Bất động sản tăng giá chóng mặt: Nguy cơ hiện tượng “bong bóng”

(PLVN) - Ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, giá các loại bất động sản (BĐS) như chung cư, đất nền, thổ cư… đều tăng giá chóng mặt. Trong bối cảnh kinh tế chung bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng BĐS lại phát triển “nóng” đang khiến nguy cơ “bong bóng” thị trường này có thể xảy ra trong tương lai không xa.
Bộ Xây dựng cần sớm có biện pháp can thiệp giá thị trường BĐS. (ảnh minh họa)
Bộ Xây dựng cần sớm có biện pháp can thiệp giá thị trường BĐS. (ảnh minh họa)

Bán “chạy như tôm tươi”…

Sau khoảng 1 năm thị trường BĐS trầm lắng thì đến cuối năm ngoái thị trường này bắt đầu nóng lên và đến quý I năm nay thì BĐS được đánh giá là “nóng bỏng tay”. Theo khảo sát của PLVN, nhiều dự án đất nền vừa mở bán đã “cháy” hàng. Điển hình, dự án đất nền phân lô Felicity Uông Bí (Quảng Ninh) sau khi được mở bán chưa đến ba ngày thì hơn 300 lô đất đã bán sạch. Điều đáng nói dự án này hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa tách sổ.

Một dự án biệt thự ven đô tại tỉnh Hòa Bình giá tầm 7-10 tỷ đồng/căn những mỗi ngày bán cả chục căn. Hay như dự án Thanh Sơn Riverside (Phú Thọ) chưa được mở bán đã có hàng trăm khách nườm nượp đến xem, đặt cọc ầm ầm. Đến ngày mở bán 13/3 vừa qua, chỉ trong một ngày, 90% bảng hàng đã bán hết. “Một ngày thật điên cuồng!”- lãnh đạo một công ty môi giới BĐS đã phải thốt lên như vậy và cho biết đang có nhu cầu tuyển thêm nhân viên để khai thác các dự án khác.

Khảo sát của PLVN cho thấy, giá chung cư ở Hà Nội cũng rất cao. Tại khu vực nội thành, giá trung bình mỗi m2 khoảng từ 50 - 60 triệu đồng; cá biệt có những dự án 90 triệu đồng/m2. Một dự án cũ nhưng được đổi tên mới là dự án tại 67 Trần Phú (Ba Đình) cũng được chủ đầu tư ra giá thấp nhất là 70 triệu đồng/m2 dù dự án này hiện còn khoảng 100 căn chưa bán được. Giá đất nền, thổ cư tại nhiều quận, huyện ở Thủ đô cũng tăng chóng mặt, nhất là ở một số huyện sắp được lên quận hay như các khu vực Đông Anh, Tây Hồ, Hai Bà Trưng… sau khi thông tin quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đang được hoàn thiện.

Tại một số tỉnh, thành phía Nam, giá chung cư cũng tăng. Chung cư ở Bình Dương có giá lên tới 40 triệu đồng/m2, chung cư ở Cần Thơ lên trên dưới 30 triệu đồng m2. Còn tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) giá nhà, đất tăng phi mã, biến động từng ngày chưa biết khi nào mới ổn định.

Có dấu hiệu tiêu cực?

Giải thích về hiện tượng giá BĐS tăng nhanh, ông Nguyễn Thọ Tuyển – một chuyên gia lâu năm về BĐS cho biết, thời gian qua, dù nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nhưng mảng kinh doanh tài chính như ngân hàng, chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) lại “ăn nên làm ra”, vẫn lãi to. Sau khi có tiền từ đầu tư các kênh này, họ chuyển sang đầu tư kênh BĐS cho “chắc ăn”. Ngoài ra, theo ông Tuyển, thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước công bố thông tin sẽ mở mới các khu công nghiệp, đề xuất xây dựng sân bay; hạ tầng giao thông - nhất là hệ thống cao tốc vừa được xây mới vừa quy hoạch thêm nên giá đất tăng theo. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có ít các dự án BĐS được cấp phép mới nên các dự án cũ hiện đang hoàn thiện có cơ hội “thổi giá”. Một nguyên nhân khác là ở một số địa phương tăng bảng giá đất lên từ 15 - 20% nên giới đầu cơ có cớ để tăng giá bán…

Trước tình trạng này, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh có sự lệnh pha cung - cầu, dịch chuyển dòng vốn trong dịch bệnh, chiêu trò “thổi giá” của giới đầu cơ… Đại diện Bộ Xây dựng cũng cảnh báo, giá BĐS trong thời gian tới có khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhất là ở các khu vực được quy hoạch để phát triển hạ tầng giao thông, công nghiệp, khu đô thị…

Trong khi đó, tìm hiểu của PLVN cho thấy, các dự án BĐS “bán chạy như tôm tươi” trong thời gian qua chủ yếu là giới đầu tư, đầu cơ mua lại “găm” hàng, chờ tăng giá. Rất ít người có nhu cầu thật tìm mua. Một nhà đầu tư nói với PLVN: “Cái quan trọng nhất vẫn là sản phẩm đến tay người có nhu cầu thật. Nhưng số này mua rất ít, chủ yếu là giới đầu tư”. 

Rõ ràng, nguy cơ “bong bóng” BĐS trong thời gian tới có thể xuất hiện khi thị trường BĐS đang có những dấu hiệu tiêu cực, phát triển không bền vững.

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới, để quản lý, ổn định thị trường BĐS, đơn vị này sẽ đẩy mạnh các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Ngoài ra, dự kiến trong năm nay, Bộ sẽ trình sửa đổi một số nội dung của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, kiến nghị giải pháp khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp...

Đọc thêm