Khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung tại Dự án tòa nhà Citilight

(PLVN) - Đại diện các nhà đầu tư góp vốn vào dự án tòa nhà Citilight (45 Võ Thị Sáu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) cho rằng, dự án thuộc quyền sở hữu chung của 68 nhà đầu tư và Vimedimex, tuy nhiên, phía Vimedimex lại không đồng ý quan điểm này. Do không tìm được tiếng nói chung, phía các nhà đầu tư đã khiếu nại, căng băng rôn tòa nhà Citilight yêu cầu phía Vimedimex phải trả tiền thuê văn phòng.
Khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung tại Dự án tòa nhà Citilight

Trước phản hồi của một số nhà đầu tư góp vốn vào dự án tòa nhà Citilight tới Báo Pháp luật Việt Nam về thông tin mà Công ty Vimedimex lên tiếng về quyền sở hữu của các chủ đầu tư tại Tòa nhà 45 Võ Thị Sáu, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư để thông tin đa chiều về vấn đề này. 

68 nhà đầu tư góp vốn xây dựng tòa nhà

Theo đại diện các nhà đầu tư vào tòa nhà Citilight, khu đất xây dựng dự án trước đây thuộc quyền sử dụng của Xí nghiệp dược phẩn Trung ương 24 - thành viên của Tổng Công ty Dược Việt Nam (sau khi cổ phần được đổi tên thành Công ty cổ phần hóa - dược phẩm MEKOPHAR). Sau đó, khu đất này được chuyển giao cho Công ty xuất nhập khẩu y tế II (sau khi cổ phần hóa đổi tên thành Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex II).

Cũng theo trình bày của các nhà đầu tư, khi nhận bàn giao khu đất, Vimedimex phải bồi thường tiền giải phóng mặt bằng cho MEKOPHAR khoảng 11 tỷ đồng, số tiền này được tính vào tổng chi phí đầu tư xây dựng tòa nhà Citilight. 

Về quá trình góp vốn đầu tư xây dựng, khai thác tòa nhà Citilight, đại diện các nhà đầu thông tin, ban đầu, do rất khó khăn về vốn để đầu tư tòa nhà, Vimedimex đã tổ chức huy động vốn từ một số cá nhân và tổ chức (nhà đầu tư) bằng Hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng và khai thác Tòa nhà Citilight với đơn giá 7.857.143 đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại, có 68 nhà đầu tư cùng với Vimedimex đầu tư khai thác tòa nhà Citilight.

Năm 2008, tòa nhà Citilight đi vào khai thác sử dụng. Khi khánh thành, Vimedimex làm thủ tục bàn giao diện tích cho từng nhà đầu tư theo Hợp đồng góp vốn.

“Các nhà đầu tư trả tiền cho Vimedimex cho từng diện tích theo đơn giá 7.875.143 đồng/m2 nên bản chất của Hợp đồng góp vốn này là mua diện tích văn phòng (tài sản) hình thành trong tương lai” - một nhà đầu tư cho biết.

Cũng theo các nhà đầu tư, câu chuyện hợp tác kinh doanh giữa hai bên (các nhà đầu tư và Vimedimex) diễn ra bình thường trong nhiều năm cho tới thời điểm cuối 2019, khi Vimedimex có quyết định dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư. “Hành vi đơn phương của Vimedimex đã vi phạm hợp đồng đã ký với các nhà đầu tư. Hiện nay, một số nhà đầu tư đã gửi đơn kiện tới Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM để đòi tiền thuê văn phòng” – đại diện nhà đầu tư nói. 

Đặc biệt, về vấn đề xác định quyền sở hữu tòa nhà, các nhà đầu tư cho rằng, kể từ năm 2008, Vimedimex đã ký Hợp đồng thuê văn phòng với từng nhà đầu tư, tức đã xác định quyền sở hữu tài sản cho từng nhà đầu tư.

