Đón sóng vốn ngoại, ROS đứng trước những kỳ vọng mới

(PLO) - Nhà đầu tư nước ngoài vừa kết thúc mua ròng tháng thứ 4 liên tiếp trên HOSE, với giá trị mua ròng tăng 10% so với trước và đạt hơn 2.272,6 tỉ đồng, tương ứng khối lượng 40,4 triệu cổ phiếu.
Đón sóng vốn ngoại,  ROS đứng trước những kỳ vọng mới

Như vậy, 4 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng hơn 5.600 tỷ đồng.

Sau khi thoái trào trong năm 2016, dòng vốn ngoại đang trở lại với quy mô rất lớn, liên tiếp lập kỷ lục mua ròng trong tháng Ba và tháng Tư, trong lịch sử 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hưởng lợi từ bối cảnh này, cổ phiếu ROS đang đứng trước khả năng tiếp tục được khối ngoại mua vào lớn trong tháng Sáu. Theo ước tính dựa, lực mua có thể đến từ 4 quỹ đầu tư nước ngoài, trong đó có 3 quỹ ETF và 1 nhà đầu tư chiến lược đang trong giai đoạn đàm phán.

Kỷ lục dòng vốn ngoại

Cam kết của Chính phủ về tiến trình cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân đang trở thành hiện thực với tiến độ nhanh chưa từng thấy. Trong khi đó, các nghị quyết được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 vừa bế mạc đầu tháng Năm, cũng thể hiện quyết tâm của Đảng nhằm đổi mới cơ chế kinh tế toàn diện và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân thời gian tới.

Ngoài những nét chấm phá lớn trong bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cảnh về tăng trưởng và thị trường tiêu dùng rộng mở, cũng như động lực từ thị trường xuất khẩu và kỳ vọng cải cách kinh tế, có thể thấy có 3 yếu tố chính dẫn đến sự bùng nổ của dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Yếu tố đầu tiên là sự thay đổi lớn về quy mô thị trường. Hiện nay, 10 doanh nghiệp đang niêm yết có quy mô vốn hóa 55% thị trường. Sự thay đổi diễn ra chóng mặt chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây đã có tới 4 doanh nghiệp mới niêm yết bổ sung vào top 10 vốn hóa thị trường. Doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ nhất trong số này cũng đã vượt mức 2 tỷ USD - một tiêu chí quan trọng nhất để các quỹ đầu tư toàn cầu chú ý và theo dõi sát sao.

Vốn hóa và thanh khoản thị trường là yếu tố tiên quyết khi lựa chọn đầu tư của các quỹ đầu tư lớn. Điều này lý giải mức độ tập trung giải ngân của khối ngoại tại top10 vốn hóa lớn nhất 5 tháng đầu năm nay.

Yếu tố thứ hai là thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết lớn, nằm trong định hướng chung đổi mới quản lý doanh nghiệp Nhà nước và IPO, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn bên ngoài. Một trường hợp điển hình là VNM, ngay sau khi Nhà nước quyết định thoái vốn, cổ đông ngoại là F&N đã gia tăng sở hữu từ 5,4% lên 15%, và dự kiến sẽ còn tăng lên 17% trong thời gian sớm nhất.

Yếu tố thứ ba, và cũng là yếu tố lớn nhất, đến từ triển vọng nâng hạng thị trường trong 3 năm tới, với mảnh ghép mới của thị trường là chứng khoán phái sinh sắp đi vào hoạt động, sẽ khiến các nhà đầu tư tổ chức tham gia sâu hơn vào thị trường.

Lợi ích là rõ ràng và những quỹ đầu tư năng động nhất đã khởi động đón đầu làn sóng này ngay từ bây giờ. VNM, PLX, VJC, ROS, FLC... - những cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản tốt - cũng đồng thời là những cổ phiếu được mua ròng lớn nhất trong 4 tháng đầu năm nay.

Hưởng lợi từ bối cảnh

Như đã phân tích ở trên, ngoài các thay đổi có tính nền tảng về kinh tế vĩ mô, thì vốn hóa thị trường và thanh khoản là các yếu tố trực tiếp quyết định mức độ tham gia của dòng vốn ngoại.

