Bán nhà trên giấy, một doanh nghiệp nguy cơ “khai tử”

Giám đốc bị bắt, công ty bị thu giữ con dấu khiến doanh nghiệp "sống dở chết dở" và dự án hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ khai tử.

Giám đốc bị bắt, công ty bị thu giữ con dấu khiến doanh nghiệp "sống dở chết dở" và dự án hàng trăm tỷ đồng có nguy cơ khai tử.

Hình minh họa

Bắt giám đốc vì bán nhà trên giấy

Công ty cổ phần Sài Gòn cây cảnh (Cty Sài Gòn) do ông Nguyên Văn Tình làm Tổng giám đốc vợ là bà Nguyễn Thị Chí Sương cùng với một số cổ đông khác đang đầu tư chủ dự án khu dân cư Tam Phước tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích trên 157 ha.

Ngày 28/11/2008, UBND tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 4027, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cho dự án; nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, cty gặp rất nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và về vốn.

Vì vậy, vợ chồng ông Tình nhờ vợ chồng ông Lê Đình Tài và bà Trần Thị Hải Yến, lo giúp các thủ tục pháp lý và “cấp vốn” 20 tỷ đồng với lãi suất 4%/ tháng. Quá trình thực hiện dự án, Cty Sài Gòn cũng ký giấy cam kết trích thưởng cho Cty thương mại dịch vụ Hà Linh (Cty Hà Linh) để cty này làm tư vấn, môi giới.  

Ngày 16/4/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với ông Tình vì lý do dự án chưa được quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng đã bán thu 35 tỷ 500 triệu đồng và hiện nợ  vợ chồng ông Tài trên 70 tỷ đồng nhưng không thực hiện thanh toán và có biểu hiện bỏ trốn. Ngày 5/11 vừa qua, ông Tình bị tạm giam 4 tháng để phục vụ điều tra.

Không chỉ bắt giữ giám đốc, CQĐT còn quyết định tạm giữ con dấu của Cty với lý do đó là “phương tiện phạm tội”, gây nhiều thiệt hại cho cty. Vì thế, Cty không còn phương tiện để hoạt động, khiến cổ đông và cán bộ công nhân đành “ngồi chơi, xơi nước” nhìn dự án của Cty đắp chiếu vì thiếu cả vốn lẫn phương tiện hoạt động.

Hình sự hóa tranh chấp?

Bà Sương không thể hiểu tại sao cty lại bị đẩy vào đường cùng như vậy. Thực chất số tiền theo ông Tài tố cáo chưa chính xác mà chỉ là cách tính lũy kế số tiền vay với lãi suất cao; đó là chưa kể việc gia đình bà Sương đã mua cho ông Tài 2 chiếc xe ô tô trị giá khoảng 12 tỷ đồng, nhưng ông này không trừ vào nợ.

Hơn nữa, từ ngày 28/11/2008, UBND tỉnh Đồng Nai  đã có Quyết định số 4027, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư Tam Phước tỷ lệ 1/500, tại sao ngày 16/4/ 2010 Công an tỉnh Đồng Nai vẫn chưa biết gì về quyết định này mà lại khởi tố, bắt giam Giám đốc Cty, làm cho việc thực hiện dự án vốn đã khó khăn nay lại càng bế tắc.

Trong khi sự việc đang được điều tra làm rõ thì ngày 11/8/2010, các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Nai nhận được văn bản đề nghị xin được triển khai đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư Tam phước từ Công ty TNHH – TM và DV Hà Linh. Trong văn bản đề nghị của mình, bà Võ Thị Hoàng Hà - Giám đốc Cty Hà Linh cho biết: Đầu năm 2007, Cty Hà Linh và Cty sài Gòn có thỏa thuận hợp tác xin lập dự án khu dân cư Tam Phước.

Dự án có được là do Cty Hà Linh đi “quan hệ” với các cơ quan chức năng, còn phía Cty Sài Gòn cây cảnh chỉ đứng tên trên danh nghĩa. Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án trong thời gian qua cũng là do vợ chồng ông Tình vay của Cty Hà Linh nên Cty Hà Linh mong được tiếp nhân và tiếp tục triển khai dự án.

Luật sư Trương Đình Tùng, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng phía sau việc khởi tố, bắt giam ông Tính có dấu hiệu của vụ “hình sự hóa” tranh chấp dân sự. Đặc biệt là sự việc các tổ chức, cá nhân liên quan đến “vụ án” đứng ra tuyên bố chủ quyền đối với dự án càng cho thấy những tranh chấp về lợi ích của những bên liên quan đang đẩy vào cảnh cuộc chiến tố tụng kẻ thắng thì là chủ dự án mà kẻ thua có thể phải đi tù.

Dư luận đặt ra câu hỏi về việc tạm giữ con dấu hơn 1 tháng nay của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai làm cho mọi hoạt động của Cty Sài Gòn bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo pháp luật của doanh nghiệp. Nhiều cổ đông trong dự án khu dân cư Tam Phước rất hoang mang về số phận dự án cũng như những hệ quả họ có thể phải gánh chịu.

Việc thu giữ con dấu của doanh nghiệp có đúng hay không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh về vấn đề này.

Thưa ông, con dấu có giá trị như thế nào đối với hoạt động của doanh nghiệp?

 
Đứng ở góc độ tài sản thì con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Dưới góc độ pháp lý và quản lý Nhà nước thì con dấu là thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý của các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp nói riêng và các cơ quan, tổ chức được phép sử dụng con dấu nói chung.

Đối với các pháp nhân thì văn bản mà người đại diện của pháp nhân ký phải đóng dấu mới có giá trị pháp lý. Vì thế, các công văn, giấy tờ, hợp đồng mà không đóng dấu thì không thể sử dụng được.

Khi nào thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi con dấu của doanh nghiệp, thưa ông?

Theo Nghị định 31/2009/NĐ-CP thì con dấu sẽ bị thu hồi trong các trường hợp, như: có quyết định chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, kết thúc nhiệm vụ, chuyển đổi hình thức sở hữu; doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc có các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Vậy, Cơ quan điều tra có quyền thu giữ con dấu của doanh nghiệp không, thưa ông?

Nếu là con dấu giả thì việc thu giữ là đương nhiên nhưng con dấu được cấp đúng pháp luật thì việc thu giữ con dấu cần phải xem xét đến các hậu quả pháp lý của việc thu giữ vì việc thu giữ này đồng nghĩa với việc đóng cửa doanh nghiệp.

Vì lý do này, nếu CQĐT cho rằng, con dấu có liên quan đến hành vi phạm tội thì có thể lập biên bản quản lý rồi giao cho người đại diện của Công ty quản lý, sử dụng nó đúng pháp luật. Nếu niêm phong, cất trong kho vật chứng của CQĐT thì việc làm này có thể phương hại đến lợi ích của doanh nghiệp, cần phải được chấm dứt.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh (thực hiện)

P.V

Đọc thêm