Yên Dũng - Bắc Giang: Sự thật việc cơ quan Thi hành án chống lệnh Tòa án cấp cao?

(PLO) - Sau khi Chi cục THA dân sự huyện Yên Dũng tiến hành xong việc cưỡng chế đối với Công ty Hải Hà thì bất ngờ nhận được văn bản yêu cầu hoãn thi hành án từ TAND cấp cao. Chi cục THA dân sự huyện Yên Dũng phải làm sao với sự tréo ngoe này?
 
"Điểm nóng" tại huyện Yên Dũng
"Điểm nóng" tại huyện Yên Dũng

Cho đi tham quan rồi lên UBND huyện… khiếu kiện?

Như Báo PLVN đã thông tin trong bài viết trước, sau khi Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Yên Dũng (Bắc Giang) tiến hành cưỡng chế tài sản đối với Công ty Hải Hà để chuyển giao cho Công ty Bắc Hải Hưng đã gặp những phản ứng quá khích từ nhiều cá nhân.

Thượng tá Vũ Văn Sơn, Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng cho biết, vụ việc trở nên nghiêm trọng thêm những ngày sau đó khi có nhiều đối tượng lạ mặt đứng trước cổng nhà máy gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

“Từ ngày 3/3 đến nay, khu vực xung quanh nhà máy vẫn rất phức tạp cho nên Công an huyện phân công cho đồng chí Trưởng đồn, Công an xã có mặt để nắm tình hình. Chúng tôi cũng đặt ra giải thiết một số thành phần xã hội đen đóng giả công nhân để đòi quyền lợi nhằm gây rối trật tự”, Thượng tá Sơn nhấn mạnh.

Thượng tá Vũ Văn Sơn trao đổi với PV báo PLVN
Thượng tá Vũ Văn Sơn trao đổi với PV báo PLVN


Về phía UBND xã Lão Hộ, Chủ tịch UBND Trần Tân Hợi cũng cho biết, một số công nhân trong nhà máy được Công ty Hải Hà gọi lên nhận lương hoặc đi tham quan nhưng khi tập trung đông đủ họ lại bị ép đến UBND huyện để… khiếu kiện. Theo ông Hợi, đa số công nhân làm trong nhà máy gạch của Công ty Hải Hà đến thời điểm bị cưỡng chế đều không được đóng bảo hiểm hoặc đang bị nợ lương.

“Ở xã Lão Hộ có hơn 30 người làm việc trong nhà máy này, một số trường hợp rất khó khăn và chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi khi còn làm việc trong nhà máy. Trước tình hình này, đơn vị vừa trúng đấu giá Công ty Bắc Hải Hưng đã nhờ UBND xã đứng ra làm đại diện để gặp gỡ, lắng nghe nguyện vọng của các công nhân, cán bộ từng làm việc trong nhà máy thời Công ty Hải Hà đang quản lý.

Sau đó, Công ty Bắc Hải Hưng đã đồng ý trả tiền lương cho công nhân mà Công ty Hải Hà đang nợ, đồng thời hứa giải quyết vấn đề bảo hiểm cho người lao động theo quy định của pháp luật. Nhiều người tỏ ra phấn khởi và đã trở lại nhà máy làm việc”, ông Hợi thông tin thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Xuân Cảnh (Giám đốc Công ty Bắc Hải Hưng) cho biết: “Mặc dù việc nợ lương của đơn vị quản lý nhà máy gạch trước đó (Công ty Hải Hà – PV) không liên quan đến chúng tôi, nhưng với các công nhân, đó là một khoản tiền lớn. Sau khi xem xét khả năng tài chính, chúng tôi đồng ý trả lương cho những ai đã làm đơn, đồng thời tiếp nhận công nhân cũng như lao động đã làm việc cho Công ty Hải Hà có nhu cầu tiếp tục công việc. Tất nhiên, chúng tôi có chủ trương không nợ lương công nhân và đóng bảo hiểm cho họ theo luật”.

Chống lệnh tòa cấp cao?

Khi đề cập đến câu chuyện về một số người trong thời gian qua cho rằng, Chi cục THADS Yên Dũng “chống lệnh tòa cấp cao”, ông Hoàng Kim Kiên, Cục trưởng THADS tỉnh Bắc Giang cho biết: Sau khi rà soát toàn bộ quy trình thực hiện việc kê biên và cưỡng chế đối với Công ty Hải Hà, chúng tôi khẳng định Chi cục THADS huyện Yên Dũng hoàn toàn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Kiên cho biết, sau khi Chi cục THADS huyện Yên Dũng thông báo cho Công ty Hải Hà biết việc bán đấu giá thành và yêu cầu tự nguyện di chuyển tài sản không thuộc trong danh mục kê biên ra khỏi địa phận Công ty Hải Hà nhưng không nhận được hợp tác, thậm chí Công ty Hải Hà còn tiếp tục khai thác tài nguyên đất, sử dụng dây chuyền, máy móc sản xuất đã bán đấu giá để sản xuất, chính vì vậy Chi cục THADS bắt buộc phải cưỡng chế.

