Người dân lo lắng trước quyết định thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước

(PLVN) - Theo bản án hình sự phúc thẩm ngày 12/5 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiến thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng). Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ việc thu hồi này sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Người dân lo lắng trước quyết định thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước

Người dân sẽ rơi vào khó khăn với bản án của tòa

Dư án Khu đô thị quốc tế Đa Phước được triển khai xây dựng vào năm 2016, có tổng diện tích là 29ha do Công ty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước  làm chủ đầu tư. 

Theo thiết kế, khu đô thị này sẽ được triển khai xây dựng nhà liền kề thương mại và chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Tới thời điểm này đã chuyển nhượng 189 lô đất biệt thự diện tích 16.630m2 cho 189 khách hàng với tổng giá trị giao dịch là hơn 1.280 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, do liên quan đến vụ án của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) nên dự án này được tòa án yêu cầu UBND TP Đà Nẵng thu hồi mặc dù rất nhiều khách hàng đặt mua nhà thuộc dư án này đã chuyển vào ở.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/5/2020,  các khách hàng mua nhà cho biết hiện khu trong khu dân cư đã hoàn thiện, đã có đường điện, nước sinh hoạt, chỉ còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà thì chưa cấp thì xảy ra vụ án.

Ông Võ Ngọc Châu, một người mua nhà ở khu đô thị này cho, nếu thu hồi dự án thì quyền lợi của ông và các ngân hàng cho vay chịu ảnh hưởng rất lớn. Ông đã mua lại phần vốn góp trong Công ty một cách bình thường, không có gì khuất tất, giao dịch đã xong và công ty tiến hành đầu tư dự án.

Theo Tòa án, việc thu hồi này xuất phát từ các văn bản của 2 ngân hàng đã cho vay hàng trăm tỷ đồng ở dự án là Vietinbank và Agribank. Văn bản đề nghị Tòa án xem xét nội dung thu hồi dự án vì quyền lợi của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Vấn đề thu hồi hay không thu hồi Khu 29 ha trong dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã được trở đi trở lại nhiều lần trong vụ án này.

Bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên yêu cầu UBND TP Đà Nẵng và các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân tại Khu đất 29 ha...

Nhưng sau đó Tòa có thông báo sửa chữa bổ sung bản án, sửa nội dung thành: Giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho công dân tại Khu đất 29 ha Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.

Công ty Nhà Đa Phước đã kháng cáo cho rằng Công ty là bên thứ 3 ngay tình, cần được công nhận quyền sử dụng đối với khu đất 29 ha nêu trên dù cho việc chuyển dịch tài sản giữa UBND thành phố Đà Nẵng với Công ty Xây dựng 79 có hợp pháp hay không. Do đó, Công ty đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm hủy Thông báo số 01/2020/TB-TA về việc sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 20/2020/HS-ST.

Như vậy, với quyết định bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng, bản án đã đẩy nhiều người dân mua nhà ở Khu đô thị quốc tế Đa Phước sẽ rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Người dân lo lắng trước quyết định thu hồi dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước

Khu đô thị quốc tế Đa Phước

Đà Nẵng gặp khó khi thực hiện quyết định thu hồi

Theo bản án hình sự phúc thẩm ngày 12/5 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiến hành thu hồi khu đất 29ha thuộc dự án Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này.

Tuy nhiên, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã chuyển nhượng nhà cho người dân vào ở trong dự án, do vậy khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trong khu đất. 

Sau khi thu hồi, việc giao lại đất cho các hộ dân là không thực hiện được do không giao trực tiếp được mà phải thông qua đấu giá. 

Trong khi đó, phán quyết của tòa án là phải thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này, nên việc này rất khó thực hiện trên thực tế.

Ngoài ra, việc thu hồi đất sẽ gây ra tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Hậu quả về mặt ổn định chính trị, an sinh xã hội trên địa bàn thành phố là "khó dự đoán được".

Về tài sản đã đầu tư trên đất: Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước đã đầu tư rất lớn vào dự án. 

Theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, việc thu hồi dự án là thu hồi toàn bộ khu đất và phải thực hiện đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư, do đó ngân sách cần số tiền rất lớn để đền bù về tài sản hợp pháp của chủ đầu tư.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Phát triển Nhà Đa Phước đã vay của Vietcombank và SHB số tiền lên đến hơn 1.500 tỉ đồng để phát triển dự án, và thế chấp bằng quyền sử dụng đất khu đất 29ha. 

Khi toàn bộ quyền sử dụng đất bị thu hồi, Công ty Phát triển Nhà Đa Phước sẽ bị phá sản. Các khoản nợ ngân hàng trên sẽ trở thành nợ xấu, không có khả năng thu hồi và sẽ tác động lớn đến xã hội, gây ra nhiều hậu quả khó lường.

Chính vì thế, UBND TP Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với những nội dung vướng mắc về thu hồi đối với khu đất 29ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước theo bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Đọc thêm