Bất an vì được… phục vụ đêm

8h tối, trời nổi giông gió, rồi mưa ào ào… đang ăn cơm, chị Hoa (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình vì tiếng đập cửa gấp gáp. Chị ngạc nhiên khi cửa mở là một công chứng viên của Phòng công chứng...

8h tối, trời nổi giông gió, rồi mưa ào ào… đang ăn cơm, chị Hoa (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) giật mình vì tiếng đập cửa gấp gáp. Chị ngạc nhiên khi cửa mở là một công chứng viên của Phòng công chứng.

Số là, cách đây nhiều năm, gia đình chị Hoa có mua được một mảnh đất hiện là chỗ ở của gia đình. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chị mới quyết định làm thủ tục công chứng để làm sổ đỏ. Cách đây ít ngày, chị có đến Phòng công chứng và được công chứng viên đặt lịch làm việc vào tối hôm nay. Không ngờ mưa gió thế, công chứng viên vẫn đúng hẹn.

Từ cảnh phải xếp hàng chờ công chứng trước đây, nay người  dân được Công chứng viên đến phục vụ tận nhà.  Ảnh minh họa
Từ cảnh phải xếp hàng chờ công chứng trước đây, nay người dân được Công chứng viên đến phục vụ tận nhà. Ảnh minh họa

“Ngày xưa mình có việc phải đi sao cái bằng đại học ở Phòng công chứng mà nhớ mãi. Chen chúc nhau đến nỗi chỉ đứng được bằng một chân, đợi cả buổi mới đến lượt. Giờ chuyển nhượng cả mảnh đất bạc tỷ mà được phục vụ tận nơi, tốt quá còn gì” - chị Hoa phân bua.

Tuy nhiên, chồng chị Hoa vốn là một trung tá Công an thì lại tỏ ra rất phân vân. Anh bảo, đành rằng chấp nhận trả thù lao để công chứng viên phục vụ tận nhà nhưng “người nhà nước mà đi đêm hôm thế, cũng cứ thấy… làm sao đó”. Việc ký kết hợp đồng của gia đình chị Hoa xét đến cùng thì cũng … chả có lý do gì phải phục vụ tận nơi. Bên mua bên bán tất thảy có 6 người, không có ai ốm đau, già cả hay mất năng lực hành vi… để phải đến tận nhà

Lo ngại của “ông xã” chị Hoa không phải là không có lý, vì từ khi có Luật Công chứng, chủ trương xã hội hóa bằng việc cho lập các Văn phòng công chứng đã mang lại nhiều tiện ích, các công chứng viên cũng được “mở cửa” khi đi công chứng ngoài trụ sở.

Tất nhiên, việc chứng ngoài trụ sở luật quy định cũng phải có lý do chính đáng (như người già yếu, người đang bị tạm giam, tạm giữ…). Nhưng lý do nào chính đáng thì chỉ có… công chứng viên mới biết. Thôi thì nhiều khi, cứ có yêu cầu là đi… nhưng nếu “lỡ” có bị thanh tra sờ đến, nhiều trường hợp đã phải nộp phạt.

Cũng như chị Hoa, nhiều người dân rất ủng hộ việc công chứng ngoài trụ sở, ngoài giờ hành chính, vì họ cho rằng như vậy rất tiện lợi cho dân, kể cả khi họ phải chi phí thêm cho việc đi lại, làm ngoài giờ. Còn nếu như vì việc này mà sợ tiêu cực thì kể cả ở trụ sở tổ chức hành nghề vẫn có thể tiêu cực. Công chứng viên là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình, nếu chứng sai họ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác thì vẫn lo ngại, vì sự quá dễ dãi sẽ dẫn đến tùy tiện. Bên cạnh các Văn phòng công chứng vẫn còn có hệ thống Phòng công chứng, cứ đi phục vụ kiểu đêm hôm như thế, giá cả không quản nổi cũng gây những dư luận không tốt. Thậm chí, vừa mới đây, có người dân còn phản ánh một Văn phòng công chứng nọ mang dấu đỏ… đi dạo, ai có nhu cầu là “chứng” luôn .

Thiết nghĩ, lợi ích của xã hội hóa, của chủ trương tạo mọi điều kiện để phục vụ dân là rõ ràng, tuy nhiên trong nhiều trường hợp cũng nên có những quy định cụ thể để tránh việc lạm dụng, gây phản cảm, hoài nghi…

Việt Hòa

Đọc thêm