Chủ đầu tư đang “chiếm dụng vốn” ở siêu dự án Cocobay ?

(PLO) - Mức sinh lời siêu khủng 12%/năm trong 8 năm cho khách hàng mua căn hộ khách sạn Condotel cùng hàng loạt tiện ích, nhiều khách hàng cho rằng đó chỉ là những chiêu chiến dịch quảng cáo nhằm thu hút đầu tư chứ thực chất là "bẫy chiếm dụng vốn” ở siêu dự án Cocobay...

Dự án Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn khoảng hơn 10.000 tỉ đồng, được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 31ha, bao gồm 600m chiều dài bờ biển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư án này có dấu hiệu khát vốn khi hợp đồng mua bán có rất nhiều điều khoản ràng buộc, mang tính áp đặt khiến khách hàng cho rằng chủ đầu tư đang chiếm dụng vốn để lấp đi năng lực tài chính hạn chế của mình.

Quảng cáo đặt mua căn hộ khách sạn dự án Cocobay theo kiểu "nhử mồi"
Quảng cáo đặt mua căn hộ khách sạn dự án Cocobay theo kiểu "nhử mồi"

Theo quảng cáo, dự án Cocobay khởi công giai đoạn 1 ngày 5/6/2016 và hoàn thành đi vào hoạt động năm 2017, được giới thiệu là “điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất Đông Nam Á” với những thiết kế, đầu tư ở nhiều hạng mục có quy mô lớn phục vụ du khách nhưng khi tìm hiểu thực tế dự án thì nhiều nhà đầu tư lắc đầu nghi ngại.

Anh Phan Văn Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) - nhà đầu tư bất động sản cho biết, khi tìm hiểu về dự án thì được các môi giới gửi vào email bộ hồ sơ pháp lý của dự án. Trong đó, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô với vốn điều lệ 500 tỉ đồng.

Nhìn vào số vốn điều lệ này, anh Minh băn khoăn: “Với mức đầu tư dự án lên tới 10.000 tỉ đồng là con số khổng lồ với một dự án nghỉ dưỡng. Nhưng vốn điều lệ của chủ đầu tư chỉ vỏn vẹn 500 tỉ đồng. Với số vốn điều lệ chỉ bằng phần nhỏ với quy mô dự án, không hiểu chủ đầu tư tìm nguồn nào để bù đắp” nên anh cho rằng với lãi suất lên tới trên 12%/năm, cam kết trong vòng 8 năm thì có khả năng đây là chiêu hút vốn đề bù vào khả năng tài chính rất hạn chế của chủ đầu tư.

Bà Mai Thanh, từng làm chủ một sàn bất động sản tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, khi đi sâu vào phân tích hợp đồng mua bán thì quyền sở hữu tài sản của khách hàng cũng có vấn đề.

Cụ thể, trong điều 2.2 của hợp đồng có ghi “các bên tại đây thống nhất rằng, bên bán chỉ đồng ý bán căn hộ cho bên mua với điều kiện bên mua cam kết và đồng ý rằng sau khi ký biên bản giao căn hộ, bên mua sẽ ký một hợp đồng cho thuê căn hộ khách sạn (CTCHKS) với bên bán và đưa căn hộ tham gia vào và tuân theo chương trình cho thuê căn hộ quy định tại hợp đồng CTCHKS”.

Với những điều khoản vừa nêu, bà Thanh phân tích, như để được sử dụng căn hộ thì người mua phải qua 2 bước, qua 2 hợp đồng là mua bán và cho chủ đầu tư thuê lại. Với việc khách hàng chỉ được mua với điều kiện cho chủ đầu tư thuê lại thì quyền sở hữu tài sản đã không còn đảm bảo.

Khách hàng đặt mua căn hộ khách sạn dự án cocobay có sập bẫy chiếm dụng vốn của chủ đầu tư?
Khách hàng đặt mua căn hộ khách sạn dự án cocobay có sập bẫy chiếm dụng vốn của chủ đầu tư? 

Được biết, khi liên lạc theo số hotline của đơn vị bán hàng thì nhân viên môi giới cũng chỉ giới thiệu lợi nhuận trong thu về trong 8 năm, tới năm thứ 9 thì Bên mua sẽ nhận được một khoản thu nhập cam kết lên tới 75% lợi nhuận sau thuế từ chương trình cho thuê căn hộ.

Khi đặt giả thiết, tới năm thứ 9, người mua không cho chủ đầu tư thuê căn hộ mà muốn tự quản lý hoặc ở lâu dài thì có được không? Trả lời vấn đề này, nhân viên môi giới cho biết “sẽ hỏi lại chính sách chủ đầu tư chứ việc này không quy định trong hợp đồng nên không rõ”.

“Vậy chủ đầu tư sau khi huy động 100% vốn căn hộ bằng hợp đồng mua bán, và trả dần bằng cách cho thuê lại trong 8 năm bằng hợp đồng cho thuê thì quyền lợi người mua là sở hữu, sử dụng và quản lý căn hộ có đảm bảo? Hay đây là chiêu rút vốn của chủ đầu tư” – bà Thanh lo ngại có thể chủ đầu tư đang đưa người mua vào những rủi ro pháp lý không lường trước.

Đọc thêm