ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh: Bảo vệ người tố cáo là để tránh cho họ không bị trù dập, bảo vệ người bị tố cáo để tránh oan sai. Nhưng hiện dự thảo Luật mới dừng ở các qui định “bảo vệ người tố cáo”, mà chưa đề cập đến việc bảo vệ cho 2 chủ thể cũng rất quan trọng trong mối quan hệ này là người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo.
Đơn thư tố cáo. |
Nhiều quy định của dự thảo Luật tuy tiến bộ, song đã “le lói” cho thấy những “đường hầm” để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền “né” việc, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong giải quyết tố cáo và yêu cầu của người tố cáo. Đơn cử như qui định về trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Mặc dù dành cho người tố cáo quyền yêu cầu được bảo vệ, nhưng dự thảo Luật đã “quên” chỉ rõ “cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” có trách nhiệm thực hiện yêu cầu này của người tố cáo. Cũng như chưa có quy định để “xác định là cơ quan nào là cơ quan đầu tiên tiếp nhận tố cáo, cơ quan nào chủ trì việc phối hợp giải quyết tố cáo, nên khó tránh được tình trạng không cơ quan nào đứng ra “gánh vác trọng trách”... như nhận xét của ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên). Nên theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), cần cho người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo áp dụng các biện pháp bảo vệ để “người tố cáo không phải đi tìm người bảo vệ mình”.
Cũng như người tố cáo, người giải quyết tố cáo cũng có thể bị trù dập, trả thù, nên nhiều ĐB đã kiến nghị bổ sung qui định bảo vệ chủ thể này khi họ bị đe dọa do thực hiện giải quyết tố cáo, “nếu không sẽ càng khiến cho việc tố cáo bị “rơi vào im lặng” hoặc bị chuyển từ chỗ nọ sang chỗ kia”.
Ở khía cạnh khác của mối quan hệ này, ĐBQH còn lưu ý đến quyền và sự an toàn của người bị tố cáo. Bởi người bị tố cáo luôn ở vào thế bị động và cũng không phải tố cáo nào cũng đúng sự thật. Nên nếu dành 60-90 ngày để giải quyết tố cáo như Điều 21 của dự thảo Luật mà chưa biết nội dung tố cáo là đúng hay sai thì sẽ gây thiệt hại không nhỏ đến công tác cán bộ của cơ quan, tổ chức có người bị tố cáo.
Xung quanh người tố cáo còn có người cung cấp thông tin, hỗ trợ người tố cáo, người nắm giữ các thông tin, tài liệu quan trọng (làm chứng cứ cho nội dung tố cáo…). Nhiều ý kiến cho rằng phải bảo vệ cả những người này thì mới đảm bảo cho quyền tố cáo được thực hiện đúng. Mặt khác, cần bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ tốt hơn nữa người tố cáo.
Huy Anh