Chung cư trầm lắng, bất động sản công nghiệp ấm lên

(PLVN) - Thị trường chung cư ở phân khúc trung và cao cấp hiện tiêu thụ rất chậm; thậm chí, có những dự án hàng không “chạy”. Nhưng bất động sản công nghiệp tại các trọng điểm kinh tế 2 đầu đất nước đang có những tín hiệu tốt, với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp có nơi lên tới 90%. 
Hưng Yên là một trong những địa phương miền Bắc có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp gần 80%.
Hưng Yên là một trong những địa phương miền Bắc có tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp gần 80%.

Chung cư ít khách, giá vẫn cao

Bộ Xây dựng đánh giá, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam và hầu khắp các nước trên thế giới đã đều phải trải qua đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS là lĩnh vực chịu sự tác động sau và mới chỉ có sự ảnh hưởng tới một số phân khúc. Trong đó, BĐS du lịch – nghỉ dưỡng là loại hình sớm chịu nhiều ảnh hưởng.

Thống kê cho thấy, BĐS nhà ở chưa có xu hướng giảm giá. Cụ thể, giá bán căn hộ chung cư trên cả nước, đối với phân khúc trung cấp từ có giá 20-35 triệu/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu/m2 trở lên. Riêng tại Hà Nội, giá bán căn hộ chung cư bình dân khoảng 24,8 triệu/m2, căn hộ chung cư trung cấp khoảng 31 triệu/m2, căn hộ chung cư cao cấp khoảng 37,7 triệu/m2. Còn tại TP Hồ Chí Minh, mức giá bán dao động từ 30-50 triệu/m2. Tại Quảng Ninh, mức giá dao động từ 23-27 triệu/m2. Tại Hải Phòng, mức giá dao động khoảng 30 triệu/m2… 

Dù giao dịch ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng giá căn hộ tại các thị trường lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không giảm, thập chí tăng nhẹ. Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,24% so với Quý II/2020; căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,02%. Chỉ có căn hộ cao cấp giá giảm khiêm tốn, khoảng 0,07%.

Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc bình dân nằm tại các vùng ven có tỷ lệ hấp thụ ở mức rất cao đạt khoảng 70%. Ngược lại, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể.

Tại TP Hồ Chí Minh, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với Quý II/2020. Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại đây tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền nên tại các huyện ven đô tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi…

Tín hiệu lạc quan từ các khu công nghiệp 

Trong khi các loại hình BĐS khác trầm lắng thì BĐS công nghiệp là điểm sáng của thị trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong Quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam đạt khoảng 84,5%. Đặc biệt, các khu công nghiệp đang hoạt động ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đã đạt tỷ lệ lấp bình quân trên 80%. Riêng đối với TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này đã đạt trên 90%. 

Mức giá chào thuê đất tại một số khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An tăng từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại năm tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng duy trì ở mức tích cực 78%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 90%. Giá thuê của một số khu công ngiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương tăng từ 20% đến 30% so với năm trước.

Đối với BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, trong Quý III vừa qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh (giảm hơn 90% so với cùng kỳ) do chưa mở cửa du lịch quốc tế, đường bay thương mại quốc tế cũng hạn chế chỉ mở với một số khu vực đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

 Bộ Xây dựng nhận định, công suất thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường trong Quý III tăng nhẹ so với Quý trước, tuy nhiên lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 do lượng khách du lịch, đặc biệt là lượng khách du lịch quốc tế giảm mạnh. 

Giá nhà cao, không phản ánh đúng giá trị thực

Mới đây tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, giá cả BĐS, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Ông Hà đánh giá, nguồn cung BĐS, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Đọc thêm