Chậm cấp sổ hồng tại TP HCM: Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, giải quyết dứt điểm

(PLVN) - Mới đây, PLVN có loạt bài “Ác mộng” sổ hồng tại TP HCM" phản ánh tình trạng “tắc” trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Theo một số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng ở 60 dự án, đã có hơn 30 ngàn căn nhà và căn hộ officetel chưa được cấp sổ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ghi nhận của PLVN, dẫn đến tình trạng trên, vì sau quãng thời gian dài cho phép các xây dựng nhiều chung cư, dự án bất động sản tại TP HCM, đã phát hiện một số sai phạm của cán bộ nhà nước có thẩm quyền, xảy ra hàng loạt vụ án trong lĩnh vực đất đai, dẫn đến tâm lý cán bộ thẩm quyền “sợ sai”, làm việc máy móc cứng nhắc. Khi siết chặt quy định pháp luật, mới phát hiện một số quy định pháp luật về đất đai, xây dựng chồng chéo khó hiểu, nhất là trong vấn đề tính giá đất.

Hệ lụy của việc nhiều vạn căn nhà bị chậm cấp sổ hồng nhiều năm nay không chỉ ảnh hưởng đến người mua nhà, còn làm các DN bất động sản thiệt hại uy tín, dẫn đến những vụ tranh chấp khiếu kiện tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, thất thu ngân sách. Nhìn rộng hơn, đây cũng là một nguyên nhân sâu xa khiến giá nhà đất tại TP HCM tăng “phi mã”, ảnh hưởng đến nền kinh tế…

Ngày 25/9/2020, Văn phòng Chính phủ đã phát hành Công văn 8080/VPCP-NN, gửi UBND TP HCM, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề nêu trên.

Thủ tướng yêu cầu UBND TP HCM tập trung chỉ đạo Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ hồng” trên địa bàn; chủ động phối hợp với các Bộ liên quan, DN, Hiệp hội trong lĩnh vực bất động sản để kịp thời có các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
 Văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu Công văn 3461/UBND-ĐT của UBND TP HCM, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị trong công văn theo chức năng thẩm quyền.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền, Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Hai Bộ này cũng được yêu cầu phối hợp chặt chẽ và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND TP HCM trong thực hiện công tác này tốt hơn, kịp thời hơn để tạo điều kiện cho người dân TP.

Đại diện một DN cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi Thủ tướng đã sớm có ý kiến về vấn đề này. Với những chỉ đạo rất rõ ràng về cơ quan thi hành, về công việc phải làm, về mục đích… chúng tôi tin rằng vấn nạn chậm cấp sổ hồng tại TP HCM sẽ sớm được tháo gỡ. Chỉ đạo này là một nhiệm vụ cụ thể, sẽ được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ xem là một đầu việc phải làm, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện”.

Tuy nhiên một DN khác băn khoăn: “Có ba vấn đề chính dẫn đến nạn chậm cấp sổ hồng tại TP. Thứ nhất, là một số dự án còn vướng các quy định chồng chéo khó hiểu. Thứ hai, một số dự án đã chuyển nhượng nhiều chủ đầu tư, nhưng từ thời xa xưa có liên quan đất công, cổ phần hóa.

Thứ ba, có những dự án dù không vướng mắc gì nhưng vẫn “vạ lây” vì cán bộ thẩm quyền sợ sai không dám giải quyết. Nhức nhối nhất là tâm lý sợ sai của cán bộ TP hiện nay, và TP đã tổ chức hội nghị với các DN bất động sản vào năm 2019, nêu rõ tình trạng, nhưng vẫn chưa khắc phục được vấn đề này”.

“Vì vậy, theo tôi, Trung ương cần phải có những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng. TP cần phải có danh sách cụ thể các dự án đang chậm sổ hồng, nêu rõ nguyên nhân chậm của từng dự án, để phân loại, xin ý kiến xử lý từng nhóm cụ thể”.

Về phía Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, vẫn bảo lưu quan điểm, có một giải pháp mà TW và TP HCM có thể thực hiện ngay.

Đó là cần một Nghị quyết, chỉ thị “quyết” rõ ràng rằng những người đã mua nhà là bên ngay tình, vô can, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng, thì phải được ưu tiên giải quyết cấp “sổ hồng” ngay lập tức. Về nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất bổ sung giữa chủ đầu tư với Nhà nước, thì tách ra xử lý riêng, với điều kiện chủ đầu tư cam kết và có tiền ký quỹ hoặc có tài sản đảm bảo đặt “làm tin”.

Trong Văn bản số 3461/UBND-ĐT vừa gửi đến Bộ Tài chính, Bộ TN&MT, UBND TP HCM nêu “trong thời gian vừa qua, khi làm việc với các cơ quan thanh, kiểm tra và điều tra, thì việc xác định trách nhiệm của từng cơ quan là chưa rõ ràng, dẫn đến tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn đề xuất tháo gỡ các khó khăn phát sinh”.
Sau khi nêu ra một số vướng mắc cụ thể, văn bản ghi mục đích kiến nghị “nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực này có cơ sở vững chắc khi thực hiện, an tâm công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao…”.

Đọc thêm