“Hàng năm, trên cơ sở thông báo tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan thuế, Vimedimex đã phân bổ cho từng nhà đầu tư theo diện tích sở hữu của họ (các chi phí chung của tòa nhà Citilight cũng được phân bổ cho từng nhà đầu tư theo diện tích sở hữu). Như vậy, khu đất xây dựng Tòa nhà Citilight thuộc quyền sử dụng chung, tòa nhà Citilight thuộc quyền sở hữu chung của 68 nhà đầu tư và Vimedimex” – đại diện nhà đầu tư phân tích.

Tuy nhiên, ngày 17/11/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp sổ đỏ cho Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex. Như vậy có thể hiểu rằng quyền sở dụng đất và toàn bộ Tòa nhà Citilight gắn liền với khu đất là sở hữu riêng của Vimedimex. 

Các nhà đầu tư cho rằng, sổ đỏ này được cấp không phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và đã tước đi quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các nhà đầu tư. Do đó, một số nhà đầu tư đã gửi đơn khiếu nại tới Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề nghị thu hồi sổ đỏ này để thực hiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai từ tháng 3/2020 nhưng đến nay chưa được giải quyết.

“Tiền đầu tư vào tòa nhà Citilight là tiền tiết kiệm, dành dụm của các nhà đầu tư, phần lớn là cán bộ, công chức, giáo viên. Nhiều người đã nghỉ hưu. Chúng tôi không thể chấp nhận việc tước đi quyền sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư” – vị đại diện nhà đầu tư nhấn mạnh.

Các bên cần ngồi lại tìm tiếng nói chung

Theo thông tin trả lời báo chí, đại diện Vimedimex luôn khẳng định tư cách sở hữu của Công ty đối với toà nhà Citilight. Theo đó, thừa nhận “một số chủ thể đã góp vốn để xây dựng toà nhà và được hưởng lợi nhuận khai thác trên một diện tích thương mại khi toà nhà được xây dựng xong”, song Vimedimex cho rằng, các hoạt động này không thể là căn cứ để phát sinh quyền sở hữu của các chủ thể góp vốn đối với các diện tích thương mại tại toà nhà vì đó là hành vi hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Viện dẫn quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003, phía Vimedimex một mực cho rằng: “Các chủ thể góp vốn xây dựng và khai thác Toà nhà Citilight không thể căn cứ trên hợp đồng góp vốn, hợp tác để xác lập quyền sở hữu cá nhân, thay đổi hình thức sở hữu của toà nhà Citilight”. 

Về việc tạm dừng chi trả tiền cho các nhà đầu tư, Vimedimex giải thích: “Vừa qua, Vimedimex II đã tiến hành rà soát hồ sơ pháp lý liên quan đến việc góp vốn xây dựng và khai thác diện tích thương mại của Toà nhà Citilight và phát hiện thấy các hoạt động này đang tồn tại nhiều vấn đề cần xem xét và làm rõ về tính hiệu lực và sự phù hợp với quy định của pháp luật.

Do đó, để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại, cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể, Vimedimex đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong đó, có việc tạm dừng các hoạt động liên quan đến việc thanh toán tiền thuê diện tích thương mại tại toà nhà Citilight cũng như các hoạt động khác có liên quan và phát sinh từ quá trình góp vốn xây dựng toà nhà. Vimedimex cũng đã có văn bản gửi các chủ thể có liên quan về việc này. 

Vimedimex cũng cho rằng, hoạt động kiểm toán toà nhà Citilight đang được tiến hành công khai, minh bạch, hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật và Công ty luôn thực hiện và tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật trong toàn bộ các hoạt động của mình.

Liên quan đến vấn đề này, một luật sư cho rằng, để giải quyết sự việc phát sinh tại tòa nhà Citilight, các bên liên quan cần căn cứ trên các văn bản, giấy tờ đã ký kết để cùng ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận để đi đến thống nhất giải quyết các mâu thuẫn. “Trường hợp không thể giải quyết thông qua thương lượng, các bên có thể khởi kiện ra tòa để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật” - vị luật sư nói.

Đọc thêm