Bất động sản du lịch: Gỡ khó để không bỏ lỡ thời cơ!

(PLVN) - Hoạt động môi giới dừng hoạt động, du lịch đình trệ do tác động của dịch Covid-19 khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) nói chung và BĐS du lịch nói riêng cũng tổn thất lớn. Tuy nhiên, theo chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ, BĐS du lịch chính là điểm sáng hậu Covid-19 và cần có cơ chế cho loại hình BĐS này để không bỏ lỡ cơ hội…
Bất động sản du lịch:  Gỡ khó để không bỏ lỡ thời cơ!

Hậu Covid-19: Kinh tế thế giới “một đi không trở lại…”

Nhận định về tác động đại dịch Covid-19, tại Hội thảo: "Toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021 - Tư duy chiến lược dành cho SMEs" do Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI, Trường Đào tạo Kinh doanh PBS phối hợp tổ chức mới đây, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, lan rộng nhất từ trước đến nay và là đợt khủng hoảng phá hủy lớn nhất …

Hội thảo: "Toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021 - Tư duy chiến lược dành cho SMEs" .
Hội thảo: "Toàn cảnh kinh tế 2020 và dự báo 2021 - Tư duy chiến lược dành cho SMEs" .

"Đại dịch SARS năm 2002 - 2003 đã khiến thế giới mất 30 tỷ USD; đại dịch MERS-COV năm 2012, thế giới mất 90 tỷ USD; đại dịch EBOLA năm 2014 -2016, thế giới mất 75 tỷ USD... Nhưng đến đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, kinh tế thế giới đã mất hàng nghìn tỷ USD…."

PGS, TS Trần Đình Thiên

Chuyên gia này nhận định, kinh tế thế giới hiện không trở lại thời trước Covid-19 mà xuất hiện một thời kỳ kinh tế mới, ở đó kinh tế dựa trên không gian mới, thực thế mới và những nguồn lực mới.

Trong lĩnh vực BĐS, GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng Covid-19 có tác động nặng lên thị trường BĐS tại 2 hoạt động: Một là môi giới gần như ngừng hoạt động do mọi người không tham gia giao dịch, kể cả kinh doanh và dân sự; Hai là du lịch đình trệ nên việc khai thác các BĐS du lịch, dịch vụ bị ngừng theo.

Theo chuyên gia này, hoạt động khác của thị trường BĐS nói chung tuy cũng có bị ảnh hưởng do tiến độ bị giảm nhưng chưa đến mức bị tổn thất nặng, tuy nhiên các BĐS du lịch ngừng hoạt động gây tổn thất lớn giống như tổn thất của các công ty du lịch, hàng không…

Gỡ khó pháp lý cho bất động sản du lịch 

Nhắc lại Nghị quyết 02/NQ-CP  năm 2013 của Chính phủ, GS Đặng Hùng Võ cho rằng Nghị quyết đã kích thích lại sự phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2014 - 2018 với 3 nội dung trọng tâm: Giải quyết khu BĐS nhà ở giá cao tồn đọng gắn với nợ xấu; Phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ; Phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng theo phương thức phi truyền thống với sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân (thứ cấp) để phát triển các BĐS du lịch kiểu mới đa công năng.

Thực tế, phân khúc BĐS du lịch phát triển rất mạnh từ 2014 do các nhà đầu tư dự án đầu tư vào các BĐS du lịch kiểu mới như Condotel, Officetel, Shophouse, Villa nghỉ dưỡng theo phương thức phi truyền thống với sự tham gia của các nhà đầu tư thứ cấp dưới dạng mua BĐS hình thành trong tương lai.

Cùng với đó, vốn đầu tư được tăng lên rất mạnh do động viên được vốn trong dân. Nhiều địa phương cam kết giao đất như đất ở được sử dụng lâu dài (đất ở không hình thành đơn vị ở). Nhà đầu tư nhận lại các đơn vị BĐS thuộc sở hữu của các nhà đầu tư thứ cấp để kinh doanh thống nhất như một khách sạn truyền thống và cam kết trả lợi nhuận (8% - 15%).

Tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, phân khúc này bị rơi vào khủng hoảng do thiếu khung pháp luật và tư duy chưa thay đổi sang kinh tế chia sẻ.

“Thị trường BĐS hiện nay có tiềm năng lớn nhưng đang rơi vào giai đoạn khó khăn. Khó khăn không phải do mất cân đối cung - cầu trên thị trường mà lại do khu vực quản lý không sửa đổi pháp luật và không đổi mới tư duy…” - chuyên gia này thẳng thắn.

Đề cập giải pháp thảo gỡ khó khăn cho thị trưởng BĐS hiện nay, GS Đặng Hùng Võ cho rằng BĐS du lịch chính là điểm sáng bởi các BĐS du lịch kiểu mới có sức sống mạnh mẽ để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, phù hợp với sự đa dạng hóa các hình thức du lịch như du  lịch  trải  nghiệm,  du  lịch  cộng  đồng...,  và  huy  động  được  toàn  dân tham gia làm du lịch.

BĐS du lịch kiểu mới cũng phù hợp với nhu cầu có căn nhà thứ 2, thứ 3 phục vụ nghỉ dưỡng của người địa phương. Mặt khác, đầu tư BĐS du lịch theo phương thức phi truyền thống tạo khả năng thu hút vốn đầu tư từ dân trong hoàn cảnh các biện pháp khác huy động vốn đầu tư còn rất hạn chế. Tuy nhiên, để thu hút vốn đầu tư từ dân lại phải trao cho quyền sử dụng đất lâu dài…

“Pháp luật cần thay đổi theo hướng tạo điều kiện phát triển BĐS du lịch kiểu mới, cho phép nhà đầu tư dự án lựa chọn chế độ sử dụng dưới dạng giao đất có thu tiền để sử dụng lâu dài (tương tự như đất ở) hoặc thuê đất có thời hạn tùy theo nhu cầu kinh doanh, như vậy mới động viên được vốn đầu tư trong dân. Mặt khác, cần xây dựng khung pháp luật cho quản lý khai thác các BĐS du lịch kiểu mới”- GS Võ đề nghị.

Ông cũng lưu ý, hệ thống chính sách, pháp luật, thể chế, tổ chức cần hoàn thiện theo hướng lấy mục tiêu phát triển là đích và xóa bỏ tình trạng cát cứ quyền lực.

“Chỉ phát triển các dự án lớn phát triển BĐS tích hợp theo nghĩa tạo lập hệ sinh thái dựa trên kinh tế tuần hoàn theo triết lý phát triển xanh và thông minh, lấy lợi ích cư dân làm trung tâm sao cho chất lượng dịch vụ cao nhưng chi phí thấp. Nhà đầu tư dự án cũng cần chấp nhận sự đa dạng trong kinh doanh các BĐS du lịch kiểu mới, không nên gò về phương thức kinh doanh theo kiểu khách sạn truyền thống với cam kết lợi nhuận cố định…” - chuyên gia này đưa ra lời khuyên.

Đọc thêm