Báo hiếu nội, ngoại : Vẹn cả đôi đường

Sau khi kết hôn, việc bạn giúp đỡ gia đình riêng không đơn giản như ngày độc thân. Để chu toàn các mối quan hệ, bạn cần phải thật khéo léo.

Sau khi kết hôn, việc bạn giúp đỡ gia đình riêng không đơn giản như ngày độc thân. Để chu toàn các mối quan hệ, bạn cần phải thật khéo léo.

Đang lúi húi làm bếp, chị Thu Hương, 32 tuổi, kế toán trưởng của một công ty bất động sản, nghe tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Liền sau đó, giọng của Ngọc, em chồng chị, vang lên lanh lảnh: "Chị Hương à, mẹ chị gọi điện hỏi thăm xem con gái lĩnh lương chưa này".

Khó chịu vì giọng châm chọc của cô em chồng nhưng Hương cố nhịn, chạy ra nghe điện. Nghe tiếng con gái, bà Tiến, mẹ Hương không nói được lời nào, chỉ biết khóc rồi cúp máy. 

Khi người bạn đời thiếu cảm thông

Đoán chắc mẹ đã nghe lời nói không hay của Ngọc, Hương vội bấm máy gọi lại. Thấy thế, mẹ chồng Hương nói trỏng: "Chẳng có gì nghiêm trọng đâu mà phải gọi lại, chắc bà ấy lại thiếu tiền thôi".

Hương nhìn mẹ chồng trân trối: "Sao mẹ nói như vậy?". Mẹ chồng Hương tỉnh bơ: "Có khi nào mẹ chị gọi điện lên mà chị không hứa hẹn sẽ gửi về cái này cái nọ không? Người ta bảo xuất giá tòng phu nhưng tôi thấy chị lấy chồng rồi mà cứ chăm chăm rút của nhà chồng lo cho nhà bên ấy".

Nước mắt Hương ứa ra. Lòng chị đau như cắt khi nghĩ đến mẹ già và em dại ở quê. Hương vốn là con cả trong một gia đình có bốn chị em ở vùng Gò Công Đông, Tiền Giang. Tốt nghiệp đại học kinh tế, Hương đi làm và phụ giúp bố mẹ nuôi em.

Định, chồng Hương, là bạn học cùng lớp ngày đại học. Từ bạn thân trở thành người yêu nên họ thỏa thuận không giấu nhau bất kỳ điều gì. Vì vậy, mỗi khi gửi tiền biếu bố mẹ, Hương đều nói với chồng. Định cũng không phản đối vì thu nhập của mình thấp hơn vợ.

Ở với gia đình chồng, Hương vẫn sắm sửa mọi thứ, trả chi phí điện nước... Tuy nhiên, chị thừa nhận: "Gia đình tôi khó khăn hơn nên tôi giúp đỡ nhiều hơn. Bố mẹ chồng khá đầy đủ nên tôi hiếu thảo kiểu khác. Tôi nghĩ mẹ chồng hiểu điều đó, không ngờ...".

Tối hôm ấy, Hương tỉ tê tâm sự với chồng. Chẳng ngờ, anh phản ứng: "Mẹ nói không sai. Em có gia đình rồi chứ còn độc thân đâu mà lúc nào cũng lo nhà bên ấy. Hay em ỷ làm nhiều tiền hơn anh nên tự tung tự tác?".

Mâu thuẫn lớn từ chuyện nên giấu kín

Không riêng gì chị Hương, rất nhiều người quan niệm đã là vợ chồng cần phải công khai chuyện tiền bạc. Họ xem đó là một cách thể hiện sự tôn trọng đối phương.

Tuy nhiên, tiền bạc vốn nhạy cảm nên dễ gây ra chuyện không hay, nhất là khi người trong cuộc bằng mặt không bằng lòng. Thực tế cho thấy giúp đỡ gia đình riêng một cách công khai thường hại nhiều hơn lợi, như trường hợp của chị Hương.

Trước hết, chị là người chịu tổn thương đầu tiên khi phải nghe những lời xúc phạm bố mẹ. Ngay cả người chồng đầu ấp tay gối cũng tỏ ra khó chịu với vợ. Đối tượng thứ hai bị tổn thương chính là những người chị yêu thương và giúp đỡ. Người xưa có nói: "Kính chẳng bỏ phiền". Việc thương kính không khéo của chị dẫn đến sự thiếu tôn trọng của gia đình chồng đối với bố mẹ. Nước mắt của bà Tiến, mẹ chị Hương, là cực điểm của nỗi xót xa khi nhân cách bị xúc phạm. Mỗi quan hệ sui gia cũng đổ vỡ theo.

Đồng thời, sự gắn bó giữa chị và gia đình chồng cũng không còn khăng khít. Người thân bên chồng dễ so sánh, phân bì và nảy sinh ác cảm. Không có sự ủng hộ của họ, việc làm dâu của chị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước hàng loạt những phức tạp ấy, mối quan hệ vợ chồng khó tránh khỏi lung lay. Chồng chị Hương không phản đối chuyện chị giúp đỡ bố mẹ nhưng cũng không vừa lòng. Anh tự ái vì nghĩ do mình làm ít tiền hơn nên vợ mới thiếu công bằng với gia đình mình.

Chỉ nên công khai chuyện cần thiết

Nguyên nhân sâu xa của sự bất đồng trên chính là quan niệm thuyền theo lái, gái theo chồng. Suy nghĩ: "Con gái lấy chồng xong phải toàn tâm toàn ý phục vụ gia đình chồng"... vẫn còn ăn sâu vào tâm lý của nhiều gia đình Việt Nam, không thể thay đổi dễ dàng.

Để tránh chuyện đáng buồn, bạn cần khéo léo trong cách giúp đỡ gia đình. Những góp ý sau có thể giúp ích cho bạn.

Trước khi kết hôn, bạn nên thỏa thuận với chồng về việc giúp đỡ bố mẹ hai bên. Dựa trên năng lực tài chính của cả hai, bạn lập một quỹ chung. Trong quá trình chung sống, đừng quên giữ nguyên tắc công bằng. Sự công bằng thể hiện ở sự quan tâm đồng đều về cả vật chất lẫn tinh thần đối với hai bên gia đình, không chỉ riêng bố mẹ mà cả anh chị em ruột.

Cách cư xử công bằng tạo sự thoải mái, rõ ràng giữa hai vợ chồng. Anh ấy sẽ không cảm thấy tự ái khi bạn "bỏ quên" bố mẹ mình và sẵn sàng hỗ trợ bạn thực hiện chữ hiếu.

Ngoài quỹ chung, bạn không nên công khai với chồng về những khoản riêng lo cho gia đình mình. Có thể chồng bạn không phản đối nhưng anh ấy chưa chắc hài lòng.

Khi chủ động về kinh tế, bạn có quyền dành cho mình một khoản tiết kiệm. Hãy xem đó là việc cá nhân của bạn và tách riêng với mọi khoản chi khác. Với gia đình chồng, bạn không nên chia sẻ chuyện giúp đỡ bố mẹ ruột quá nhiều. Dù thu nhập của bạn cao hơn chồng, họ vẫn có cảm giác thu gom tất cả về gia đình mình và con trai họ bị lấn lướt.

Nếu cư xử khéo léo, bạn có thể vừa dung hòa các mối quan hệ vừa thực hiện được chữ hiếu của mình.

Theo TTGĐ

Đọc thêm