Bất động sản 2010: đẩy mạnh tiềm năng đầu tư

Thị trường Bất động sản trong thời gian qua đang có những biến đổi theo chiều hướng tích cực. Bắt đầu bằng sự nóng ấm dần của phân khúc Bất động sản du lịch (BĐS DL), những chính sách thúc đẩy tiềm năng mua nhà của Việt Kiều…
Một trong những hoạt động quan trọng của thị trường Bất động sản năm 2010 là đẩy mạnh tiềm năng đầu tư để phát triển. Ảnh: H. Duy

Thị trường Bất động sản trong thời gian qua đang có những biến đổi theo chiều hướng tích cực. Bắt đầu bằng sự nóng ấm dần của phân khúc Bất động sản du lịch (BĐS DL), những chính sách thúc đẩy tiềm năng mua nhà của Việt Kiều…

Phân khúc BĐS DL “ấm” lên

Theo nhiều chuyên gia nhận định lĩnh vực BĐS DL sẽ là lĩnh vực mũi nhọn của thị trường địa ốc trong thời gian tới. Trong 3 năm trở lại đây, phân khúc này thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó đã được minh chứng khi có những dự án trị giá hàng tỷ đô la được đầu tư rải rác trên khắp đất nước. Thu hút nhiều nhất là dãy đất miền Trung mà điển hình là Đà Nẵng. Với ưu thế bờ biển đẹp, Đà Nẵng đã xuất hiện hàng loạt căn hộ, biệt thự cao cấp với nhiều khu nghĩ dưỡng giá trị vốn đầu tư hàng chục triệu USD như dự án Ocean Villas 260ha của VinaCapital, dự án Olalani Resort…

Tại miền Bắc, Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà là cái tên khá nổi bật do công ty Vinaconex - ITC (Đơn vị thành viên của Tổng công ty CP Vinaconex) đầu tư, với khoảng hơn 800 biệt thự sinh thái, nhiều khách sạn và khu dịch vụ 5 sao đẳng cấp quốc tế dự kiến được hoàn thành hạ tầng kỹ thuật vào năm 2012.

Trong các báo cáo cuối quý IV năm ngoái và dự báo tình hình thị trường địa ốc năm 2010 của các đơn vị tư vấn địa ốc CBRE, Savills, Bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá sẽ phát triển ổn định. Trong đó, phân khúc căn hộ sinh thái được kỳ vọng là xu hướng mới nổi, lan nhanh không chỉ ở khu vực ven biển mà cả vùng đồng bằng, sông nước Đông nam bộ.

Nhiều dự án địa ốc sinh thái được công bố rầm rộ như dự án quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Thới Sơn nằm trong tổng thể khu du lịch sinh thái Thới Sơn ở Tiền Giang; biệt thự Giang Điền, dự án cù lao Tân Vạn ở Đồng Nai; dự án Sant Simeon, Hồ Tràm, Vũng Tàu đang hứa hẹn sẽ trình làng trong năm 2010; Côn Đảo resort, với tổng vốn đầu tư lên hàng trăm triệu USD, hướng đến nhóm khách hạng sang thích du lịch sinh thái biển.

Song song với hiện tượng “ấm” lên của mảng thị trường đất phân lô phục vụ nhu cầu an cư của người dân, giới đầu tư bất động sản đang đón nhận những dấu hiệu “chuyển động” tích cực của Bất động sản du lịch khi một loạt Resort đang dần hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian tới.

Đẩy mạnh tiềm năng từ Việt Kiều

Một lý do khác dự báo sẽ khiến cho thị trường Bất động sản sôi động, đó là việc Chính phủ đang có những chính sách mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà và đất ở trong nước. Đây là nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính, và nhiều người có nhu cầu sở hữu bất động sản trong nước.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, nhiều Việt Kiều muốn được đầu tư, mua nhà đất ở Việt Nam nhưng vẫn còn ngại về quy định. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, người về đầu tư trực tiếp, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan tổ chức trong nước có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam… được phép định cư từ 3 tháng trở lên có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nếu Việt kiều muốn mua nhà tại Việt Nam còn phải chứng minh được mình là người gốc Việt.

Tuy nhiên, việc xác minh này không dễ và nhất là trong trường hợp được sinh ra ở nước ngoài, nay bố mẹ đều đã mất… Nhu cầu có chỗ ở là thực sự cần thiết. Một trong những rào cản khiến cơ quan chức năng cấp địa phương tỏ ra lúng túng khi thực thi các quy định Việt kiều mua nhà là do việc ban hành hướng dẫn chưa kịp thời.

Do nhiều thủ tục rườm rà khó thực hiện nên theo Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, từ năm 2006 đến nay cả nước chỉ có khoảng 140 Việt kiều mua nhà, đất. Trong đó tại TP.HCM có khoảng 100 trường hợp. Riêng trong năm 2009, cả nước có 10 Việt kiều mua nhà, chủ yếu là ở TP.HCM. Đây là con số quá ít so với hơn bốn triệu kiều bào đang sống ở nước ngoài. Trong khi thực sự nhu cầu mua nhà vẫn rất lớn. Tại cuộc thăm dò về lĩnh vực đầu tư của kiều bào tại hội nghị thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn kiều bào đều bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực Bất động sản.

Vì vậy, từ lâu nay đây vẫn là một nguồn đầu tư tiềm năng còn bỏ ngõ cần đẩy mạnh khai thác. Để giúp Việt Kiều thuận tiện hơn trong việc mua nhà, theo Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng thời gian tới, phía cơ quan chức năng sẽ sớm nhanh chóng ban hành hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, để tránh xác định nhầm đối tượng, thì việc xác định rõ đối tượng nào được hưởng ưu đãi mua căn hộ không giới hạn và những đối tựơng chỉ được mua 1 căn hộ duy nhất sẽ được quy định cụ thể hơn.

Đối tượng được mua nhiều nhà là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam. Việt kiều thuộc diện về Việt Nam đầu tư trực tiếp, người có công, nhà khoa học và những cá nhân có kỹ năng đặc biệt phục vụ cho đất nước Việt Nam vẫn thuộc diện này. Riêng, những Việt kiều thuộc các trường hợp còn lại chỉ được mua một nhà. Hiện, Bộ Xây dựng đang soạn thảo cải tiến quy định, thủ tục để những Việt kiều cư trú tại Việt Nam chỉ từ 3 tháng trở cũng có quyền mua một căn nhà hoặc căn hộ chung cư.

Theo ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP. HCM thì Sở Tư pháp TP.HCM có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục hành chính, quy định về nhập, thôi và trở lại quốc tịch VN cho kiều bào. Ông cũng yêu cầu Sở Xây dựng TP hướng dẫn các quy định về mở rộng diện Việt kiều mua và sở hữu nhà ở, giới thiệu các dự án nhà ở để tạo điều kiện cho bà con kiều bào an cư lạc nghiệp ở quê hương...

Theo DiaOcOnline.vn

Đọc thêm