Bức tranh sáng ở thành phố hoa phượng đỏ

(PLO) - Sau 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Phòng, vốn vay từ các chương trình cho vay ưu đãi đã được chuyển tải đến đối tượng được hưởng thụ ở 100% các xã, phường, thị trấn, giúp hộ nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua nghèo đói, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xóm Đình, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng vay vốn mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản
Gia đình anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xóm Đình, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng vay vốn mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản

Những sản nghiệp lớn khởi đầu từ đồng vốn nhỏ

Khi được vay 25 triệu đồng tiền vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình anh Lê Quốc Thảo (thôn 4, xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) đang loay hoay không biết làm thế nào để xoay xở được vốn cải tạo vườn tược. Có vốn chính sách, cùng thêm vốn của gia đình, anh Thảo đã mạnh dạn cải tạo hơn 3 sào ruộng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và ao nuôi cá. Sau 3 năm, giờ khu vườn nhà anh đã như một trang trại với  nhiều cây ăn quả đặc sản cho giá trị kinh tế cao, mỗi năm thu lãi cả trăm triệu.

Sản nghiệp trị giá tiền tỷ mà gia đình anh Nguyễn Văn Chinh (thôn Đông, xã Lê Lợi, huyện An Dương, TP Hải Phòng) có được cũng khởi đầu từ nguồn vốn 50 triệu vay từ NHCSXH đúng vào lúc gia đình không có vốn, rất muốn thay đổi sản xuất kinh tế của gia đình nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Khoản đầu tư quan trọng này được gia đình anh  dành mua 2 con hươu và vài tổ ong lấy mật.

Mấy con hươu phát triển tốt, nên tiền vay đến hạn anh trả đúng kỳ, sau đó anh lại được ngân hàng cho vay tiếp để tái đầu tư mua hươu. Đến nay, đàn hươu nhà anh đã có 30 con, cùng với cả trăm tổ ong trị giá tiền tỷ. Mô hình phát triển kinh tế nhà anh Chinh được chính quyền biểu dương như là một mô hình để bà con địa phương học hỏi, và gia đình anh cũng được ngân hàng đánh giá là hộ vay sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi. 

“Muốn có thêm vốn”

Trong phiên giao dịch của NHCSXH huyện đảo Cát Hải tại điểm giao dịch xã Văn Phong, giữa không khí rộn ràng người trả lãi, người vay tấp nập, chị Nguyễn Thị Thanh – Tổ trưởng  Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ xã Văn Phong - cho biết: “Tổ có 47 hội viên, dư nợ hơn 1,3 tỷ đồng, vì ít đất canh tác nên hộ vay trong tổ vay vốn chủ yếu để đầu tư đánh bắt thủy sản, một số ít cải tạo ao, hồ nuôi cá, tôm. Đồng vốn đầu tư cho đánh, bắt, nuôi, trồng thủy, hải sản tuy nhỏ nhưng đã giúp nhiều hộ có cơ hội lớn để vươn lên”.  

Được biết, nhu cầu vay của người dân nơi đây khá lớn nhưng nguồn vốn còn khiêm tốn. Nhiều xã ở huyện đảo này có đến 80% hộ dân là sống bằng nghề đánh bắt hải sản, và để có phương tiện, ngư cụ tốt, họ cần khá nhiều vốn. Tại nhà anh Nguyễn Mạnh Hùng (xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng), vừa miệt mài vá lại những tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến  đi đánh bắt xa bờ cả tuần, anh Hùng vừa tâm sự: “Gia đình tôi được vay chương trình hộ nghèo đầu tư mua ngư cụ để đánh bắt hải sản. Vốn này đã giúp gia đình tôi nhiều lắm, gia đình đã chắt chiu và trả hết gốc lãi cho ngân hàng. Giờ  gia đình cơ bản không nghèo nhưng thực tế gia cảnh còn khó khăn, nên chúng tôi muốn có thêm vốn để mua sắm ngư cụ loại tốt để đánh bắt dễ dàng hơn”.

Những tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có hơn 8.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay ưu đãi, giúp 3.398 hộ xây dựng 6.796 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; hơn 300 hộ vay duy trì và tạo việc làm ổn định. Hàng ngàn mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vay ưu đãi không những là kết quả mà cũng là niềm tự hào của những cán bộ tín dụng chính sách nơi đây đã chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng. 

Đọc thêm