Sáng ngày 24/2, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị thẩm tra Đề án Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2020. Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Pháp chế; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên; Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Đông Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì hội nghị.
|
Việc xây dựng quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt và kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007. Hiện nay, diện tích đất có rừng của tỉnh Thái Nguyên là 155.063,8 ha;trong đó có 93.002 ha rừng tự nhiên và 62.061,8 ha rừng trồng. Diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp là 179.883,7 ha; trong đó rừng đặc dụng là 36.344,5 ha; rừng phòng hộ là 47.232,6 ha; rừng sản xuất là 96.306,6 ha. Đề án Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2020 gồm các nội dung: Quy hoạch bảo vệ rừng, quy hoạch phát triển rừng; khai thác và chế biến gỗ. Mục tiêu của Đề án là sử dụng có hiệu quả 179.686 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng tỷ lệ đất có rừng lên 50,8% váo năm 2020; đóng góp vào GDP của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh quốc phòng.
Theo Đề án, đối tượng rừng được bảo vệ là diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng đã hết thời kỳ chăm sóc. Diện tích rừng đưa vào cải tạo tại kỳ kế hoạch 2011 – 2015 sẽ được đưa vào bảo vệ trong kỳ kế hoạch 2016 – 2020 của quy hoạch. Từ năm 2011 đến năm 2015 sẽ trồng mới tập trung 14.552 ha rừng trên diện tích đất trống chưa có rừng và đất có khả năng trồng rừng; trồng lại 94.858 ha rừng sau khai thác trên diện tích rừng đã khai thác trắng; khoanh nuôi tái sinh 5.450 ha rừng… Ngoài ra còn thực hiện trồng cây lâm sản ngoài gỗ, trồng cây phân tán, xây dựng cơ sở hạ tầng lâm sinh. Việc khai thác gỗ được thực hiện qua các hình thức: Khai thác chính rừng trồng sản xuất, khai thác chọn rừng trồng phòng hộ, khai thác tận dụng rừng cải tạo, khai thác chọn rừng tự nhiên và khai thác lâm sản ngoài gỗ. Đề án tiếp tục duy trì số nhà máy chế biến gỗ hiện có, đặc biệt là các nhà máy có công suất lớn. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án là 552.152,9 triệu đồng.
Nội dung thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách đối với Đề án tập trung vào việc giám sát các chỉ số, chỉ tiêu đánh giá theo thời gian và mục tiêu, đánh giá khối lượng, tiến độ thực hiện đề án; việc bảo vệ và phát triển rừng, khai thác sử dụng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ rừng được đề cập trong Đề án... Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với nội dung của Đề án, đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo Đề án làm rõ thêm một số nội dung về Nâng độ che phủ của rừng; công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất; công tác khai thác rừng, huy động vốn đầu tư; mục tiêu chính của công tác bảo vệ và phát triển rừng....
Hoài Anh