Bảo hiểm xã hội sửa sai : dân vẫn bị hành !?

 

Ghi nhận của PLVN online ngày đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam “khắc phục sự cố sai sót trong đổi thẻ BHYT nhóm hưu trí” cho thấy vẫn còn cảnh các cụ già có công với cách mạng ngồi chờ với huân chương, huy chương nặng trĩu trên tay…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiến hành khắc phục sai sót trong quá trình đổi thẻ dành cho nhóm người hưu trí có công từ HT 5 trở về HT 2. Tuy nhiên, ghi nhận của PLVN online ngày đầu “khắc phục sự cố” cho thấy người dân vẫn bị “hành”, vẫn còn cảnh các cụ già có công với cách mạng ngồi chờ với huân chương, huy chương nặng trĩu trên tay…

 Ghi nhận từ ngày đầu BHXH “ khắc phục sự cố”

Ông Phạm Lương Sơn, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN cho biết, ông vừa ký quyết định văn bản số 1958 Hướng dẫn việc chuyển đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT gửi BHXH 63 tỉnh, thành.

Theo đó, người có công với cách mạng đang được hưởng quyền lợi BHYT theo một trong các mức hưởng có mã số 3, 4, 5, 6, 7 được chuyển mã quyền lợi lên mức hưởng BHYT có mã số 2.

Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn đang được hưởng quyền lợi BHYT theo các mức hưởng có mã số 5,6,7 được chuyển mã quyền lợi lên mức hưởng BHYT có mã số 4.

BHXH cũng nói rõ, khi đổi thẻ, nhóm người có công mang kèm bản sao công chứng một trong những loại phần thưởng như Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng hoặc Chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan Thi đua - Khen thưởng cấp huyện, Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh.

Riêng với người dân tộc thiểu số thì mang bản sao công chứng Giấy chứng minh nhân dân; sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi đối tượng cư trú. Trường hợp người có thẻ BHYT không thực hiện được việc công chứng, cơ quan BHXH có trách nhiệm đối chiếu với bản chính và xác nhận trực tiếp lên bản sao các loại giấy tờ trên.

Sáng ngày 20-5, phóng viên PLVN online đã tiến hành khảo sát  tại một số Phòng Bảo hiểm xã hội của nhiều quận, huyện.

Kết quả cho thấy vẫn còn cảnh nhiều cụ ngoài 70 tuổi vẫn ôm khư khư đống huân chương, huy chương các loại để đổi thẻ. Thậm chí có cụ lọ mọ rời nhà từ lúc 6giờ sáng để nhanh đến lượt.

Tại Phòng Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân, bác Nguyễn Thị Mai, 65 tuổi ở Tổ 18, phường Hoàng Mai, quận Hoàng Mai phải đi từ nhà lúc 6 giờ sáng để khỏi phải chờ đợi lâu. Thế mà ra đến phường đã thấy rất nhiều cụ cùng ngồi chờ từ bao giờ rồi. Giọng buồn rầu, bác nói: “Nếu như nhà nước đã biết thương chúng tôi và đổi thẻ bảo hiểm với chế độ như ngày trước thì sao không có thông báo hướng dẫn nhiều nơi, đến tận tổ, xóm”.

Còn tại Phòng BHXH quận Ba Đình, căn phòng khoảng 10 mét vuông như ngột ngạt hơn bởi hàng chục người già phải đứng để chờ đợi đổi thẻ. Bác gái Nguyễn Thị Lan Anh, 71 tuổi trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình đã ngạc nhiên khi thấy phóng viên nói về những chính sách “sửa sai” mà phía cơ quan bảo hiểm đã chỉ đạo.

 Bác Lan Anh cho biết, trước khi về hưu, bác được cơ quan tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất kèm lẫn sổ hưu hàng tháng. Cách đây 10 năm, khi Sở Lao động thương binh và xã hội có chính sách dành một khoản tiền nhỏ đối với những người có huân, huy chương nên đã yêu cầu nộp tất cả giấy tờ và bản gốc của huân chương đó.

