Chân Thiện Mỹ, từ khi mỏ đá bắt đầu khai thác thì cũng là ngần ấy thời gian cuộc sống của người trong thôn đảo lộn. Không ít lần, tôi và gia đình giật mình thon thót, bàng hoàng, hãi hùng khi công ty nổ mìn; bất ngờ lượng đất, đá sạt lở, ùn ứ từ núi lao xuống".

“Nhiều lúc, hoạt động khai thác gây tiếng ồn ầm ĩ, nghe tiếng động mạnh, vội vàng ra xem trâu, bò, vật nuôi có xổng đi không. Cảm giác, nền đất rung ầm ầm, đất đá từ trên núi khai thác đá rầm rập lao xuống, tung bụi mịt mù. Những hộ dân ngay dưới mỏ đá Chân Thiện Mỹ sống cuộc sống “ngàn cân treo sợi tóc”, ông Rong nhấn mạnh.

Ông Mông Văn Trụ (thôn Cốc Bó) thì cho rằng, cả gia đình sống mà nơm nớp lo bởi hoạt động khai thác của các mỏ đá. Trong đó, gần nhà nhất là mỏ Chân Thiện Mỹ.

"Từ nhiều năm nay, chúng tôi “sống chung với lũ” khi ngay đỉnh nhà là mỏ khai thác đá. Có nhiều khi, lở đá, cả một vạt cây trồng, mái nhà bị đổ gãy vùi lấp, những tảng đá khổng lồ chênh vênh còn mắc lại giữa sườn núi vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục lăn xuống phía dưới. Đầu năm 2020, một tảng đá to khổng lồ đã sạt, lở rơi vào diện tích đất ở, làm thiệt hại nặng nề nhà tôi. Thành thói quen sinh hoạt, trời nổi sấm, chớp, hiện tượng mưa to, lũ, gia đình chúng tôi gồng mình, toán loạn sơ tán khỏi nhà như “chim vỡ tổ” để di trú ở nhờ nhà người thân nơi khác, bởi sợ sạt lở đất, đá, rất nguy hiểm đến tính mạng con người”, ông Trụ nghẹn ngào nói.

Hòn đá to sạt lở lăn xuống gần nhà dân gây hoảng loạn.
 Hòn đá to sạt lở lăn xuống gần nhà dân gây hoảng loạn.

Trưởng thôn Cốc Bó Hoàng Văn Lưỡng cho biết, do nhiều công ty hoạt động khai thác đá, có cả công ty tên nước ngoài, người dân rất khó nắm bắt. Tuy nhiên, việc khai thác đá gây ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân trong thôn. Trực tiếp, sát vách chân núi mỏ đá Chân Thiện Mỹ có đến 6 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Cần khẩn trương thực hiện tái định cư cho người dân

Tìm hiểu được biết, đá lở làm thiệt hại nhiều hoa màu, tài sản của người dân thôn Cốc Bó. Mỗi lần xảy ra việc sạt, lở phía công ty khai thác đá có lập biên bản, cam kết không vi phạm.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác ngày càng được mở rộng, với quy mô lớn hơn, sự nguy hiểm vẫn thường trực với người dân. Còn tâm tư, mong muốn của người dân sớm được tái định cư để cuộc sống yên tâm, an toàn hơn vẫn “dậm chân tại chỗ” hoặc chần chừ, kéo dài, xử lý trên “giấy”.

Thực tế quan sát tại mỏ đá Chân Thiện Mỹ có thể thấy, vị trí khai thác đá dốc đứng, chênh vênh, cả một mảng núi có thể bất ngờ sụt, bỏ rời, lăn xuống bất cứ lúc nào.

Chính sự nguy hiểm luôn rình rập, thời gian qua, người dân đã có đơn thư gửi tới chính quyền địa phương, và cơ quan chức năng Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái yêu cầu kiểm tra, làm rõ việc doanh nghiệp khai thác đổ đất đá thải làm ảnh hưởng lớn về tài sản cây cối, hoa màu.

Người dân đã đề nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm vi phạm và xem xét đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản tại đây. Bên cạnh đó, kiến nghị sớm xử lý việc di dời, đền bù, tái định cư cho hộ dân quá gần với mỏ đá.

“Cứ tờ mờ sáng, đến tối muộn, hoạt động khai thác rầm rộ gây tâm lý hoảng sợ, ồn ào; gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan sinh thái, nguồn nước. Hoạt động của mỏ đá này đã nhiều năm luôn là chủ đề kiến nghị chính của người dân xã Liễu Đô tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Hiện nay, tình trạng nguy hiểm, cấp bách đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân ở chân núi mỏ đá ở mức báo động đỏ; rất cần cấp chính quyền quan tâm, vào cuộc quyết liệt để xử lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác đá phải đảm bảo kỹ thuật, an toàn. Đặc biệt, chính sách tái định cư cho người dân cần khẩn trương thực hiện ngay, tránh sự cố đau lòng, đáng tiếc, nhất khi mùa mưa bão đang đến rất gần”, ông Lưỡng nêu kiến nghị.

Ông Nguyễn Cao Cảnh, Chủ tịch UBND xã Liễu Đô trao đổi với phóng viên. Ảnh: Xuân Hồng.
Ông Nguyễn Cao Cảnh, Chủ tịch UBND xã Liễu Đô trao đổi với phóng viên. Ảnh: Xuân Hồng. 

Ông Nguyễn Cao Cảnh, Chủ tịch UBND xã Liễu Đô khẳng định, hoạt động khai thác đá của công ty Chân Thiện Mỹ nói riêng và các mỏ khai thác đá trên địa bàn xã đã đóng góp khoản thuế cho địa phương, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, mỏ khai thác chưa thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), gây ra một số tồn tại, hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống của người dân về tiếng ồn, bụi bẩn. Đặc biệt, việc khai thác, đổ thải chưa đúng quy định khiến sạt lở, ùn ứ đất, đá làm biến đổi màu nước; cạn kiệt nguồn nước của các hang, gây khó khăn trồng trọt, sản xuất nông nghiệp. Nguy hiểm hơn, khi một số hộ dân còn nằm gần với diện tích mỏ đá chưa được di rời, gây sự lo lắng, hoảng sợ về việc sạt, lở đá khai thác, nhất vào mùa mưa lũ.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đọc thêm