|
Đã thành lệ, mỗi năm một lần, bọn họ gặp nhau ở đây. Họ trở lại nơi tập trung quân số trước khi lên đường đến Tây Nguyên.
Có mấy người đã cặp bồ nhau, hồi ở trên đó. Xuất ngũ, cưới nên về tụ hội có đôi. Bê và gã bạn trai Hàn Quốc có tên Kim cùng mười mấy người nữa đến từ Sài Gòn. Trên ngần ấy ở Đà Nẵng và các nơi khác. Tất cả, trông có vẻ vội vã, lo toan khi mới xuất hiện. Nhưng ngồi một chặp mấy thứ đó biến lần lần và mặt nào mặt nấy căng phồng những tinh nghịch hồn hậu. Có một anh tóc sao mà rơi hết và có một chị răng rụng sạch trơn. Cả hai đều chưa lập gia đình. Chẳng lẽ vì tóc và không lý vì răng? Anh hói đầu nhiều uống cũng thật nhiều. Lúc nào cũng cặp kè bên mình chai nước khoáng nửa lít đựng rượu thuốc. Nói tôi nạp được thứ này quanh năm. Ngày thường, bận, nạp ít. Ngày tết, rảnh, nạp nhiều. Còn chị đó răng thiếu, thịt da không thiếu. Có một ai đó dòm chằm chằm vô tận miệng. Dòm đã rồi bật ngửa người phán một câu, y nguyên văn năm cũ: “Sao vậy Hạnh? Tôi đã dặn rồi thì tết nhất bà cũng đeo giùm cho bộ răng giả đặng ngó cho nó bớt xấu chứ!”. Giọng to. Đúng là giọng bà Hạnh: “Tôi “ô dề”* sẵn. Có răng không răng cũng “ô dề”. Đeo chi? Nặng mỏ”. Dễ nhận ra giọng bà này. Tự vì to lắm nhưng mà phều phào. Ngày thường, bán buôn, nói năng nhiều phều phào nhiều. Ngày tết, chơi bời, giỡn hớt nhiều phều phào cũng… nhiều.
Mấy bà phụ nữ vừa ghé mông xuống ghế là lật đật bày ra trước mắt nào mứt, bánh. Và so đọ đồ tết của nhà mình với đồ tết nhà người. Nhìn qua một lượt thấy cũng vầy vậy à! Thì cũng nho khô, mứt gừng, chocolate… Nho bé quắt, sẫm màu chắc nho mình rồi. Và nho vàng ươm, phổng phao đúng là nho Mỹ, khỏi bàn. Có bà nào đó giọng hơi the thé, chua chua cất tiếng: “Nho nào cũng là nho” và dồn hết nho vô một đĩa lớn trộn đều sau đó lại phân ra các đĩa nhỏ. Cũng vậy với chocolate. Nhân dừa, nhân đậu phộng, không nhân, có nhân hầm bà lằng. Cũng vậy với mứt, đồ rim. Cái này kêu là thập cẩm rồi. Độc đáo nhất lại là Lê tồ. Vác nguyên một thẩu nhựa bự me trái dầm. Cái này mới đã nghe! Me rim dẻo dành để nhâm nhi từng miếng, từng miếng một với từng trà đậm nóng. Còn me dầm để chi? Lão Thương bưng cả thẩu trên tay giơ cao và la lớn. Cả bọn đập bàn đáp lại: “Làm mồi”.
Nhắc mồi, có mồi. Cũng mấy bà. Trời ơi! Đúng là tết. Sao mà mấy bà siêng dữ? Mấy bà tội dữ? Cả một đùm nem chua được lôi ra rồi chả lụa, tré… Miệng mấy ông cũng đâu vừa, tía lia. Mấy bà lấy hết cho tụi mình rồi mấy ông chồng ở nhà lấy gì nhậu? Mà… Mà sao cái xách mấy bà khoác vai nho nhỏ mà chứa được cả một phần tư cái tủ lạnh vầy. Trời ơi! Đồ ngọt, đồ mặn đủ hết. Tết vầy chứ tết sao nữa. Người nói, người nghe đều tâm đắc, đồng điệu. Vậy là tụi mình có tết rồi. Vẫn được ăn tết với nhau, mà ăn tết hoành tráng vầy, ai chịu nổi? Nhà hàng đem ra thêm mấy thứ mồi nong nóng, có nước rồi mấy thùng bia, đá, khăn ăn, giấy ướt… Ly đầu khí thế dữ? “Happy newyear”, người ta dùng câu này hồi tết tây, tụi mình tết tây không được gặp thì dùng sau. Dùng trong tết ta vậy.