Vốn hóa thị trường lớn thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư toàn cầu. Thanh khoản cao giúp các quỹ ETF và quỹ đầu tư theo chỉ số giảm bớt rủi ro thanh khoản, đồng thời cũng khiến chi phí giao dịch và rủi ro biến động giá khi tham gia các hoạt động mua và bán với khối lượng đủ lớn theo nhu cầu.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán cũng đang được kỳ vọng nâng hạng lên mức thị trường mới nổi trong thời gian tới. Với kỳ vọng này, lượng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam của riêng các quỹ ETF có thể lên đạt mức từ 3 tỷ USD trở trong 2 năm tới. Đây tiếp tục là yếu tố sẽ tạo ra cú hích cho cầu mua cổ phiếu ở các doanh nghiệp có vốn hóa lớn, thanh khoản cao.

Xét riêng trường hợp ROS, ngoài các yếu tố cơ bản như ghi dấu ấn bởi tốc độ thi công kỷ lục các dự án quy mô lớn, sở hữu chuỗi dự án bất động sản ở nhiều địa phương, bối cảnh thị trường là một nguyên nhân giúp cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện nay, trung bình mỗi phiên, khối lượng giao dịch của ROS đạt 6,1 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 976 tỷ đồng.

Sau thời gian quan sát khi cổ phiếu mới được niêm yết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với ROS đã tăng lên rất mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2017, ROS là cổ phiếu đứng thứ hai về giá trị mua ròng của quỹ ngoại, sau VNM.

Thời điểm trước kỳ review đầu tiên năm 2017 của các quỹ ETF, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 600 nghìn cổ phiếu ROS, ở mức giá trùng bình trên 100.000 đồng.

Vào cuối tháng 3 vừa qua, FTSE Vietnam ETF mua vào khoảng 3,2 triệu cổ phiếu ROS, trị giá 499 tỷ đồng, tương ứng 9% giá trị tài sản ròng mà quỹ này quản lý.

Trước kỳ review thứ 2 của các quỹ ETF (ngày chốt số liệu cuối tháng Năm và ngày có hiệu lực từ trung tuần tháng Sáu tới), nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 4,8 triệu cổ phiếu ROS, và thanh khoản cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh.

Xu hướng mua đón đầu - mua theo khẩu vị của các quỹ đầu tư lớn, mà trường hợp cụ thể ở đây là các quỹ ETF, đã được chính các nhà đầu tư nước ngoài khác áp dụng và đã đem lại tỷ suất lợi nhuận đáng kể có thể cũng đang xảy ra với ROS.

Kỳ vọng những gương mặt mới

Theo dự kiến, ngày 26/5 tới đây là ngày chốt dữ liệu để hai quỹ ETF FTSE và ETF VNM hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam thực hiện tái cơ cấu danh mục kỳ 2/2017. Ngày 2/6, ETF FTSE sẽ công bố danh mục, và ngày 9/6 đến lượt quỹ ETF VNM. Ngày 16/6, hai quỹ này sẽ hoàn tất việc cơ cấu.

Sau khi được ETF FTSE đưa vào danh mục từ tháng 3 năm nay, nay có nhiều khả năng đến lượt ROS sẽ được ETF VNM thêm mới vào danh mục cổ phiếu của mình, hiện đang có tổng tài sản ròng 291,8 triệu USD.

Có hai yếu tố khiến ROS nhiều khả năng sẽ lọt vào danh mục của ETF VNM trong kỳ cơ cấu này.

Thứ nhất, ROS đã có thời gian niêm yết xấp xỉ 10 tháng, tính đến thời điểm chốt dữ liệu, và đã kéo dài thêm một kỳ 3 tháng để quỹ xem xét và cân nhắc bổ sung.

Thứ hai, ROS hiện có vốn hóa hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 5 trong 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất đang niêm yết. Cổ phiếu này cũng thỏa mãn các tiêu chí của ETF VNM, bao gồm thanh khoản, tỷ lệ free float và room còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, vào tháng Năm này, thị trường chứng khoán Pakistan chính thức được MSCI đưa vào rổ chỉ số MSCI Emerging Market Index. Điều này không những đem lại cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp nhận thêm dòng vốn ngoại, mà còn có thể trực tiếp giúp ROS hưởng lợi, bởi các lý do sau:

- Việc Pakistan thăng hạng sẽ để lại một khoảng trống cho rổ chỉ số các thị trường cận biên của MSCI. Do đó, các quỹ đầu tư đang dùng chỉ số này làm chuẩn sẽ có chiến lược phân bổ lại vốn vào các thành viên còn lại của rổ chỉ số, trong đó có Việt Nam.