Công nhân cũ tại công ty Hải Hà được nhận vào làm việc tại công ty Bắc Hải Hưng
Công nhân cũ tại công ty Hải Hà được nhận vào làm việc tại công ty Bắc Hải Hưng

Ngày 6/1/2016, Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Yên Dũng ban hành Quyết định cưỡng chế, ngày 15/1/2016, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng ban hành Quyết định số 48/QĐ-UBND về việc thành lập tổ công tác thực hiện việc cưỡng chế. Ngày 19/11/2016, đoàn cưỡng chế tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá, nhưng do thiếu lực lượng bảo vệ nên không thực hiện được.

Sau khi cưỡng chế không thành, Chi cục THADS huyện Yên Dũng, Cục THADS tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tìm biện pháp giải quyết. Vụ việc đã được Ban chỉ đạo THADS huyện Yên Dũng, Ban chỉ đạo THADS tỉnh Bắc Giang báo cáo Chủ tịch tỉnh, Giám đốc công an tỉnh.

Được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang, từ 8h00 phút đến 14h30 phút ngày 3/3/2016, Chi cục THADS huyện Yên Dũng và Tổ công tác đã tổ chức thực hiện việc cưỡng chế. Buổi cưỡng chế kết thúc nhưng đến 14h50 cùng ngày, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng mới nhận được Công văn 03/TANDCC-KDTM ngày 02/3/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao (TANDCC) yêu cầu hoãn thi hành án.

Ông Kiên khẳng định, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Dũng nhận được yêu cầu hoãn thi hành bản án sau khi đã tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho người mua tài sản bán đấu giá khi việc cưỡng chế xong nên không có hiệu lực hồi tố, không có hiệu lực đối với các trình tự, thủ tục đã tiến hành trước khi nhận được văn bản yêu cầu hoãn.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 103 Luật THADS năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014; Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ - CP ngày 17/8/2015 của Chính phủ thì việc giao tài sản cho người trúng đấu giá trong trường hợp này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá.

Vì vậy, việc Chi cục THADS huyện Yên Dũng tiến hành cưỡng chế giao tài sản vào ngày 03/3/2016 là đúng pháp luật và ngay sau khi nhận được công văn yêu cầu hoãn thi hành án, ngày 04/3/2016, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Yên Dũng đã ban hành Quyết định hoãn thi hành án số 14/QĐ-CCTHA. Do đó, việc một số người dân cho rằng Chi cục THADS huyện Yên Dũng “chống lệnh” TANDCC là sai sự thật và không phù hợp với diễn biến thực tế của vụ việc.

Chi cục THADS huyện Yên Dũng nhận được Công văn số 03/TANDCC-KDTM ngày 2/3/2016 của TANDCC yêu cầu hoãn thi hành án. Qua nghiên cứu văn bản, ngày 4/3/2016, Chi cục THADS huyện đã căn cứ khoản 2, điều 48; điều 103 Luật THADS 2008, được sửa đổi bổ sung 2014; Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐCP để ban hành Quyết định hoãn THA theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề Chi cục THADS huyện Yên Dũng không kê biên quyền sử dụng hơn 10ha đất của Công ty Hải Hà, phía Cục THADS tỉnh Bắc Giang cho biết: Đây là danh mục không thể kê biên vì đây là đất thuê của nhà nước và nộp thuế tiền thuê hàng năm, không thuộc quyền sử dụng của công ty Hải Hà hàng năm.

Hiện nay, các tài sản trên đất đã được bán đấu giá cho công ty Bắc Hải Hưng. Công ty Bắc Hải Hưng mua đấu giá các tài sản của công ty Hải Hà là dây chuyền sản xuất và các tài sản gắn liền với đất (chứ không mua các nguyên vật liệu làm nên các tài sản này) theo quy định của Bộ luật Dân sự chính là bất động sản.

Về nguyên tắc, các tài sản gắn liền với đất chỉ tồn tại khi gắn liền với đất và công ty này đang liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các thủ tục thuê đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không kê biên không có nghĩa là thuộc quyền sở hữu của Công ty Hải Hà.

Mặt khác, Công ty Bắc Hải Hưng đang được Chi cục THADS huyện Yên Dũng giao bảo quản một số tài sản của Công ty Hải Hà (không tự nguyện di dời). Do đó, để thực hiện đúng trách nhiệm bảo toàn các tài sản nêu trên trong thời gian hoãn thi hành án, Công ty Bắc Hải Hưng có quyền ngăn cản bất cứ tổ chức, cá nhân nào không có thẩm quyền xâm nhập, làm hư hỏng hiện trạng tài sản đang được trông coi, bảo quản tại đây.

Đọc thêm