Và hát. Cứ một người cất giọng là cả lũ hùa. Hùa bắt ghét! Đủ thứ. Từ nhạc quê hương, nhạc chiến đấu đến nhạc tình yêu. Đủ loại. Từ tango, boléro đến slow... Có một câu được nhóm bạn này ưa thích và nghêu ngao tới, lui: “Gặp nhau lần nào cũng vội. Không kịp để mà chửi mắng…”. Quán giữa trưa với rất nhiều những ồn ĩ bạn bè. Với rất nhiều bia lon, những cái bánh tráng nướng bẻ dở, những đĩa mồi đem tới và mới kêu. Mồi thì có mồi ngày tết, mồi ngày thường rồi chén, đũa, muỗng, tô… Giữa những tiếng nói, cười. Kim và mọi người cùng hát: “Có từ bao giờ hàng me xanh biếc…Em ơi! Hãy lắng nghe nghe thành phố thở…”*. Tới đó, cả nhóm bạn bỗng dừng. Dừng ngay từ cuối ngoại trừ Kim và cái ông Hàn Quốc này “thở” mới thật là tài tình chứ! “Thở” đớt đớt. Ngân nga, láy luyến đớt đớt. Không ngọt nhưng lạ.
Hồi đi thanh niên xung phong, mấy người này chưa qua tuổi hai mươi và cỡ tuổi đó cách đây ba chục năm đến là ngây khờ. Thêm nữa kỷ luật đã kiềm giữ không ít những bốc đồng, nông nổi trong mỗi người. Họ sống bên nhau hiền lành trong sáng với thứ tình bạn nửa vời. Thoảng có tình ý thoảng không. Thoảng với người này và thoảng với người khác. Vẫn có rượu, đôi khi và vẫn lai rai, khi có thể. Thường thì ly đế được những bạn nam chuyền tay nhưng các bạn nữ vẫn được mời mọc vẫn nếm thử. Vậy là tất cả đã biết đến hơi men. Đã biết đắng môi, rát cổ. Đã trải qua cảm giác lâng lâng. Và say!
Nhưng đã rất lâu rồi những người bạn này uống bia. Tất cả. Và rất chịu bia. Vẫn là Bê và bạn trai hô hào. Vẫn như cách uống của hầu hết các cuộc nhậu. Một, hai, ba: Vô. Không có lon nước ngọt hoặc chai nước khoáng nào trên bàn. Chỉ thuần bia. Là Heineken và những lon mới khui và những lon uống dở, bỏ ngổn ngang khắp bàn. Cũng ngổn ngang dưới chân mỗi người những vỏ bia uống hết. Có vỏ còn nguyên vẹn, có vỏ móp méo, có vỏ bị đạp lên đạp xuống, bẹp dí. Uống và uống.Và nhắc, kể búa xua. Từ “tết” được nghe nhiều. Nghe, mỗi lần đưa cao và cụng lon rồi nâng lên môi tu những hơi dài. Từng ngụm, từng ngụm kết lại thành rất nhiều ngụm. Nếu ngồi rảnh không đếm thử mỗi người đã tu những là bao nhiêu ngụm trong một cuộc vui. Trong một lần sum họp bạn bè như thế này chắc là tôi sẽ phải lắc đầu, chịu thua. Bia, khiến tất cả phấn chấn hẳn lên và bạn, làm cho bầu không khí vốn đã náo nhiệt càng thêm rôm rã.
Những người bạn cùng hát, cùng kể và cùng nhắc đến rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm những cái tết Tây Nguyên. Nhiều nơi chốn được nhắc tới: Sa Thầy, Đắc Nông… Những lần lết bộ ra Pleiku, phố thấp, dốc cao chân mỏi nhừ vẫn ráng tới tận trung tâm, chỉ để nhìn cho tỏ tường, sướng mắt những áo len xanh, len đỏ rực màu của các em má hồng miền cao. Cuộc sống tập thể, những cơn thèm ăn, thèm uống, thèm đi và thèm yêu… Có ai đó kể lại chuyện một bạn nam lỡ qua nằm ì trên sạp của phòng nữ và bị trùm mền ngắt, véo yêu thương. “Ngắt véo yêu thương”, hay quá, ai bày ra cái kiểu ví von độc đáo này. Vậy thì thưởng nghe. Rồi khui rồi cụng rồi nâng rồi tu. Còn bạn nam liều mạng hồi đó đâu? A! Ông trọc đầu. Trời ơi! Sao hồi đó ông dạn dữ vậy? Cả một tập thể nữ hùng mạnh là thế mà ông dám liều mạng qua nằm lì? Trời ơi! Mà sao giờ cần dạn ông không chịu dạn? Sao không kiếm đại một bà nào rồi chui đại vô phòng bà đó. Không chừng bả cũng trùm mền cũng ngắt véo yêu thương cho ông nhờ. Cho ông giã từ kiếp sống độc thân cho rồi. Cho ông khỏi nạp cái thứ nước đỏ đỏ - nâu nâu quanh năm đi. Trời ơi! Sao mà ông dại sao mà ông hư? Tới hai lần vậy là phạt ông đúng hai lần, được chưa? Và ông đầu trọc bị kéo ra khỏi chỗ ngồi. Khuôn mặt vậy lại còn cắp thêm chai nước khoáng nửa lít đựng rượu thuốc, càng thêm buồn hắt buồn hiu. Niên giành lên tiếng trước:
- Tui thấy tướng ông khù khờ chay, sao dám?
- Bị xúi?
- Ai?
- …
- Phải mấy cái mặt mốc ở đây không? Chỉ?
