Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội: “Cán bộ có biểu hiện làm ngơ, bao che”

(PLVN) - Xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay hợp thức hóa vi phạm trên đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định như vậy tại phiên giải trình về quản lý trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức sáng 25/3.
Một số công trình vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn
Một số công trình vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn

Nhiều cán bộ bị xử lý

Tại phiên giải trình, các đại biểu (ĐB) ghi nhận sự vào cuộc tích cực của TP trong công tác xử lý vi phạm TTXD. Tuy nhiên, các ĐB cũng cho rằng vẫn còn tồn tại các công trình xây dựng sai phép, gây thiệt hại chung cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. ĐB Trần Thị Vân Hoa (Tây Hồ) đề nghị Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong quản lý khi vẫn còn tồn tại các công trình nhà ở xây dựng sai phép, vượt tầng, sai kiến trúc chưa được xử lý. 

Tương tự, ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) đề nghị các Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch phường Mai Động (quận Hoàng Mai) và các Đội trưởng Đội quản lý TTXD của quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai cho biết trách nhiệm khi chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm TTXD trên địa bàn… 

Trả lời các ĐB, các Đội trưởng Đội TTXD và Chủ tịch UBND các phường, xã nhận thiếu sót và cam kết xử lý dứt điểm các công trình vi phạm. Về vấn đề thanh tra công vụ trong quản lý TTXD, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, trong năm 2018 đoàn kiểm tra công vụ đã kiểm tra 45 vụ việc liên quan đến công tác quản lý TTXD trên địa bàn TP theo các văn bản chỉ đạo của UBND TP và dư luận xã hội, qua đó đã phát hiện và xử lý trách nhiệm nhiều vi phạm. 

Trong đó, riêng năm 2018, Sở Xây dựng đã xử lý kỷ luật theo thẩm quyền 28 trường hợp công chức thanh tra xây dựng. UBND các quận, huyện cũng đã xử lý theo thẩm quyền 41 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức. Trong số 20 Chủ tịch quận, huyện bị xử lý có 1 người bị cách chức, 6 cảnh cáo và 13 khiển trách. Trong 11 Phó Chủ tịch có 1 người bị cách chức, cảnh cáo 2 người, khiển trách 8 người. 

Cương quyết xử lý công trình vi phạm 

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, tình trạng vi phạm TTXD ở các dự án; cá nhân, hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp; phát sinh nhà siêu mỏng siêu méo trong quá trình mở đường; vi phạm quản lý đất rừng... trên địa bàn TP diễn ra trong thời gian dài, có nhiều công trình gây bức xúc cho cử tri. Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, Thành ủy đã có chỉ thị, UBND TP cũng ban hành các quy định, lộ trình cụ thể. 

Theo Chủ tịch Hà Nội, TP xác định nguyên nhân chính là việc phát hiện sai phạm ở cơ sở không kịp thời, có nơi cán bộ có biểu hiện làm ngơ, bao che dẫn đến công trình đã sai ở quy mô lớn mới phát hiện.

Trước thực trạng đó, TP đã báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sắp xếp lại, giao Đội thanh tra TTXD cho quận, huyện quản lý; TP cũng tổ chức các đoàn thanh tra công vụ với các vụ việc cũng như tiếp nhận thông tin từ cử tri, cơ quan báo chí. Các kết luận thanh tra được TP triển khai nhanh chóng. TP cũng rà soát, thống kê tất cả vi phạm còn tồn tại, yêu cầu các phường, xã phải khắc phục nhưng vẫn còn công trình vi phạm nghiêm trọng. Chủ tịch UBND TP thẳng thắn chỉ ra rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền các cấp, trong đó có trách nhiệm của UBND TP và Chủ tịch UBND TP. 

Để khắc phục các tồn tại, theo ông Chung, TP đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận của Thanh tra các cấp. Với chủ đầu tư các dự án vi phạm, nếu không khắc phục, TP sẽ không cấp phép, xem xét chủ trương đầu tư dự án mới. Về công trình vi phạm tồn tại lâu, nhức nhối, Chủ tịch UBND TP khẳng định sẽ cương quyết xử lý, không châm trước. 

Với các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, TP đã chỉ đạo quyết liệt nhưng tình trạng còn diễn biến phức tạp do một số người dân tự ý xây dựng. Theo Chủ tịch UBND TP, để xảy ra vi phạm là do buông lỏng quản lý từ cấp cơ sở, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra của TP cũng chưa kịp thời. Qua thanh, kiểm tra, trong 3 năm qua, đã có 98 cán bộ liên quan đến Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường đã bị kỷ luật và cách chức và nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý. “Có một số vụ thanh tra đã chuyển công an xử lý. Theo báo cáo ban đầu của cơ quan điều tra Công an TP, có những vi phạm có dấu hiệu tội phạm liên quan đến làm giả giấy tờ, “sổ đỏ”, hợp pháp hóa cho việc xây dựng. Quan điểm của TP là phải làm rõ, xử lý nghiêm tất cả những trường hợp dung túng, bao che, hợp pháp hóa làm “sổ đỏ” để hợp thức hóa vi phạm trên đất nông nghiệp”, ông Chung nhấn mạnh. 

TP cũng đề xuất có chế tài xử lý không những với cá nhân là chủ công trình mà còn cả với chủ thầu xây dựng, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực xây dựng. Theo Chủ tịch UBND TP, hiện đã có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu là Bí thư, Chủ tịch UBND các phường, xã nhưng sự vào cuộc ở cơ sở chưa quyết liệt, vì vậy cần sự giám sát chặt chẽ hơn của cấp ủy, HĐND các cấp. UBND TP Hà Nội cho biết, hiện 21 công trình vi phạm TTXD theo kết luận thanh tra đang tiếp tục được xử lý, trong đó có 10 công trình vi phạm của các cá nhân, công ty đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. 

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, 80 công trình vi phạm cũ của 7 quận, huyện đến nay chưa có nhúc nhích. Nguyên nhân là do Chủ tịch một số quận, huyện, xã phường buông lỏng quản lý, làm chưa nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với thanh tra xây dựng, theo Chủ tịch HĐND TP đã qua 3 lần chuyển đổi mô hình nhưng làm chưa hết trách nhiệm. 

Đọc thêm