- Argentina và Kuwait là hai quốc gia có tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số, tổng cộng 40%. Trong khi theo quy tắc chỉ số, tổng tỷ trọng của hai quốc gia lớn nhất không được vượt quá 40%. Do vậy khoảng trống 10,82% của Pakistan sau khi rời đi sẽ được phân bổ cho các quốc gia còn lại mà Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất do đang có tới 6 cổ phiếu  và chiếm tỷ trọng lớn thứ 4 trong rổ chỉ số.

- Đồng thời, sau khi loại bỏ 13 cổ phiếu của Pakistan, MSCI cũng sẽ phải thêm mới ít nhất 4 cổ phiếu để đảm bảo danh mục tối thiểu 85 cổ phiếu. ROS được xem là ứng viên hàng đầu cho rổ MSCI Frontier 100 Index, chỉ số tham chiếu cho quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF (FM ETF), hiện đang quản lý gần 600 triệu USD giá trị tài sản.

- Một số ước tính cho thấy MSCI có thể phân bổ mới 10,2 triệu USD từ quỹ FM ETF cho thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau khi thỏa mãn tiêu chí thời gian niêm yết trên 6 tháng, ROS sẽ gia nhập chỉ số VN30 do có thanh khoản đứng đầu và vốn hóa nằm trong top 10 các mã niêm yết trên HOSE. Theo quy định, VN30 sẽ được Hội đồng Tư vấn chỉ số của HOSE xem xét lại 6 tháng/lần và kỳ xem xét gần nhất là tháng Bảy tới đây.

Đáng lưu ý, VN30 là chỉ số tham chiếu cho quỹ KINDEX Vietnam VN30 ETF của Hàn Quốc, hoạt động theo cơ chế hoán đổi đầu tư, hiện đang có tổng tài sản ròng hơn 319 tỷ đồng tại thời điểm gần nhất.

Ngoài 3 quỹ ETF kể trên, có thông tin cho hay FLC-Faros cũng đang tích cực đàm phán với một quỹ đầu tư nước ngoài khác để tiếp nhận khoản đầu tư tối thiểu 300 tỷ đồng, tương đương 1,9 triệu cổ phiếu.

Như vậy, nếu thương vụ này thành công, bên cạnh ETF FTSE, danh sách các quỹ đầu tư vào ROS sẽ bổ sung 4 quỹ đầu tư ngoại mới, trong đó có 3 quỹ ETF, với lượng mua có khả năng lên tới hàng triệu cổ phiếu. 

Triển vọng nâng hạng ngày càng lớn

Trên thế giới các thị trường tài chính được xếp hạng vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), tiếp đến là thị trường mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là thị trường cận biên (Frontier Market). MSCI là tổ chức xếp hạng được biết đến nhiều, ngoài ra còn có FTSE Russell, và S&P Dow Jones.

Sau Pakistan, Việt Nam đang có những nỗ lực lớn đến nâng hạng thị trường sang xếp hạng thị trường mới nổi theo MSCI. Theo kết quả đánh giá tháng 6/2016, MSCI giữ nguyên điểm đánh giá đối với thị trường Việt Nam và chưa đưa Việt Nam vào danh sách có tiềm năng phân loại lại. Tuy nhiên MSCI có ghi nhận một số cải thiện về giới hạn sở hữu nước ngoài, công bố thông tin bằng tiếng Anh và cải cách thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối chiếu với các tiêu chuẩn của thị trường mới nổi, Việt Nam đã hoặc sẽ đạt được trong thời gian ngắn tới đây hầu hết các tiêu chí định lượng. Thời điểm hiện tại, có ít 4 mã cổ phiếu (trong đó có ROS) đã đạt các điều kiện: có giá trị vốn hóa trên 1269 triệu USD; quy mô giao dịch cổ phiếu trên 635 triệu USD; thanh khoản của cổ phiếu bình quân hàng năm đạt 15% giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng.

