Độc đáo cụm di tích danh thắng ven biển Hải Thanh

(PLVN) - Biển Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) có chiều dài khoảng hơn 4km từ núi Thổi tới chân núi Du Xuyên. Là một cái tên còn xa lạ với du khách trên cả nước, không gian văn hoá ven biển Hải Thanh vẫn còn mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, đan xen với nét sống làng chài văn minh, sôi động, nhộn nhịp.
Độc đáo cụm di tích danh thắng ven biển Hải Thanh

Nơi sản vật từ biển quy tụ

Biển Hải Thanh nằm ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng hơn 50km. Chỉ mới đặt chân đến nơi đây, có thể cảm nhận được ngay cuộc sống của một làng chài thấm mùi gió biển mằn mặn. 

Là một đất nước có đường biển kéo dài, văn hóa làng chài do cư dân vạn chài sáng tạo qua nhiều đời bám biển mưu sinh đang được bảo tồn, phát huy thành những sản phẩm du lịch độc đáo, điểm tô cho các điểm đến xinh đẹp ở các tỉnh giáp biển, trong đó có Thanh Hoá. So sánh với biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà, biển Hải Thanh vẫn còn giữ được khung cảnh hoang sơ hơn.

Đến biển Hải Thanh, nếu không ghé thăm “mỏm đã mắt trời” toạ lạc gần bãi biển Hải Thanh giáp danh với biển Hải Hoà thì rất lãng phí. Người đứng từ mỏm đá này có thể tận hưởng trọn vẹn cảnh biển Hải Thanh trước mắt.

Còn nếu men theo đường bờ biển xuôi theo hướng Nam, du khách sẽ thấy đảo xã Nghi Sơn. Có thể đến đảo này bằng đường bộ, nhưng khoảng cách sẽ dài hơn nhiều. Đảo Nghi Sơn là nơi tập trung nhiều nhà máy công nghiệp trọng điểm trên cả nước, một điểm nhấn hiện đại ở mảnh đất xứ Thanh này.

Nhắc đến Hải Thanh, người ta cũng không thể không nhắc đến làng nghề làm nước mắm Ba Làng nổi danh đã lâu, với các sản phẩm nổi tiếng như nước mắm chắt cá cơm, mắm tôm, mắm chua Ba Làng...... Du khách đến đây còn được khám phá, tham quan những quy trình làm nước mắm của bà con.

Khi hỏi thăm người dân làng thì tôi mới biết nghề làm mắm nơi đây đã có từ rất lâu rồi, trước cả thời Pháp thuộc. Vào những vụ mùa đánh bắt bội thu các sản vật của biển, cá đánh bắt được nhiều không dùng hết nên ngư dân đã nghĩ ra cách muối cá, muối tôm để dành, tạo ra thứ nước chấm vàng óng, đặc sánh gọi là nước mắm chắt. Từ đó, các loại mắm tôm, mắm cá trở thành thứ sản vật nức tiếng vùng này.

Cảng cá Lạch Bạng tọa lạc trên địa bàn 2 xã Hải Thanh và Hải Bình, được đánh giá là cảng cá lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Cảng được xây dựng từ năm 2003 và được mở rộng vào năm 2010, trở thành nơi trung chuyển thiết yếu đủcác loại thủy - hải sản của ngư dân và thương lái trong khu vực. Với vị trí địa lí thuận lợi như vậy, hải sản đánh bắt ở Hải Thanh có thể được chuyển ngay về bến cá, phân loại và chế biến. Điều này rất quan trọng bởi vì để chất lượng nước mắm tươi ngon, có vị ngọt đặc trưng, quan trọng nhất là cá phải tươi.

Người dân nơi đây cũng trải lòng, khi nghe đến làm mắm du khách thường nghĩ đến cảnh mất vệ sinh nhưng chỉ khi tận mắt chứng kiến và trải nghiệm mới thấy được bản chất nghề làm mắm truyền thống như thế nào. Trong quá trình muối cá, các dụng cụ đựng, bể, muối đều phải đảm bảo sạch sẽ, nếu không bể cá sẽ bị nhiễm khuẩn và rất dễ thối, hỏng. Cá muối theo phương pháp truyền thống thường tạo ra loại nước mắm nguyên chất mặn hơn bởi độ mặn đậm từ nước muối giữ cho nước mắm không bị thối do vi sinh vật có hại. Còn với nước mắm công nghiệp ngày nay, các chất điều vị thường được bổ sung trong quá trình sản xuất nước mắm khiến nước mắm bớt mặn và có vị ngọt hơn. 

 

Nơi giao thoa giữa nhiều nền văn hoá

Không chỉ có văn hoá làng chài, địa danh Ba Làng là một trong những nơi đầu tiên Đạo Thiên Chúa giáo được truyền thụ đầu tiên vào miền bắc Việt Nam . Mảnh đất này còn là nơi giao thoa văn hóa giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Trên địa bàn Ba Làng có thể thấy rất nhiều nhà thờ thiên chúa giáo to, nhỏ. Có những nhà thờ đã đạt đến vài trăm năm tuổi đời. 

