Nhiều chuyên gia giáo dục không khỏi băn khoăn về việc những trường có điểm chuẩn trúng tuyển cao cũng được Bộ “xem xét” cho hạ điểm chuẩn, liệu có phá vỡ phương án “ba chung”?
|
Ảnh minh họa |
Bộ GD-ĐT vừa công bố “Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”, trong đó nhấn mạnh: các trường không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Một số ngành nghề khó tuyển sinh) thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định.
Đón nhận những thông tin trên, nhiều chuyên gia giáo dục không khỏi băn khoăn. Bởi lẽ, việc những trường có điểm chuẩn trúng tuyển NV1 cao cũng được Bộ “xem xét” cho hạ điểm chuẩn, liệu có phá vỡ phương án “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) mà bộ đang thực hiện đến năm thứ 9 không?
Khi áp dụng phương thức tuyển sinh “ba chung” và quy trình xét tuyển như hiện nay thì theo quy chế, mỗi thí sinh được xét tới ba NV, nếu chưa trúng tuyển NV này sẽ được tiếp tục tham gia xét tuyển NV sau. Nhưng với hướng “gợi mở” của Bộ như năm nay, các trường “chiếu dưới” đang nơm nớp lo. Bởi rất có thể sẻ xảy ra tình trạng khi các đã trường gọi NV2, NV3 thì bất ngờ trường mà thí sinh dự thi lại thông báo hạ điểm chuẩn, thí sinh lại được gọi nhập học. Khi đó khả năng nhiều thí sinh sẽ quay về trường NV1 cao có thể sẽ làm khó cho hàng loạt trường xét tuyển NV2, NV3.
“Gợi mở” này của Bộ cũng khiến những người quan tâm tới giáo dục nhớ lại mùa tuyển sinh năm 2009, khi ĐH Cần Thơ bất ngờ hạ điểm chuẩn cho 9 ngành trong thời gian đang xét tuyển NV2. Lẽ ra, ĐH này phải thông báo xét tuyển NV2, NV3 như bao trường khác thì lại đi ngược quy chế. Phản ứng trước sự kiện “xé rào” này, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) kiên quyết: “Theo đúng quy chế, không trường nào được hạ điểm chuẩn” và yêu cầu trường phải rút lại quyết định. Thế nhưng, đúng một tuần sau Bộ lại đồng ý để trường làm trái quy chế, cho phép hạ điểm chuẩn!
Sự kiện này cũng khiến nhiều trường bất bình. Nhớ đến kỳ thi năm 2008, hai trường CĐ Kinh tế TP HCM, CĐ Kinh tế công nghệ TP HCM cũng thông báo hạ điểm chuẩn thì Bộ GD-ĐT kiên quyết bắt rút lại quyết định, xin lỗi khoảng 30 thí sinh và phụ huynh. Trong khi đó, tại ĐH Cần Thơ, đến gần 400 thí sinh lẽ ra rớt nhưng lại được trúng tuyển. Lý do trường này được hợp thức hóa cho việc đã rồi với lý do “đóng tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, mặt bằng dân trí thấp…”
Phó hiệu trưởng một ĐH cho rằng, có thể năm nay Bộ đã có một “cơ chế mềm” về điểm chuẩn, nhưng phải thông báo rõ ràng. Chẳng hạn quy định nếu các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu mà đã cạn nguồn tuyển thì sẽ được hạ điểm chuẩn, nhưng phải có hạn thời gian cụ thể. Có thể trường hạ điểm chuẩn sẽ không nhiều, nhưng với “gợi mở” này của Bộ, không ai dám khẳng định sẽ không có thêm trường “được xem xét” cho chuyện đã rồi, hay “được xem xét” hạ điểm chuẩn theo đúng bản chất của nó!
Theo Đất Việt