Báo động vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp

Không ai khỏi rùng mình khi nhìn thấy cảnh tượng hàng chục ngôi nhà chen chúc dưới đường dây điện 110kV, thậm chí sát rạt chân trụ điện. Đáng báo động hơn là tình trạng xây dựng, cơi nới nhà ở dưới đường dây cao áp lại diễn ra không phép hoặc chủ hộ không có thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện cao áp, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, xem thường tính mạng, tài sản của mình.

Không ai khỏi rùng mình khi nhìn thấy cảnh tượng hàng chục ngôi nhà chen chúc dưới đường dây điện 110kV, thậm chí sát rạt chân trụ điện. Đáng báo động hơn là tình trạng xây dựng, cơi nới nhà ở dưới đường dây cao áp lại diễn ra không phép hoặc chủ hộ không có thỏa thuận với đơn vị quản lý lưới điện cao áp, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, xem thường tính mạng, tài sản của mình.

Chen chúc sống dưới đường dây điện cao thế ở tổ 8, phường Thanh Khê Tây.

Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-8-2005 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, và Nghị định số 81/2009/NĐ-CP ban hành ngày 12-10-2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP đều quy định đối với nhà ở, công trình trong hành lang an toàn lưới điện cao áp có khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại phải lớn hơn 4 mét đối với điện áp 110kV; mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình phải được nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất; không gây cản trở đường ra vào để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp…

Luật Điện lực cũng quy định: Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này (Điều 51).

Tuy nhiên, theo Đội quản lý vận hành 110kV thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, từ năm 2007 đến nay có 244 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa trái phép hoặc xây dựng nhà cửa, công trình nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp mà không có thỏa thuận với cơ quan điện lực. Trong đó, dưới đường dây 110kV Huế - Đà Nẵng có 123 trường hợp vi phạm, nhánh rẽ Xuân Hà 102 trường hợp, nhánh rẽ Liên Trì 10 trường hợp, nhánh rẽ Quận 3 - An Đồn 9 trường hợp.

Đặc biệt, nhiều hộ xây dựng nhà ở, công trình có chiều cao cách dây dẫn điện cao áp dưới 4 mét như căn nhà 1 mê của bà Dương Thị Thanh Hương (tổ 15, phường Thanh Khê Đông) có khoảng cách từ góc sân thượng đến dây dẫn chỉ 2,9 mét; nhà trọ cấp 4, tường xây, mái tôn kẽm không nối đất của ông Hồ Sỹ Huấn (tổ 22, phường Hòa Khánh Nam) chỉ cách dây dẫn 3,2 mét; nhà trọ cấp 4, tường xây, mái tôn proximang của ông Tân Duy Hoàng (tổ 52, phường Hòa Khánh Bắc) chỉ cách dây dẫn 2,95 mét; ngôi nhà của bà Lê Thị Hải (tổ 52, phường Hòa Khánh Bắc) chỉ cách đường dây 2,8 mét…    

Cũng theo Đội quản lý vận hành 110kV, theo quy định, các chủ hộ, chủ đầu tư xây dựng công trình, nhà ở nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp đều phải làm việc với đơn vị và có sự xác nhận của lãnh đạo đơn vị mới được xây dựng. Tuy nhiên, có khá nhiều căn nhà cấp 4 xây dựng bừa, trái phép, thậm chí có công trình xây dựng cấp 3 được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng mà chưa có thỏa thuận bằng văn bản với đội, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành an toàn đường dây. Hằng tháng, đội đều đi kiểm tra an toàn đường dây 1-2 lần và nhiều lần đi kiểm tra an toàn đột xuất ở các đoạn nóng về vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp như: E51 – E9; E9 - D440, từ đầu nhánh rẽ Xuân Hà đến E10.13… nhưng có khá nhiều căn nhà cấp 4 được xây dựng trong hành lang an toàn lưới điện cao áp rất nhanh, trong vòng 3-4 ngày.

Đơn vị lập biên bản vi phạm gửi cho chủ hộ đề nghị dừng thi công, trả lại hiện trạng ban đầu và gửi cho chính quyền địa phương một bản để kiểm tra, xử lý theo quy định. Phần lớn các trường hợp vi phạm đều rất khó xử lý, chỉ mới quyết liệt cưỡng chế một số trường hợp do quá nguy hiểm, như trường hợp dựng quán cà-phê với vật liệu dễ cháy là tranh và tre dưới đường dây 110kV E51-E9 của ông Lê Phú Long (tổ 45, phường Hòa Khánh Bắc) vào đầu năm 2010, dù đã gửi thông báo yêu cầu tự tháo dỡ nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành, buộc phải cưỡng chế; hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (tổ 53, phường Hòa Khánh Bắc) xây nhà lợp mái tôn nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây cao áp quá nguy hiểm, quận Liên Chiểu phải trực tiếp xuống cưỡng chế…

Để bảo đảm an toàn cho các nhà dân sống dưới, cạnh đường dây cao thế, nhất là trong mùa mưa, ngoài biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho đường dây, đơn vị quản lý vận hành đường dây khuyến cáo người dân không làm nhà bằng các vật liệu dễ cháy, nếu mái lợp bằng tôn kẽm phải có tiếp địa, không dùng tấm bạt, dù để che, tránh trường hợp gió tốc lên đường dây, vừa không bảo đảm an toàn cho đường dây vừa gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản người dân… Qua đây, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra trật tự xây dựng và phối hợp với ngành điện kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và ngành điện.

Bài và ảnh: Nam Trân

Đọc thêm