Ban Nội chính TƯ và Bộ Tư pháp cần cơ chế phối hợp hiệu quả hơn

(PLO) - Chiều qua (10/8), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương (T.Ư) và Bộ Tư pháp. Hội nghị do Trưởng ban Nội chính T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Phan Đình Trạc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng chủ trì với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính T.Ư, lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng Thủ trưởng các đơn vị của hai cơ quan.
Toàn cảnh hội nghị.

Chú trọng thực hiện các vụ việc về tham nhũng

Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã báo cáo khái quát về các mặt công tác chung của Bộ trong 7 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2016. Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.

Nêu tập trung vào các mặt công tác liên quan đến lĩnh vực nội chính, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước, được Chính phủ biểu dương tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016; đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện một số luật quan trọng như Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)... Bộ Tư pháp cũng đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, công tác thi hành án dân sự (THADS) trong các vụ án hình sự được chú trọng thực hiện, nhất là các vụ việc về tham nhũng. Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết đối với từng vụ việc cụ thể (như vụ Vinashin, Vinalines...), tổ chức họp liên ngành T.Ư để thống nhất chỉ đạo giải quyết từng vụ việc (như vụ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đắk Lắk...).

Trong công tác bổ trợ tư pháp, quá trình giải quyết một số án tham nhũng, điển hình, Bộ Tư pháp kịp thời cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, đề xuất với Ban Nội chính T.Ư xem xét, có biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phục vụ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trong việc giải quyết một số án tham nhũng lớn, điển hình… 

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị.

Có biện pháp truy tìm tài sản tham nhũng

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế trong công tác tư pháp 7 tháng đầu năm như việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ án tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn; công tác giám định tư pháp chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong việc xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế; chưa kiện toàn được chức danh Bí thư Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam…

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề xuất Ban Nội chính T.Ư tiếp tục theo dõi, tham gia ý kiến đối với công tác của Bộ, ngành Tư pháp; nghiên cứu tổ chức một số đoàn giám sát liên ngành do Ban Nội chính T.Ư chủ trì về một số vụ việc THADS liên quan đến án tham nhũng, tín dụng, ngân hàng hoặc một số vụ việc phức tạp, kéo dài.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng chia sẻ thực tế hoạt động của đơn vị và mạnh dạn đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến mong Ban Nội chính T.Ư đề xuất Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN sớm chỉ đạo thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về giám định tư pháp để tham mưu tháo gỡ các vướng mắc về giám định tư pháp trong chỉ đạo, giải quyết các vụ án tham nhũng. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành lại kiến nghị Ban Nội chính T.Ư trong quá trình giám sát các vụ án tham nhũng, kinh tế thì có biện pháp truy tìm tài sản, thu hồi cho ngân sách nhà nước…

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu bật một số thách thức đặt ra đối với công tác của Bộ, ngành Tư pháp trong bối cảnh hiện nay nên rất cần sự phối hợp của Ban Nội chính T.Ư.

Cụ thể là, hỗ trợ, ủng hộ cho Bộ Tư pháp những định hướng lớn khi xây dựng các dự án luật quan trọng như Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản, Luật Đăng ký tài sản, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự...

Tại các buổi làm việc với các cơ quan Khối Nội chính T.Ư, Bộ trưởng mong muốn Ban Nội chính T.Ư đề cập đến trách nhiệm của từng cơ quan trong xử lý các công việc chung, bao gồm giải quyết các vụ án tham nhũng. Đối với các công tác tư pháp ở địa phương, Bộ trưởng cho rằng, qua tham mưu của Ban Nội chính các cấp và cộng đồng trách nhiệm thì công việc sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, Bộ trưởng đồng tình sẽ xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa hai cơ quan, thể chế hóa những lĩnh vực phối hợp được thống nhất.

Trưởng ban  Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu tham mưu biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm quy định về PCTN mà chưa phải xử lý hình sự; tham mưu xây dựng các quy định về phòng ngừa tham nhũng trong sửa đổi, bổ sung Luật PCTN; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Bộ trong tham mưu giúp Chính phủ kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực công tác THADS...

Trưởng ban Nội chính T.Ư hy vọng sau Hội nghị, sự phối hợp công tác giữa 2 bên sẽ thực chất hơn, hiệu quả cao hơn.

Đọc thêm