Cảnh báo doanh nghiệp bất động sản TPHCM có thể bị thua trên sân nhà

(PLVN) -Trước làn sóng các doanh nghiệp bất động sản ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam, UBND TP HCM đã có những chỉ đạo các Sở, ngành quản lý, giám sát tình hình cho phù hợp...
Cảnh báo doanh nghiệp bất động sản TPHCM có thể bị thua trên sân nhà

Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, những năm gần đây, thị trường bất động sản tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Từ thương chiến Mỹ - Trung năm 2019 các doanh nghiệp Bất động sản nước ngoài đã dịch chuyển thị trường xuống khu vực Đông Nam Á. Những doanh nghiệp bất động sản nước ngoài này sẽ “nhảy” vào thị trường Việt Nam chờ khi doanh nghiệp Việt gặp khó sẽ tiến hành thâu tóm hoặc khi bong bóng bất động sản diễn ra sẽ chớp lấy cơ hội.

Đầu năm 2020 đến nay, bất động sản trong nước cũng như thế giới chịu tác động từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn sẽ không bỏ qua những lúc thị trường khó khăn như thế này để đầu tư. Vì vậy, nguy cơ mà các chuyên gia bất động sản nhận định không phải không có khả năng xảy ra.

Điểm lại một số thương vụ “thâu tóm” trong thị trường bất động sản từ năm 2018, như thương vụ Nomura Real Estate Development mua lại 24% cổ phần của tòa nhà văn phòng hạng A Sun Wah có vị trí đắc địa ở quận 1, TP HCM đầu năm 2018.

Tập đoàn CapitaLand đã thông qua các công ty thành viên mua lại 86 triệu cổ phần tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần BCLand, với tổng số tiền bỏ ra 1.380 tỷ đồng.

Công ty Frasers Property của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thoả thuận mua 75% vốn cổ phần của Công ty Cổ phần Địa ốc Phú An Khang, đơn vị này cũng đã mua lại Phú An Điền (một thành viên của công ty Trần Thái) trị giá 47,3 triệu USD.

Nhà đầu tư Nhật Bản là Nishi Nippon Railroad đã hợp tác với Nam Long thực hiện một loạt dự án của đơn vị này như Fuji Residence, Kikyo Residence, Mizuki Park, Akira City...Tập đoàn Alpha King cũng đã thâu tóm một loạt dự án đất vàng tại trung tâm TP HCM...

Năm 2019, Công ty CP BĐS Phát Đạt đã kí kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asian Investments Pte. Ldt (Công ty con trực thuộc Samty Corporation) và một công ty phát triển BĐS hàng đầu của Nhật Bản thông qua quỹ Vietnam New Urban Centrer LP. Tổng giá trị đầu tư 22,5 triệu USD.

Vốn ngoại vẫn đang âm thầm đổ vào thị trường BĐS Việt Nam
Vốn ngoại vẫn đang âm thầm đổ vào thị trường BĐS Việt Nam  

Tháng 8/2019 Công ty BĐS Sơn Kim tiếp tục huy động thành công 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư EXS Capital, ACA Investments và Credit Suisse AG.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, trong năm 2018 đã có khoảng 6,5 tỷ USD được đăng ký đầu tư vào các dự án BĐS từ các nhà đầu tư ngoại. Năm 2019, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn FDI đầu tư đăng ký.

Trước làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ xô vào thị trường bất động sản Việt Nam mà TP HCM chiếm phần lớn, UBND TP HCM đã giao Sở Xây dựng TP HCM đánh giá thị trường bất động sản TP trong thời gian qua, làm rõ các xu hướng đầu tư, các bất cập trong quản lý để tham mưu biện pháp quản lý, giám sát phù hợp.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản dự án.

Đọc thêm