Bố trí góc học tập cho năm học mới của trẻ

(PLO) - Để trẻ tập trung và hứng thú trong học tập, bạn hãy tạo một không gian riêng thoải mái và tiện nghi, giúp việc học hành của trẻ tiến bộ hơn.
Bố trí góc học tập cho năm học mới của trẻ

Vị trí

Lựa chọn vị trí yên tĩnh, riêng biệt và thoáng đãng để trẻ có thể tập trung khi học. Vị trí ngồi học cần ánh sáng vừa đủ, không quá mạnh nhưng cũng không quá yếu và cần tránh tivi bé dễ bị cuốn hút bởi một bộ phim hay hoặc một chương trình yêu thích.

Cách tạo góc học tập cho trẻ 1

Sắp xếp

Góc học tập của trẻ luôn cần sự sạch sẽ và ngăn nắp. Những đồ đạc phục vụ cho việc học tập cần được sắp xếp hợp lý, tiện cho việc tìm kiếm công cụ học tập khi cần thiết. Bạn nên hướng dẫn trẻ cách sắp xếp đồ dùng ngay từ bé để tạo chúng thói quen gọn gàng, ngăn nắp.

Đối với trẻ nhỏ, trong phòng thường hay để đồ chơi xung quanh giường và bàn học. Vì thế, hãy tạo thói quen để những gì cần thiết cho việc học lên trên bàn. Việc xung quanh bàn học không có đồ chơi hay bất cứ thứ gì chúng có thể nghịch ngợm được cũng chính là lời nhắc nhở của bạn giúp con học hành chăm chỉ và tập trung hơn.

Cách tạo góc học tập cho trẻ 2

Bàn học

Khu cửa sổ luôn là khoảng không gian tốt nhất để đặt chiếc bàn học và giá sách. Tuy nhiên, bạn nên tránh đặt bàn học đối diện với cửa sổ sẽ khiến trẻ mất tập trung trong quá trình học. Bạn có thể đặt bàn học bên cạnh cửa sổ, cho trẻ ngồi quay mặt vào một bức tường trong phòng. Vị trí này giúp trẻ học tập tốt hơn, khi mệt mỏi vẫn có thể thư giãn và giải trí bằng cách thơ thẩn qua khung cửa sổ.

Bàn học và ghế ngồi tác động rất lớn đến việc học của trẻ. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, bàn và ghế phải rời nhau, ghế phải có thành tựa lưng. Kích thước bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc của trẻ. Thành tựa ghế hơi ngả về sau một góc 5/100 so với đường thẳng đứng; chiều rộng ghế bằng 2/4 - 2/3 độ dài đùi. Chiều ngang tối thiểu của bàn cho một chỗ ngồi là 0,4 - 0,5m. Chiều cao ghế ngồi bằng 0,27 chiều cao của trẻ; chiều cao bàn học bằng 0,46 chiều cao của trẻ. Với những bàn ghế đạt tiêu chuẩn trên, trẻ sẽ ngồi học thoải mải hơn và ngồi học lâu hơn mà vẫn không cảm thấy mệt mỏi.

Cách tạo góc học tập cho trẻ 3

Ánh sáng

Vị trí ngồi bên cửa sổ luôn có đầy đủ ánh sáng tự nhiên nếu trẻ học bài vào ban ngày. Tuy  nhiên, bạn vẫn nên sắm một chiếc đèn bàn giúp trẻ tập trung hơn cho việc học của mình. Màu sắc và hình dáng của đèn cũng góp phần tạo nên một không gian sinh động, cuốn hút trẻ và giúp chúng có những sáng tạo và tưởng tượng tốt hơn.

Với không gian này bạn nên dùng loại đèn có ánh sáng tập trung, ánh sáng trắng hoặc vàng, khoảng 60W là ánh sáng chuẩn phù hợp với thị giác của trẻ. Bạn có thể dùng loại đèn bàn neon có ánh sáng trắng xanh tự nhiên giúp trẻ bớt mỏi mắt khi học bài.

Cách tạo góc học tập cho trẻ 4

Nhiệt độ, độ ẩm

Theo nghiên cứu, nhiệt độ trong phòng tốt nhất khoảng 18 - 20 độ, độ ẩm trong phòng khoảng 40% để trẻ cảm thấy thoải mái cho việc học tập. Nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu óc và sự tập trung của trẻ.

Cách tạo góc học tập cho trẻ 5

Trang trí

Hãy giúp trẻ trang trí góc học tập của mình theo cách mà chúng yêu thích. Có thể là một khung ảnh đẹp trên bàn, một chiếc đồng hồ đẹp mắt, một chiếc đèn bàn được trang trí sinh động hay một hộp bút đáng yêu... Khi nhìn vào những "thành quả" mà mình làm được, trẻ sẽ yêu thích góc học tập của mình hơn và "chăm" ngồi vào bàn học hơn.

Ngoài ra, màu sắc của bức tường nơi đặt bàn học cho trẻ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, bạn có thể tạo nên điểm nhấn nhẹ nhàng cho góc học tập bằng những cách đơn giản như: treo những đồ lưu niệm nhỏ xinh lên tường, hoặc một chiếc bảng xinh xắn để trẻ có thể tô vẽ, dán giấy nhớ, thời khóa biểu hay những bức tranh mà chúng mới vẽ... Chỉ với bức tường nhỏ, bạn có thể tạo cho con yêu của mình thêm hứng thú hơn với việc học tập.

Cách tạo góc học tập cho trẻ 6

Đọc thêm