Cư dân của Viglacera kêu “trời” ở khu đô thị đạt chuẩn quốc tế

(PLO) - Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm) do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư bấy lâu nay vẫn được không ít người nhận định, giá thấp nhưng chất lượng không thấp. Song thực tế, hiện nhiều cư dân ở đây đang phải đối mặt với nhiều vấn đề bất cập, đe dọa đến cuộc sống hàng ngày.
Chiếc máy hút bụi "dã chiến" là nỗi ám ảnh của không ít cư dân Đặng Xá mỗi sáng mai.
Chiếc máy hút bụi "dã chiến" là nỗi ám ảnh của không ít cư dân Đặng Xá mỗi sáng mai.

Nhà mới ở đã nứt 

Cách đây không lâu, một số cư dân ở tòa nhà D9 KĐT Đặng Xá 2 đã hốt hoảng phản ánh việc căn hộ họ nhận ở chưa lâu đã xuất hiện các vết nứt trên tường, trời mưa khu vực cửa sổ thường xuyên xảy ra tình trạng thấm nước, thậm chí nước thấm lênh láng vào trong căn hộ. Cùng đó, trần thạch cao của tòa nhà tầng 1- nơi gửi xe- bị “sập” thành mảng.

Thực ra, những “hiện tượng” này không phải lần đầu tiên xảy ra với KĐT Đặng Xá. Trước đó, KĐT Đặng Xá 1 cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, thậm chí tại tòa D4, thạch cao rơi từng mảng lã chã, đường ống nước bị bung, khiến nước chảy lênh láng xuống sàn, người lấy xe ra không cẩn thận còn bị nước “ập” vào đầu, trơn trượt ngã. Không những thế, thang máy còn trục trặc liên tục.

Chị Mão, cư dân tòa nhà C2D4, cho biết, chiều tối qua, một thang máy của tòa nhà bị trục trặc phải tạm dừng hoạt động; gạch ốp cửa thang máy ở tầng 5 bị bung rơi vỡ đã hơn một tháng. Cư dân có báo Ban quản lý qua đường dây nóng về sự cố này nhưng vẫn chưa thấy sửa chữa gì. “Những khe hở liền thang máy nhìn trông rất sợ, nhất là với trẻ nhỏ sẽ không an toàn”, chị Mão nói.

Thu tiền nước sinh hoạt của cư dân vẫn đầy đủ thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường nhưng không có hoá đơn.
Thu tiền nước sinh hoạt của cư dân vẫn đầy đủ thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường nhưng không có hoá đơn.

Còn chị Mai cũng cư dân tòa nhà này cho biết, còn nhớ ngày gia đình chị về ở mới được một tuần đã phải thuê thợ đến sửa chữa khắc phục lại một số chi tiết cho hợp lý. Ví như chỗ thoát nước cần xây dốc xuống một chút để thoát thì lại làm cao hơn chỗ khác; đá lát cửa ra vào nhà vệ sinh chỉ cao hơn khoảng 0,5 cm nên khi tắm gội, lượng nước lớn không thoát kịp dễ bị tràn nước ra phòng ngoài nên lại phải khắc phục. “Ngày đó, cứ mưa là lo nơm nớp, vì nước mưa sẽ tràn qua khe cửa sổ chảy ra sàn. Nhiều nhà đầu tiên không biết, nước tràn vào còn phải thay gỗ sàn nhà. Sau đó, mấy nhà bị thấm nặng nhất cùng nhau thuê một thợ nhôm kính ở đường 5 vào xử lý, mỗi nhà bình quân hết 1 triệu đồng mới khắc phục được. Nhà giá thấp thì phải chịu thôi”- chị Mai chia sẻ.

Nước chưa dùng đã lắng cặn

Có lẽ, một trong những lo ngại nhất của cư dân chung cư Đặng Xá hiện nay là vấn đề nguồn nước sinh hoạt. Mặc dù được Ban quản lý xí nghiệp vận hành thông báo là nguồn nước cung cấp tại đây là của Công ty nước sạch Hà Nội, thế nhưng nhiều người dân vẫn bán tín bán nghi, vì nước thường vẩn cặn, thỉnh thoảng lại ố vàng, vẩn đen. Độ CaCo3 cao nên tất cả các vật dụng trong nhà liên quan đến nước, thường xuyên bị chất CaCo3 bám bạc trắng. Quá lo ngại về nguồn nước không đảm bảo cho sức khỏe, một số hộ dân đã tự lấy mẫu nước mang đi kiểm nghiệm tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế. Kết quả xét nghiệm, mẫu nước tại đây đang có chỉ số asen cao hơn mức cho phép gấp nhiều lần.

