Để Quảng Ninh sớm trở thành đô thị tầm cỡ quốc tế: ​Những quy hoạch tầm cỡ quốc tế cần đẹp không chỉ trên giấy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, những năm qua, Quảng Ninh nổi lên là điểm sáng về đột phá trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là công tác xây dựng quy hoạch phát triển chiến lược. Để có được kết quả này là do tỉnh đã sớm định vị được tiềm năng, lợi thế, thực hiện lập và công khai các quy hoạch chiến lược, trở thành chỉ dẫn quan trọng trong thu hút các nguồn lực phát triển.
Sa hình trưng bày một số quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị, khu kinh tế Quảng Ninh.
Sa hình trưng bày một số quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đô thị, khu kinh tế Quảng Ninh.

Công tác xây dựng quy hoạch có ý nghĩa quyết định mang tầm chiến lược

Tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận thấy những định hướng chiến lược trong các quy hoạch cũ không còn phù hợp với bối cảnh những khó khăn, thách thức mới nảy sinh, điều đó đã kìm hãm việc phát huy những thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã mạnh dạn báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng của tỉnh. Thời điểm đó, Quảng Ninh nổi lên là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện lập các quy hoạch chiến lược có thuê đơn vị tư vấn nổi tiếng quốc tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn của tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, Quy hoạch chung xây dựng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tư vấn Nikken Sekkei (Nhật bản) lập là quy hoạch chiến lược quan trọng quyết định diện mạo tỉnh Quảng Ninh trong tương lai.

Mô hình cầu Bãi Cháy (ảnh Báo Quảng Ninh)
 Mô hình cầu Bãi Cháy (ảnh Báo Quảng Ninh)

Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị của Quảng Ninh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, Quảng Ninh đã phát triển 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (Hạ Long), 3 đô thị loại II (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái), 2 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều); 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên, thị trấn Cái Rồng) và 5 đô thị loại V (thị trấn Quảng Hà, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô, thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ).

Trong 3 đô thị loại II, Uông Bí có vị trí chiến lược quan trọng nằm giữa ba trung tâm kinh tế lớn Hà Nội - Hạ Long và Hải Phòng, Uông Bí lại là trung tâm Công nghiệp, Thương mại dịch vụ, du lịch phía Tây của tỉnh; trung tâm y tế và giáo dục, đào tạo; Là đầu mối giao thông liên vùng quan trọng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Trung tâm Phật giáo Thiền phái Trúc lâm của cả nước nên Uông Bí rất có lợi thế về phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Xây dựng quy hoạch cần đi đôi với công tác quản lý quy hoạch

Quảng Ninh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược mang tầm cỡ quốc tế, cung cấp thông tin đến các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh cũng như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh và nhân dân biết.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng đã khẳng định tính nhất quán trong quản lý quy hoạch, quyết tâm trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện để hiện thực hóa các quy hoạch. Gắn kết trực tiếp các quy hoạch với công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh, điều này đã trở thành cơ sở, nền tảng cho việc định hướng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Với những bước đi bài bản và tầm nhìn mang tính chiến lược dài hạn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ, nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đều kỳ vọng trong tương lai không xa, Quảng Ninh sẽ sớm hiện thực được giấc mơ trở thành một thành phố hiện đại mang tầm cỡ quốc tế, ấy vấy mà, một vụ việc sai phạm hy hữu trong công tác đầu tư xây dựng xảy ra gần đây trên địa bàn Thành phố Uông Bí đã làm sói mói mòn niềm tin ấy.

Điều đáng nói, sai phạm trong trật tự xây dựng lại xuất phát từ chính UBND Thành phố Uông Bí - nơi cầm cân, nảy mực về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã chỉ rõ UBND TP Uông Bí đã đầu tư trái phép tiền ngân sách để nâng cấp, chỉnh trang các công trình trên đất rừng sản xuất; trong phạm vi quản lý, bảo vệ hồ đập và chưa phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất tại khu vực hồ Yên Trung. Việc làm này đã vi phạm các quy định của Luật Ngân sách, Luật Đất đai, Luật Thủy lợi.

Một số công trinh tại hồ Yên Trung (Ảnh: Hiền Vũ)
 Một số công trinh tại hồ Yên Trung (Ảnh: Hiền Vũ)

Từ trước đến nay, việc xảy ra sai phạm trong đầu tư xây dựng đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước làm phá vỡ quy hoạch chung của tỉnh/thành phố đã được báo chí đề cấp nhiều. Tuy nhiên, những vụ việc đó thường xuất phát từ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân có các công trình xây dựng, không phép, sai phép hoặc không đúng với quy hoạch được duyệt chứ việc chính quyền là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm “cầm cân, nảy mực” xử lý những hành vi vi phạm về trật tự xây dựng theo quy định của Pháp luật lại chính là đối tượng vi phạm thì quả thật là “xưa nay hiếm”.

Để những vụ việc tương tự không tiếp tục tái diễn, UBND tỉnh Quảng Ninh cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra sai phạm nêu trên và xử lý nghiêm để làm gương cho các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch và trật tư xây dựng để đảm bảo những quy hoạch chiến lược mang tầm cỡ quốc tế mà tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh qua các thời kỳ đã dày công vun đắp, xây dựng “không chỉ đẹp trên giấy” mà còn trở thành di sản thực tế, để lại cho con cháu muôn đời về sau .

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp thục phản ánh thông tin .

Đọc thêm