Các tiêu chí định tính khó đạt hơn, nhưng cũng đang được đẩy mạnh, chẳng hạn công bố thông tin bằng tiếng Anh, vấn đề lưu chuyển dòng vốn, vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Những tiêu chí này có thể đạt được trong vòng hai năm tới, với tiến độ đẩy mạnh như hiện nay.

Triển vọng nâng hạng, bên cạnh những thay đổi nội tại và cơ bản từ phía doanh nghiệp, sẽ kéo theo dòng vốn đầu tư gián tiếp với quy mô lớn nhất từ trước tới nay vào thị trường. Các thị trường mới nổi (EM) có quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn thị trường biên (FM), trong khi tiềm năng tăng trưởng lại cao hơn thị trường phát triển (DM).

Dòng vốn mà các EM thu hút được có có tính ổn định hơn, so với những dòng tiền nóng đầu tư vào các thị trường FM. Các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động, tiêu biểu như các ETFs, hiện tập trung đầu tư vào các thị trường EM cũng sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào các thị trường mới được nâng hạng lên EM.

Một ví dụ điển hình là hiện nay chỉ có một quỹ ETF tham gia đầu tư vào các thị trường biên theo phân loại của MSCI (trong đó có Việt Nam) với quy mô 600 triệu USD. Nhưng chỉ riêng BlackRock, công ty cung cấp ETFs lớn nhất thế giới đang quản lý khối tài sản 103 tỷ USD cho 47 quỹ ETFs đầu tư vào các thị trường mới nổi (EM).

Theo số liệu của Bloomberg, chỉ số ADX General Index của Abu Dhabi đã tăng 44% kể từ khi MSCI tuyên bố nâng hạng. Cùng kỳ, chỉ số DFM General Index của Dubai cũng tăng hơn gấp đôi trong khi Qatar Exchange Index nhảy vọt 47%.

Cũng theo Bloomberg, dù đến tháng Năm năm nay, Pakistan mới được nâng hạng EM, nhưng chỉ số Karachi Stock Exchange KSE100 Index (KSE100) của nước này cũng đã kịp tăng 43,56% trong 12 tháng qua.

Theo thống kê của EPFR Global, hiện tại có 491 quỹ đầu tư trên toàn cầu đang sử dung MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu (benchmark) với tổng tài sản là 435 tỷ USD và đầu tư vào 800 cổ phiếu.

Nếu chỉ khoảng từ 0,2-0,3% tỷ trọng vốn được phân bổ cho Việt Nam (tương quan với quy mô vốn hóa thị trường và số lượng doanh nghiệp niêm yết có thể đạt tiêu chí của bộ chỉ số), thì chỉ tính riêng các quỹ ETF và quỹ tương hỗ sử dụng MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu cũng đã dành cho thị trường Việt Nam từ 870 triệu đến 1,3 tỷ USD trong vòng 4-6 tháng sau khi được nâng hạng.

Đây chỉ là phần nhỏ trong dòng vốn FII đổ vào thị trường sau khi nâng hạng. Thực tế, các hoạt động đầu tư đón đầu cho sự kiện này đã khởi động từ bây giờ. Các hoạt động đầu tư song hành, chẳng hạn như các quỹ tương hỗ và ETF tham chiếu bộ chỉ số FTSE Emerging Index (nổi tiếng nhất trong số này là Vanguard FTSE Emerging Markets ETF có quy mô tài sản 54 tỷ USD) và các hoạt động đầu tư “ăn theo” khác có thể kích hoạt hàng tỷ USD vào thị trường trong năm đầu tiên sau khi được nâng hạng.

Quan sát ở thị trường chứng khoán Việt Nam, những tiến bộ và nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua về cải cách kinh tế vĩ mô, và nỗ lực nâng hạng thị trường nói riêng đã thu hút lượng đông đảo các nhà đầu tư và quỹ đầu tư tiếp xúc, tìm hiểu và khảo sát thị trường trong 5 tháng đầu năm.

Do vậy, chiến lược chọn mua và nắm giữ những mã cổ phiếu đầu ngành, thanh khoản, vốn hóa lớn và đáp ứng các tiêu chí về quản trị tốt dường như sẽ là chiến lược đầu tư chủ đạo trong trung và dài hạn.

Đọc thêm