Giải pháp nào cho thị trường bất động sản Khánh Hòa?

(PLVN) - Hiện nay, tình hình cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đều bị ảnh hưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhà nước và các doanh nghiệp lớn nhỏ, các nhà đầu tư, chủ đầu tư đều chịu tổn thất nặng nề. Để giảm thiệt hại, doanh nghiệp (DN) đang trông chờ các giải pháp của Chính phủ để vực dậy thị trường bất động sản (BĐS). 
Thị trường bất động sản Khánh Hòa gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Thị trường bất động sản Khánh Hòa gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Khó khăn do dịch bệnh

Thông tin từ Hiệp hội BĐS Khánh Hòa cho biết, vào thời điểm đầu năm 2018, mỗi tháng, các sàn giao dịch chốt thành công trên dưới 10 hợp đồng. Tuy nhiên, đến quý III/2019, tất cả phân khúc BĐS tại thị trường Khánh Hòa đều chững lại.

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2019, tỉnh này gần như không có dự án mới. Một số dự án có thể mở bán, nhưng lại vướng thủ tục pháp lý nên làm thị trường chững lại. Đầu năm 2019, giá BĐS thuộc các dự án đã giảm 10%, đến nửa cuối năm 2019 giảm tiếp từ 20% - 30%.

Dạo quanh các tuyến phố, khu nghỉ dưỡng cũng như bãi biển tại TP Nha Trang những ngày này, không khó để bắt gặp những khung cảnh ảm đạm và gần như tê liệt so với cùng kỳ những năm trước, một phần là do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Ông Trần Đăng Quang - Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Du lịch khoáng nóng Nha Trang Seafoods-F17 (thuộc Khu du lịch Suối khoáng nóng cao cấp Nha Trang I-resort) cho biết, tình hình khách du lịch lưu trú tại resort giảm đi nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 dù đơn vị đã thực hiện nhiều chính sách kích cầu, khuyến mãi và giảm giá dịch vụ cho khách hàng. Hiện, công suất phòng chỉ đạt tầm 30% và có xu hướng giảm tiếp. Tình trạng này không chỉ của riêng resort mà hầu hết các khách sạn trên địa bàn TP Nha Trang đều như vậy.

Sàn giao dịch BĐS Khánh Hòa cũng gần như tê liệt. Bởi, ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài khiến các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án. Cụ thể, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, còn lại đều hoạt động cầm chừng. Tỷ lệ người lao động mất việc, tạm ngừng công việc hoặc làm việc cầm chừng trong lĩnh vực BĐS tương đối lớn.

Số lượng DN được thành lập mới tăng thấp nhất trong cùng kỳ giai đoạn 2015 - 2019. Trong đó, số lượng DN BĐS thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngưng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019 - tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong các ngành nghề. Ngoài ra, số lượng, giá trị sản phẩm BĐS tồn kho tăng…

Một số người am hiểu thị trường BĐS ở Khánh Hòa cho rằng, sự trầm lắng về giao dịch BĐS đã kéo dài từ 2 năm trở lại đây. Hiện nay, tại TP Nha Trang, nhiều dự án chưa được cấp phép do đang vướng đến đấu thầu, định giá đất nên chính quyền phải đợi chỉ thị của các bộ, ngành. Điều này khiến Nha Trang khan hiếm sản phẩm mới, khách hàng và nhà đầu tư ít quan tâm vì phải lo chống dịch.

Bên cạnh đó, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ đầu năm 2020 đã kiểm soát chặt tín dụng BĐS theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay… Những yếu tố đó khiến thị trường BĐS trầm lắng.

Bà Vũ Diệu Linh - Giám đốc một công ty BĐS tại Nha Trang thẳng thắn nhìn nhận, chỉ DN kích cầu thị trường BĐS thôi thì chưa đủ sức vượt qua khó khăn mà cần có vai trò của các cơ quan ban ngành, thông qua các chính sách hỗ trợ cho DN. Nếu DN được tháo gỡ một số vấn đề về thủ tục pháp lý, vướng mắc trong thời gian qua thì sẽ cải thiện được khó khăn hiện nay. Điều này phụ thuộc vào cơ quan quản lý của các bộ, ngành liên quan. Nếu không sớm giải quyết, DN sẽ gặp nhiều khó khăn và không trụ nổi trên thị trường BĐS.

Cần những giải pháp quyết liệt hơn

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng đã ký văn bản số 3867 về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.  

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Ban Quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về việc thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NƠXH.
 Chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NƠXH. 

Ông Hoàng nhấn mạnh, phải xác định phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ chính trị. Trong đó, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển NƠXH. 

Giải pháp về đẩy mạnh phát triển NƠXH nhằm hoàn thành cơ bản mục tiêu về phát triển NƠXH được đề ra trong chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, nghiên cứu Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS, đảm bảo an sinh xã hội để chủ động triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Theo thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, nhu cầu về NƠXH trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2016 - 2020 là 14.386 căn. Đến nay, đã có 4 dự án NƠXH đi vào hoạt động với khoảng 1.000 căn hộ được bàn giao cho người dân, gồm: chung cư An Thịnh, chung cư An Bình, chung cư Đường Sắt, chung cư Bình Phú 2.

Một số dự án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện như: NƠXH HQC Nha Trang với khoảng 1.000 căn, chung cư PH khoảng 1.000 căn, dự án NƠXH Phước Long, NƠXH Khu đô thị VCN Phước Long 2, NƠXH Khu đô thị Lê Hồng Phong 1.

Thế nhưng, theo một số chuyên gia BĐS Việt Nam, đối với thị trường BĐS Khánh Hòa, cần có những phải giáp quyết liệt hơn như tung ra các dự án có những chính sách ưu đãi thu hút người mua. Chính sách này đảm bảo thời gian thanh toán kéo dài, hỗ trợ lãi suất vay, tăng chiết khấu, chia sẻ lợi nhuận. Có như vậy người mua mới có thể đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn.

Thêm vào đó, gói tín dụng 250 nghìn tỷ sẽ được đưa ra để đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, một loạt các chính sách đã được tung ra cho DN và người dân, tạo động lực cho thị trường BĐS vượt qua khó khăn. Cùng với đó, cần sớm hỗ trợ các DN hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án BĐS đang còn vướng mắt trên địa bàn tỉnh. 

Đọc thêm