Bao sái bát hương là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tết đến, xuân về việc lau dọn lại bàn thờ, bao sái bát hương không chỉ là việc làm để gia chủ đẩy hết những xui xẻo, điều không tốt đi, đón những điều tốt đẹp trong năm mới, mà đó còn thể hiện sự hiếu kính của con cháu với tổ tiên, là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.

Thờ cúng ông bà tổ tiên là một tín ngưỡng rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Từ nhiều đời nay, thờ cúng tổ tiên không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là sự biết ơn, lòng hiếu thảo của con cháu đối với gia tiên. Mặt khác, tập tục thờ cúng ông bà sẽ giúp thế hệ con cháu biết ơn và giữ gìn truyền thống của gia đình và dòng tộc. Trong đó, việc lau dọn lại bàn thờ, bao sái bát hương là việc làm không thể bỏ qua của mỗi gia đình vào dịp cuối năm.

Hiểu một cách đơn giản thì bao sái bát hương chính là lau chùi bát hương, tỉa chân nhang và thay thế phần tro trong bát nhang. Sau đó, mới tiến hành việc lau dọn lại bàn thờ tổ tiên. Đây là việc quan trọng cần làm trước khi năm cũ khép lại, đón năm mới về.

Bao sái bát hương có thể thực hiện vào 23 tháng Chạp hoặc các ngày sát Tết

Bao sái bát hương có thể thực hiện vào 23 tháng Chạp hoặc các ngày sát Tết

Theo tín ngưỡng của các cụ ngày xưa, việc bao sái bát hương là để đẩy hết những bề bộn, xui xẻo, cái xấu trong năm cũ, đón một năm mới tốt đẹp về. Nhiều gia đình sau nghi thức cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, các gia đình sắp xếp thời gian thực hiện dọn dẹp bàn thờ, bao sái bát hương. Nhưng cũng có gia đình chọn ngày bao sái vào ngày tất niên.

Bao sái bát hương được coi là việc quan trọng, bởi bình thường việc động vào bát hương là điều cấm kị. Theo tục thì việc động chạm đó sẽ dẫn đến việc gia đình xảy ra cãi cọ, làm ăn không thuận lợi, gặp những điều không may mắn… Vì vậy các gia đình thường chọn vào những ngày cuối năm.

Người Việt ta quan niệm rằng khi chết đi, linh hồn của ông bà tổ tiên sẽ đến bên một thế giới khác nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại xung quanh chúng ta, chứng kiến những điều diễn ra hằng ngày. Do đó, việc phụng sự tổ tiên của người Việt là rất thành kính, cũng là một nghĩa vụ của con cháu.

Ngày xưa, đồ thờ của nhà phú quý thì có đủ thần chủ bốn đời, để thờ cao, tằng, tổ, khảo. Nhà bình thường cũng có nhà dùng thần chủ, cũng có nhà dùng một bộ ỷ để thờ. Đồ thờ phụng thì đại khái nhà nào cũng có một bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quỳ, mâm bồng, cỗ đài rượu, hộp trầu, đài nước… Người Việt coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm bán bao giờ.

Ngày nay, trên bàn thờ của nhiều gia đình được trang hoàng hơn với nhiều đồ sơn son thiếp vàng, đồ quý. Điều đó là những điều rất trân quý, thể hiện lòng biết ơn với ông bà tổ tiên, là nét văn hóa đẹp truyền thống. Nhưng cũng nên biết rằng tục phụng sự tổ tiên là để tỏ lòng thành kính, chứ không phải làm mọi cách để quá tốn kém mà sinh ra khốn khó.

Nhiều gia đình thường quan niệm việc bao sái phải nhờ thầy cúng hay thầy phong thủy, tuy nhiên trên thực tế thì bao sái nên được thực hiện bởi người chủ gia đình. Việc lau dọn lại bàn thờ, bao sái bát hương là việc làm không thể bỏ qua của mỗi gia đình vào dịp cuối năm. Tuy nhiên sự thành kính mới là điều đáng quý, chứ không phải vì đó mà sinh ra khó khăn.

Bao sái bát hương có thể thực hiện bởi người chủ gia đình

Bao sái bát hương có thể thực hiện bởi người chủ gia đình

Để thực hiện nghi lễ bao sái bát hương, theo tục thì gia chủ cần ăn mặc chỉnh tề, nghiêm túc. Nên tắm rửa thật sạch trước khi thực hiện. Cần thực hiện cẩn thận, nhẹ nhàng để tránh làm rơi vỡ các đồ thờ cúng. Việc lau dọn lại bàn thờ, bao sái bát hương không chỉ là việc làm để gia chủ đẩy hết những xui xẻo, điều không tốt đi, đón những điều tốt đẹp trong năm mới. Mà đó còn thể hiện sự hiếu kính của con cháu với tổ tiên, là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.

Đọc thêm