(ĐNĐT) - Sáng 23-8, gần 30 sinh viên khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cùng chuyên gia Tilo Nadler – Hội Động vật học Frankfurt (Đức) đi thực địa tại Khu bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà trong chương trình “Bảo tồn loài linh trưởng” do Hội Động vật học Frankfurt phối hợp ĐH Đà Nẵng tổ chức.
Hiện báo đảo Sơn Trà có khoảng 200 cá thể voọc ngũ sắc và nhiều loài linh trưởng khác |
Trước đó, sinh viên được các chuyên gia Larry và TS. Hà Thăng Long của Hội Động vật học Frankfurt tập huấn những kiến thức về loài linh trưởng, tình trạng phân bố và nguy cơ bị diệt chủng của một số loài trên thế giới và tại Việt Nam.
Đặc biệt tại bán đảo Sơn Trà, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hiện khu bảo tồn còn khoảng 170 - 200 con “voọc ngũ sắc” sống tập trung theo 12 đàn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Loài voọc này còn có tên voọc chà vá chân nâu hay con “giáo hoàng” theo cách gọi của người dân địa phương.
Trong 3 ngày thực địa, sinh viên được nâng cao các kỹ năng và phương pháp bảo tồn cũng như ngăn chặn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã. Bên cạnh voọc ngũ sắc, sự tồn tại của các loài linh trưởng khác như: khỉ vàng, khỉ mặt đỏ hay hoẵng, cheo cheo, cua đá… tại bán đảo Sơn Trà là cơ hội của ngành du lịch đồng thời đặt ra thách thức trong bảo tồn đa dạng sinh học.
Cao Sơn