Bên cạnh đó, Hải Thanh còn độc đáo ở góc độ sở hữu một quần thể di tích đền chùa miếu mạo phong phú từ lâu đời. Đơn cử, đền thờ tứ vị ở Lạch Bạng, hay đền Lạch Bạng, là ngôi đền cổ dưới thời vua Lê, Nguyễn, toạ lạc trên một mỏm núi Do Xuyên. Đây là nơi người dân xứ này thể hiện sự ngưỡng vọng và lòng biết ơn các anh hùng dân tộc, các vị tướng có công mở mang bờ cõi, bảo vệ đất nước thoát họa xâm lăng, bao gồm Quang Trung hoàng đế, Tô Hiến Thành, Lý Thái Úy và Hoàng Minh Tự. Ngoài ra, trong đền còn thờ các linh thần được gọi là Tứ vị Thánh Nương, thể hiện niềm tin vào sự phù trợ cho những chuyến vươn khơi may mắn của ngư dân. Cho đến sau này, nơi đây còn thờ Mẫu Thoải (mẹ nước), cũng là một trong những tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt.

Đền Lạch Bạng cách đền Quang Trung khoảng 50m. Tại đây, hàng năm lễ hội Quang Trung diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng được coi là lễ hội lớn nhất, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Theo sử sách, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đã cho ém đội thủy quân tại Nghi Sơn, Lạch Bạng. Đến giữa tháng chạp năm 1788, đội thủy quân sẽ vượt biển vào sông Lục Đầu hợp sức cùng bộ binh tiêu diệt quân Thanh ở Thăng Long. Trong thời điểm này, cư dân các làng biển, trong đó có cư dân Lạch Bạng đã hỗ trợ nhà vua luyện tập thuỷ binh, tiếp thêm động lực cho quân lính lên đường đánh giặc. Trước khi xuất quân, nhà vua còn cho quân lính đón Tết sớm cùng ngư dân Hải Thanh.Từ đó mới hình thành Lễ hội Quang Trung mà người dân ở mảnh đất cửa biển này luôn tự hào. 

Đáng nói, sau khi khải hoàn trở về, vua Quang Trung ghi nhận công lao của người dân Lạch Bạng, đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh.Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ Ngài ở dưới chân núi Do Xuyên, hằng năm cúng bái. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đền thờ Quang Trung trên địa bàn xã Hải Thanh đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ giữa nhà nước và nguồn xã hội hóa cho việc trùng tu, gìn giữ di tích.

Cùng với đền Quang Trung, đền Thanh Xuyên là nơi thờ thành hoàng họ Nguyễn và Nữ tướng Bùi Thị Xuân, thời Tây Sơn. Được biết, đền được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn theo hình chữ Đinh gồm 3 gian tiền đường. Trong đền, ngoài bài vị, long ngai còn nguyên vẹn bộ bát, đặt ở hậu cung. Gian giữa tiền đường đặt hương án và đồ thất sự khác. Hai bên đặt hai pho tượng sĩ bằng gỗ, mình vận áo giáp, ngồi trên mình sư tử, một tay cầm đao, một tay ghì bờm sư tử. 

Cách đền Thanh Xuyên khoảng 600m, toạ lạc trên sườn núi Do Xuyên, đó chính là chùa Đót Tiên nhìn ra cửa Bạng, cùng hướng với đền Lạch Bạng và đền Quang Trung. Chùa được khởi dựng năm 1769 dưới thời vua Lê Cảnh Hưng, sau đó trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn đã trở thành địa điểm thờ Phật với lịch sử gần 250 năm của người dân vùng cửa biển. Đây là nơi Thờ Phật và Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Chùa gồm 5 gian tiền đường và 2 gian hậu cung là nơi bài trí 26 pho tượng Phật. Phía trước sân thượng và sân dưới phân thành hai cấp rộng 16 m có bia và nhà che bia hình lục giáp, cấu trúc theo kiểu gác chuông 2 tầng. Kề với chùa là phủ Mẫu - có cấu trúc giống nơi thờ Liễu Hạnh Công chúa. Vào những năm thuộc thế kỷ XIX, XX, chùa được mở mang, trùng tu với kiến trúc hình chữ “Đinh”. Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều tượng, bia, chuông cổ có giá trị nghệ thuật.

Quả thực, bất cứ ai lần đầu đến nơi này cũng sẽ không khỏi cảm thấy tò mò. Hiếm thấy một vùng nào trên dải đất hình chữa S lại có thể tồn tại song hành nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau mà vẫn hoà hợp đến như vậy. Điều này làm nên một không gian văn hoá đa sắc, một nét sống văn minh có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, trong một hệ thống di tích – danh thắng cảnh phong phú, đa dạng chỉ Hải Thanh mới có.

Đọc thêm