- Có đâu mà chỉ?
- Vậy nói tên. Tụi tôi tìm tới và ngắt véo yêu thương. Được chưa?
- Do tui lộn. Nói lộn… Đúng ra là phải nói cái thằng đó còn đâu mà chỉ?
- …
Sau câu nói của ông trọc đầu, nhóm bạn đang chộn rộn ồn ào là vậy tự nhiên nín thinh ngay lập tức. Không khí bỗng im sững. Chỉ có những tiếng động của việc khui, cụng và… “khà, khà”. Uống nhiều, nghe nói làm vậy sẽ giúp bia thoát bớt ra bên ngoài, kiềm cơn say lại. Chắc vậy hay sao mà nghe được nhiều tiếng khà, khà…? Uống, uống và không mở nổi miệng, cất nổi lời. Còn tâm trí thì lưởng vưởng bao con người. Những đồng đội đã nằm lại Tây Nguyên và những bạn bè đã không còn giữ nổi cái mạng sống của mình, sau khi rời khỏi thanh niên xung phong. Người, vì tai nạn. Người, vì ốm đau. Và một trong mấy người ấy trong tất cả cái số ấy, đã xúi cái ông trọc đầu đây, là vô phòng nữ trùm mền nằm ì người chơi. Giờ, người ấy đâu còn lấy ai bày xúi, biểu sao cái ông này không cảnh một mình và nạp rượu thuốc quanh năm.
Giữa tiệc vui bỗng có nhiều khuôn mặt cúi thấp và những tiếng thở dài. Những mường tượng thì không nắm bắt được nhưng những tiếng thở dài lại nghe rất rõ. Và buồn khan.
Phải rất lâu sau, sự lặng thinh ấy mới đi qua nhưng tâm trạng cũ vẫn chưa thể về kịp. Giao, người duy nhất đến từ Đắc Lắc bỗng nói lên nỗi mong muốn là được hôn tất cả những bạn nữ của mình. Hỏi sao? Trả lời tỉnh rụi tự hồi đó tui thấy mấy bà tui thèm quá chừng. Đêm nào tui cũng nằm mơ được ôm được hôn. Đêm hôn bà này đêm hôn bà khác. Ôm hôn hết một lượt lại trở về ban đầu. Ôm tiếp hôn tiếp. Ôm mê tơi. Hôn đã đời luôn. Giải thích vừa xong là Giao tiến lại phía sau An, đang ngồi sát bên. Do tư thế đứng kiểu đó nên cái ông này phải quẹo cổ, nâng cằm bà bạn của mình lên và làm cái chụt lên má. Và cứ vậy tiếp tục quẹo cổ, nâng cằm và “chụt”, “chụt” tiếp tục. Có người cười hớ hớ đồng tình, có người phản ứng, có người nói để chờ tui uống miếng bia đã, có người trừng mắt sao cha khôn dữ ? Có bạn nam già già vê râu cười ruồi, đằng hắng: “Mơ hôn kiểu nào chứ kiểu vầy, chắc thằng Giao nó không mơ chi!”.
Giao hôn hết lượt các bà và cụng ly với từng ông. Cụng và nhấp. Nhấp chứ uống chịu gì nổi bởi đã uống quá nhiều. Bởi đã lâng châng. Hôn tua và nhấp cũng tua. Có cảm giác chập chờn. Y hình như cái đầu cũng đang tua đi, tua lại những khúc phim kỷ niệm. Có đoạn rõ hình sắc nét, có đoạn mờ mờ, nhàn nhạt. Nhưng màu áo xanh thanh niên xung phong thì rõ lắm. Bởi rất xanh. Xanh đến nhức mắt. Xanh đến nao lòng. Và đất đỏ Tây Nguyên thì tươi lắm kìa! Và màu hoa dã quỳ thì vàng rực. Tươi tắn rực rỡ cả một vùng đất, cả một loại hoa cả một quãng đời trai tráng hào phóng xưa. Tươi rực những tết hội tụ đủ đầy. Có bia và bạn. Có bạn với lại bia.
…
Vẫn khoảng thời gian đó: chiều. Vẫn nơi đó: quán. Mọi người tất tả chia tay. Cố làm ra vẻ lật đật, vội vàng. Cố như bỡn cợt, tỉnh táo. Vì nếu không như thế thì chẳng thể nào mà dứt ra được. Rồi lại ngồi nữa, uống nữa và tụ bạ nữa. Thế nên phải rất nhanh và thật gọn. Như hồi trong quân ngũ khi có lệnh xuất kích. Có người đã yên vị trên xe. Có người nửa trong nửa ngoài. Cứ dùng dằng. Nửa muốn thả nửa muốn níu. Và thêm những cái bắt tay, bá cổ, ôm chầm… Thêm nhiều lướng vướng, cho một lần quay lưng. Nhưng xe rồi vẫn phải rồ máy và lao tới. Xe nuốt từng chặng đường như thời gian nuốt tết. Và tết qua…
…………………
* Ô dề: Thô kệch.
*Lời trích từ ca khúc “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”của NS Phạm Minh Tuấn