Bánh hòn - Món ăn đặc trưng của người Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài bánh chưng, giò lụa, dưa hành… trong mâm cơm ngày Tết của người Vĩnh Phúc không thể thiếu bánh hòn – món ăn dân dã, thơm ngon được làm từ những nguyên liệu sẵn có của miền quê lúa nước.
Bánh hòn đã trở thành món ăn đặc trưng của người Vĩnh Phúc
Bánh hòn đã trở thành món ăn đặc trưng của người Vĩnh Phúc

Đối với mỗi người con của quê hương Vĩnh Phúc, bánh hòn đã trở thành món ăn rất đỗi quen thuộc. Trong mâm cơm ngày lễ, Tết, các dịp cưới hỏi, liên hoan… không thể thiếu món ăn này.

Nhiều nơi của tỉnh Vĩnh Phúc như thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên), xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương), phường Hội Hợp (TP. Vĩnh Yên)… đã trở thành những nơi làm bánh hòn ngon nức tiếng xa gần.

Bánh hòn có từ bao giờ, tại sao lại có tên gọi như vậy, không còn nhiều người nhớ rõ. Chỉ biết rằng, món bánh trắng tròn này nhắc nhớ đến sự trân quý đối với từng hạt gạo của vùng quê lúa nước đã trải qua bao gian khó.

Bánh được làm từ gạo tẻ, nhân bánh bao gồm thịt lợn, hành hoa, mộc nhĩ, có nơi cho thêm lạc giã nhỏ, nhân được trộn lẫn và nêm nếm vừa vặn. Nguyên liệu đơn giản, nhưng để làm được những chiếc bánh tròn bóng, thơm ngon, đòi hỏi người làm bánh phải có sự khéo léo, tỉ mỉ. Từ khâu chọn gạo làm bánh, nhân bánh phải được lựa kỹ càng. Gạo làm bánh phải là loại gạo tẻ ngon. Sau khi vo sạch, gạo sẽ được ngâm với nước lã từ 3 đến 4 tiếng, sau đó, lấy gạo ra để ráo nước, khi gạo khô thì đem nghiền thành bột mịn.

Trước đây, khi smartphone, tivi chưa thịnh hành, đối với mỗi đứa trẻ khi có nhà chuẩn bị làm bánh hòn, khâu nghiền bột là luôn điều thú vị và gây tò mò nhất. Thời đó, mỗi gia đình đều có một chiếc cối xay bằng đá, mỗi bát gạo cho vào cối đều được đổ kèm một chút nước để thành bột. Mỗi khi các bà, các mẹ trong nhà xay bột, những đứa trẻ sẽ tíu tít ngồi cạnh, vừa thắc mắc, cũng vừa phấn khích khi thấy những hạt gạo phút chốc đã trở thành thứ bột trắng ngần.

Bột sau khi nghiền xong sẽ được để qua đêm cho ráo nước. Khi bột làm bánh, nhân bánh đã được chuẩn bị đầy đủ, công đoạn làm bánh sẽ được thực hiện bởi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Bột cắt khúc được nặn dẹt ra cho nhân vào và được nặn tròn như hình quả bóng bàn. Sau đó, bánh được xếp đều lên nồi hấp, đun nhỏ lửa cho đến khi chín.

Bánh ăn rất ngon khi vừa hấp xong, còn nóng, hơi tỏa ra cùng hương thơm của bánh làm hấp dẫn bất kì ai. Cách ăn bánh hòn truyền thống là ăn cùng với nước mắm chấm pha loãng, ngòn ngọt giống nước mắm ăn bánh cuốn.

Đối với người Vĩnh Phúc, bánh hòn là món ăn thân quen, bình dị, nếu như bánh trưng, bánh tét chỉ được làm để chuẩn bị đón năm mới, thì bánh hòn được làm quanh năm, được dùng vào nhiều dịp lễ, cưới hỏi, liên hoan... Cũng có khi chỉ đơn giản là trong nhà có thời gian quây quần vui vẻ, trên bàn ăn cũng không thể thiếu món ăn này.

Ngày nay, một số nơi chuyên làm bánh hòn của Vĩnh Phúc như xã Hợp Thịnh (huyện Tam Dương) hay thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên) đã hình thành nên các tổ hợp tác liên kết sản xuất, giúp món quà quê đậm vị trở nên phổ biến và được nhiều người biết tới hơn. Mặc dù vậy, rất nhiều gia đình vẫn tự làm bánh để phục vụ cho các dịp quan trọng trong nhà, không chỉ giúp mỗi thành viên có thêm cơ hội gắn kết, mà còn giúp mỗi người thêm tự hào về thước quà bình dị, mang đặc trưng của quê hương Vĩnh Phúc.

Đọc thêm