Dựng chân chống giữa của chiếc xe đạp mini, đôi bàn tay nổi nhiều gân guốc của bác Lan Anh chỉ nhanh vào tờ giấy Giấy xác nhận đổi thẻ BHYT mà chị cán bộ bảo hiểm vừa đưa và cho biết: “vì mất hết giấy tờ và để có được tờ giấy hẹn này, tôi đã phải đạp xe đến đây rồi quay ra phường để có xác nhận ba lần rồi. Giá như những điều cháu nói có hướng dẫn rộng rãi của phường thì đỡ cho người già như chúng tôi quá”.

Tương tự bác Lan Anh, cụ Lương, 73 tuổi sống tại đường Đội Cấn đang ôm trong tay gần chục tấm huân chương kháng chiến, huân chương chiến thắng, huy chương kháng chiến…để đổi thẻ cho mình và cho vợ nữa.

Cụ bảo, đã nhận được Giấy hẹn rồi nhưng giá mà biết trước thông tin “chỉ cần mang bản chứng nhận là người có công” thì cụ đỡ phải mang cả đống huân, huy chương này. Cụ nhoẻn cười, lộ ra hàm răng đã rụng gần hết và bảo, dù gì thì tôi cũng thoát nạn rồi. Chứ người già như chúng tôi, hay ốm đau luôn. Nếu không có bảo hiểm thì với đồng lương còm chỉ đủ chữa bệnh mà thôi”.

Sửa sai bằng hoàn trả viện phí  

 Đến thời điểm này, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới thừa nhận với phóng viên, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ việc BHXH vẫn phải in đủ 53 triệu thẻ người tham gia BHXH mặc dù không có danh sách gốc.

Vì vậy, có nhiều trường hợp được thưởng huân chương kháng chiến một nơi, nhưng về hưu lại ở thành phố khác. Sở LĐTB&XH cùng đó không hề được bàn giao danh sách người có công nên không thể biết được.

 Trong số 3,2 triệu người có công trên cả nước hiện nay có tới hơn hai triệu người được nhận huân chương có công một lần. “Song dù thế nào cũng là lỗi của cơ quan bảo hiểm”- ông Thảo nói.

Ngoài ra, theo ông Thảo, để sửa sai cho những người có công ở diện HT 2 vẫn phải chi trả 5% viện phí trong thời gian 5 tháng đã vào viện, họ có thể mang những hóa đơn thanh toán đến phòng BHXH của quận, huyện để được hoàn trả.

  Thực tế, theo nhận định của phóng viên PLVN online có rất nhiều cụ trong đó đã được nhà nước thu huân chương kháng chiến để thanh toán bằng một khoảng tiền (ứng với năm làm việc). Vậy cơ quan nào sẽ đứng ra xác nhận các cụ có công?

 Ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban cấp Sổ, thẻ của BHXH VN cho hay, Cục người có công (Bộ Lao động thương binh và xã hội) đang xem xét để trả lời trong vài ngày nữa.

Trường hợp người bệnh có nhu cầu đi KCB trong thời gian chưa kịp chuyển đổi thẻ theo mã quyền lợi thì “Giấy xác nhận đổi thẻ BHYT” do Phòng BHXH quận, huyện cấp cũng đủ điều kiện để bệnh viện thanh toán 100% viện phí.

 Cũng theo ông Thiết, BHXH các địa phương có trách nhiệm yêu cầu Tổ phát lương hưu tại mỗi phường, xã có trách nhiệm thu gom và đổi thẻ BHYT cũ cho các cụ tại nhà.

 “Mỗi người đều phải kèm theo bản phôtô có công chứng một trong các phần thưởng chứng minh là người có công”- ông Thiết lưu ý.

 Đức Hiệp

Đọc thêm