Đề xuất lấp hồ Thành Công để xây nhà, Việt Hưng bị ném đá không thương tiếc

(PLO) - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất lấp khoảng 1ha hồ thành công để lấy đất xây nhà tái định cư, cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công, thuộc diện cải tạo trong một cuộc hội thảo về cải tạo chung cư cũ. Đề xuất này ngay lập tức nhận được vô số gạch đá từ cư dân mạng. 
Khoảng hồ trong xanh này sẽ bị thay đổi nếu đề xuất của Chủ đầu tư được TP Hà Nội chấp nhận
Khoảng hồ trong xanh này sẽ bị thay đổi nếu đề xuất của Chủ đầu tư được TP Hà Nội chấp nhận

Mặc dù nghiên cứu quy hoạch cải tạo khu chung cư cũ Thành Công không bao gồm hồ Thành Công, nhưng với tư duy của doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng - đơn vị được thành phố giao cải tạo toàn bộ khu chung cư cũ Thành Công đã đưa ra kiến nghị, lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư tại chỗ.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo bàn về cơ chế thúc đẩy quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra mới đây, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng cho biết: “Doanh nghiệp hết sức phấn khởi khi được thành phố tin tưởng giao cải tạo toàn khu chung cư cũ Thành Công. Sau gần 8 tháng nhận nhiệm vụ nghiên cứu chúng tôi đã có những phương án cụ thể về quy hoạch, về giải pháp tài chính, về phương án triển khai”.

“Qua khảo sát, đa số người dân nhất trí cao với chủ trương cải tạo toàn khu, tỷ lệ nhất trí là 91%. Phần lớn người dân đều có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Đối với 9% còn lại chúng tôi có nêu ra phương án giãn cư một là về Ecopark, hai là về khu nhà ở xã hội Cổ Bi mà doanh nghiệp đang được thành phố giao nhiệm vụ phát triển”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng thông tin.

Đại diện chủ đầu tư Việt Hưng đề xuất lấp 1ha hồ Thành công để xây nhà tái định cư.

Đại diện chủ đầu tư Việt Hưng đề xuất lấp 1ha hồ Thành công để xây nhà tái định cư.

Nêu ra một số “nút thắt” để tiến hành phương án cải tạo, đại diện doanh nghiệp này cho hay, đầu tiên là vấn đề tạm cư, bên cạnh đó còn có một số “nút thắt” như quy hoạch phân khu chỉ cho phát triển đô thị với quy mô 15.000 người, trong khi dân cư hiện hữu đã là 20.000 người. Ngoài ra còn vấn đề về số tầng được phép xây, tỷ lệ đền bù…

“Trên cơ sở những nội dung tham chiếu như vậy, chúng tôi cũng đã đưa ra một phương án quy hoạch là tuân thủ tất cả các chỉ tiêu quy hoạch, tuân thủ tất cả các thông lệ thì xin thưa là không tài nào cân đối được tài chính, đây là điều chắc chắn”, đại diện doanh nghiệp này khẳng định.

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng cho hay: “Chúng tôi hướng đến một tiêu chí quy hoạch là chấp nhận tái định cư dân cư hiện hữu là 100%, như vậy mặc nhiên tăng tỷ lệ dân cư theo quy hoạch phân khu phải mặc nhiên được chấp nhận. Không phải là 15.000 dân nữa mà phải là 20.000 dân. Thứ hai, diện tích căn hộ tối thiểu là 45m2. Thứ ba là quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiêu chí hiện đại nhưng vẫn giữ được cấu trúc cũ của khu Thành Công…”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng cho biết.

Để đạt được những mục tiêu đó, đại diện doanh nghiệp nêu ra một số kiến nghị: Thứ nhất, diện tích để tái định cư hệ số là 1, phần diện tích tăng thêm để đạt mức 45m2 người dân sẽ phải đóng góp. Thứ hai về các chỉ tiêu quy hoạch, đề nghị khối nhà ở tái định cư có chiều cao 24 tầng nhưng là 24 tầng bình quân để có những công trình điểm nhấn. Đề nghị cho tăng tối đa đến 35 tầng với khối nhà thương mại vì khối nhà này giúp tăng lợi ích tài chính cho nhà đầu tư…

“Cái khó nhất như đã nêu ở trên là vấn đề tạm cư, nếu có ngay được quỹ đất sạch để làm nhà tái định cư tại chỗ sẽ giải quyết được 2 câu chuyện là có mặt bằng lớn nhất để làm cuốn chiếu và thứ hai là để người dân nhìn thấy chất lượng nhà tái định cư. Như vậy cũng sẽ giúp giải tỏa ngay được 1/3 tổng số cư dân, bài toán tạm cư đỡ nhức nhối”, đại diện doanh nghiệp trình bày.

Để giải quyết “bài toán” tạm cư, tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư đề nghị: “Ranh giới chúng tôi nghiên cứu quy hoạch không bao gồm hồ Thành Công, chúng tôi đã khảo sát và thấy mật độ xây dựng khu Thành Công dày đặc, có một số công trình tiện ích xã hội như trường học, nhà trẻ, chợ… báo cáo là không động tới được do sẽ làm xáo trộn cuộc sống người dân. Nhưng có một quỹ đất rất tốt là hồ Thành Công có diện tích 10ha, tôi xin điều chỉnh quy hoạch hồ Thành Công khoảng 1ha, sau đó quy hoạch mới, diện tích mặt nước chúng tôi sẽ trả lại. Phần giao cho doanh nghiệp cải tạo 23ha vẫn là 23 ha nhưng hình dáng sẽ thay đổi. Điểm được là chúng tôi có ngay gần 1ha làm đất tái định cư cho người dân ở đó”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng kiến nghị.

Trước đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, cải tạo chung cư cũ là một việc làm vô cùng khó khăn. Dù chúng ta bàn nhiều, không ít ý kiến thuyết phục, các giải pháp tưởng có vẻ khả thi mà diễn biến để hiện thực hóa không dễ dàng.

“Đề xuất của DN Việt Hưng khẳng định sẽ hoàn trả đủ diện tích 1ha mặt nước đã lấy đi của hồ Thành Công, nhưng tôi hỏi lấy gì đảm bảo? 1ha mặt hồ mới sẽ nằm ở đâu? Đất công hay đất tư? Việc xóa bỏ quy hoạch khu vực này càng không khả thi. Phải hướng cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, tuân thủ theo đúng quy hoạch chung bằng những giải pháp nhân văn chứ không thể “xôi đỗ”. Vấn đề tạm cư hay vấn đề di chuyển có thể lựa chọn nhiều mô hình khác hài hòa hơn. 

Cụ thể, tạm cư cho người dân bằng tiền để người dân tự đi thuê, hay một số DN có nhà ở thương mại có thể cho dân thuê hoặc di dời dân về ở tạm thời. TP hiện đang khuyến khích các DN lập quy hoạch xác định vị trí, xây dựng nhà cho người dân trước để “mắt thấy tai nghe”.

Khi người dân chuyển vào nhà ở ổn định rồi mới làm tiếp các phần khác theo quy hoạch. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được mệnh danh là TP của sông, hồ. Cho nên, tuyệt đối không thể “xẻ thịt” hay “lấp” bất cứ sông hồ nào để tái định cư tại chỗ, mà cần tìm một địa điểm thích hợp hơn". 

"Chủ đầu tư đề xuất lấy 1ha hồ, nhưng chúng ta sẽ hạn chế không lấy chỗ đó mà sẽ tìm một chỗ để xây nhà tái định cư trước", ông Nguyễn Thế Hùng xoa dịu tình hình 

Đọc thêm