Liên hệ với lãnh đạo đơn vị cung cấp nước sạch cho KĐT - Công ty CP Nước sạch Số 2- chúng tôi được biết, đơn vị này đúng là cung cấp nước cho KĐT nhưng chỉ cung cấp đến đầu nguồn của KĐT cho Xí nghiệp quản lý – vận hành KĐT Đặng Xá, còn nước dẫn đến các tòa, các hộ dân là do Ban quản lý xí nghiệp chịu trách nhiệm.

Theo nhận định của Công ty Nước sạch Số 2, nguyên nhân ban đầu về việc nước lắng cặn, vẩn đục có thể là do hạ tầng cung cấp nguồn nước cho toàn bộ khu dân cư tại khu vực này bao gồm hệ thống đường ống, bể ngầm, bể nổi của toàn bộ KĐT đưa vào sử dụng lâu nhưng ít được tiến hành vệ sinh (thau rửa các bể, xúc xả đường ống dẫn) thường xuyên. Còn về chỉ số đo lường, đơn vị này cho rằng, vẫn nằm trong hạn mức cho phép tiêu chuẩn 02.

Dù được khẳng định, nguồn nước đảm bảo, các chỉ số vẫn “trong hạn mức cho phép” nhưng những cư dân ở đây vẫn tỏ ra bất an. Theo một cư dân tòa C2D4, hiện nay, tại các tòa nhà nằm trong khu đô thị Đặng Xá việc thu tiền sử dụng nước sinh hoạt của các hộ dân do Ban quản lý tòa nhà trực tiếp đứng ra thu. Trong khi đó, việc thu tiền trên không có hóa đơn GTGT theo đúng quy định nhưng vẫn tính thuế VAT, thuế Bảo vệ môi trường. “Tôi có đòi hóa đơn vài lần nhưng nhân viên thu ngân của Xí nghiệp khất hết lần này đến lần khác. Họ bảo thường xuất hóa đơn vào cuối tháng. Tôi đề nghị nhân viên thu tiền tháng này trả hóa đơn tháng trước cho tôi nhưng nhân viên này không nói gì” - cư dân tòa nhà phản ánh.

Gạch cửa thang máy tầng 5 C2D4 bị rơi vỡ hơn 1 tháng vẫn chưa được khắc khục
Gạch cửa thang máy tầng 5 C2D4 bị rơi vỡ hơn 1 tháng vẫn chưa được khắc khục

Ám ảnh tiếng ồn lao công

Nỗi lo tường lún, sập, nước không đảm bảo, giờ người dân nơi đây lại đang ám ảnh bởi tiếng ồn từ chiếc máy hút bụi của lao công KĐT.

Theo tìm hiểu của PV, trước kia, việc dọn vệ sinh đường nội khu hầu hết là thực hiện theo phương pháp truyền thống: quét dọn, còn nay, nhằm tiết giảm lao động, giảm kinh phí, họ đã thay thế dần bằng máy móc. Điều đáng nói, chiếc máy hút bụi này gây tiếng ồn rất lớn, lại diễn ra vào sáng sớm (từ 6- 7h30) thậm chí có hôm 4h30 sáng đã hoạt động, khiến nhiều người không ngủ được, thậm chí xuống yêu cầu công nhân dừng hút bụi. Mặc dù vậy, công nhân vẫn tiếp tục công việc vì cho rằng, được khoán và trả lương theo ngày công, không phải nhân viên hợp đồng hay được tham gia đóng bảo hiểm gì, không làm không kịp tiến độ lại bị phạt.

Sự việc trên đã được cư dân phản ánh với lãnh đạo Xí nghiệp nhưng đến nay, tình hình này vẫn chưa được cải thiện. Không ít người dân nơi đây, hàng ngày thượng bị ám ảnh bởi tiếng ồn lao công. "Sống trong môi trường như vậy, làm sao yên tâm cho được"- một cư dân ở đây than thở.

Cư dân KĐT Đặng Xá chia sẻ, ban đầu khi mới đến ở những sự cố đều được Ban quản lý quan tâm, dù hiệu quả hay không. Thậm chí cứ hàng quí, Ban quản lý lại làm phiếu trưng cầu ý kiến dân cư về dịch vụ, hạ tầng,… nên cư dân thấy mình được tôn trọng, “lỗi” vận hành, “lỗi” hạ tầng cũng được cư dân nhắc nhở thiện chí. Song, số lượng cư dân KĐT càng đông, quản lý cũng bị lỏng lẻo, những bất cập xảy ra liên tiếp nhưng không được khắc phục kịp thời, có sự đùn đẩy trách nhiệm, khiến người dân không biết đường nào cho tỏ. 

Đọc thêm