Băn khoăn mô hình chính quyền địa phương

Nhiều đại biểu Quốc hội đã kỳ vọng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ có khâu đột phá là tổ chức lại chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu Chương Chính quyền địa phương, nhiều đại biểu khẳng định, “chưa thấy chính quyền địa phương là cái gì” nên đề nghị được Quốc hội thông tin chính thức về chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường...

Nhiều đại biểu Quốc hội đã kỳ vọng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ có 1 khâu đột phá là tổ chức lại chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu Chương Chính quyền địa phương, nhiều đại biểu khẳng định, “chưa thấy chính quyền địa phương là cái gì” nên đề nghị được Quốc hội thông tin chính thức về chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã được triển khai tại 10 tỉnh, thành trong vòng 5 năm qua.

Sự lựa chọn khó khăn trước yêu cầu đổi mới

Trong Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Tổ trưởng Tổ Biên tập - cho biết, vấn đề chính quyền địa phương được các tầng lớp nhân dân quan tâm và góp nhiều ý kiến, trong đó có 3 loại ý kiến chính.

Hình minh họa

Luồng ý kiến thứ nhất tán thành giữ các quy định về các đơn vị hành chính như Điều 118 của Hiến pháp hiện hành và mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó phải có cơ quan đại diện để giám sát.

Luồng ý kiến thứ hai đề nghị Hiến pháp cần có những quy định để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính.

Cụ thể là: đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tương ứng với đơn vị hành chính thì có 2 cấp chính quyền là chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chính quyền cơ sở (chính quyền thành phố, thị xã, thị trấn, xã...).  

Luồng ý kiến thứ ba đề nghị giữ nguyên quy định về đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành nhưng chỉ tổ chức HĐND và UBND ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xã; còn đơn vị hành chính huyện, quận, phường thì chỉ có cơ quan quản lý hành chính.

Trước những luồng ý kiến này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết:  “Mô hình chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay đang đứng trước thực tế cần yêu cầu đổi mới để phù hợp với tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước.

Đồng thời, nhiều đề án liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện đang được triển khai nghiên cứu, thí điểm (Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, Đề án về chính quyền đô thị...). Do chưa có kết luận từ tổng kết các đề án này nên Dự thảo chưa thiết kế được mô hình cụ thể của chính quyền địa phương”.

Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp trình Quốc hội 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương.

Phương án 1: Giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này thì Chương IX gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định.

Phương án 2: Giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.

Nhiều nơi thấp thỏm chờ đợi

Ông Huỳnh Nghĩa - Đại biểu QH thành phố Đà Nẵng, một trong 10 địa phương được chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quân, phường - cho biết: “Đến nay việc thí điểm đã trải qua gần 5 năm nhưng chưa tổng kết việc thí điểm, qua việc này cũng đủ thấy tính phức tạp, nhạy cảm của đề án thí điểm chưa có điểm dừng, nhân dân các nơi làm thí điểm mất đi chỗ dựa tin cậy. Không biết trách nhiệm thuộc về ai?

Những nơi làm thí điểm thì thấp thỏm chờ đợi trong lúc Nghị quyết trung ương 5 Khóa X chỉ rõ: Khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cần tăng cường HĐND các cấp tỉnh, thành phố về số lượng, chất lượng đại biểu, về cơ sở và các điều kiện làm việc.

Nhưng rất tiếc là nội dung này của nghị quyết đã không được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc làm cho các tỉnh thành làm thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nhiệm vụ giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố để làm thí điểm thì nhiều hơn, nặng nề hơn nhưng không đủ con người và điều kiện vật chất để thực hiện quyền năng của mình, làm giảm vai trò giám sát của HĐND và quyền làm chủ của nhân dân”.  

Từ phản ánh này, đại biểu Huỳnh Nghĩa ủng hộ ý kiến thứ nhất, tán thành được giữ nguyên quy định về các đơn vị hành chính như Điều 118 của Hiến pháp hiện hành. Về mô hình chính quyền địa phương, đại biểu đề nghị được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu cơ quan hành chính thì ở đó có cơ quan đại diện giám sát. Đây cũng là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về mô hình chính quyền địa phương tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Quang Minh

Đọc thêm