Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND: Đại biểu phải là người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 phải thực hiện dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 phải thực hiện dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.

Sáng 10/2, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2011-2016 đã khai mạc.

Chuẩn bị tốt công tác nhân sự và phát huy dân chủ

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch Hội đồng bầu cử; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Tòng Thị Phóng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Huỳnh Đảm, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tiếp theo thành công của Đại hội lần thứ XI của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là sự kiện trọng đại của năm 2011. Cuộc bầu cử được triển khai, chuẩn bị và tiến hành ngay sau khi kết thúc thắng lợi Đại hội XI của Đảng rất có ý nghĩa với nhiều thuận lợi cơ bản.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đây là dịp để nhân dân cả nước phát huy quyền làm chủ, sáng suốt lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu, đủ đức đủ tài, xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ chính trị và các văn bản liên quan trong công tác bầu cử.

Ảnh Chinhphu.vn

Ảnh Chinhphu.vn

Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “phải coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn xã hội, qua đó phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao hơn nữa nhận thức về quyền, nghĩa vụ chính trị, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, trên cơ sở quy định của pháp luật, lãnh đạo tốt công tác chuẩn bị nhân sự, gắn với kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ, để lựa chọn và giới thiệu người ra ứng cử, tổ chức tốt các hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ta ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, chú trọng mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu.

Trên cơ sở tiêu chuẩn mà xác định cơ cấu thích hợp, bảo đảm tính đại diện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc, người được giới thiệu ứng cử phải hội đủ phẩm chất, năng lực trình độ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Bên cạnh đó, cần lãnh đạo tốt để người ứng cử tiếp xúc với cử tri, trình bày chương trình hành động của mình nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đây không chỉ là công việc của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức phụ trách bầu cử, mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể.

Điều quan trọng là phải bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, kiên quyết ngăn chặn lợi dụng dân chủ để làm trái đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ảnh Chinhphu.vn

Ảnh Chinhphu.vn

Đại biểu phải là người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng

Thay mặt Hội đồng Bầu cử, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Tòng Thị Phóng đã quán triệt Chỉ thị số 50/CT-TW của Bộ Chính trị về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ, cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những yêu cầu như lãnh đạo tốt công tác nhân sự và phát huy dân chủ, đại biểu phải là người liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực...

Giới thiệu kế hoạch triển khai cuộc bầu cử, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết, Hội đồng Bầu cử thành lập 3 tiểu ban giúp việc, gồm Tiểu ban chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, Tiểu ban Tuyên truyền và Tiểu ban bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành 3 vòng hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp và thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra cuộc bầu cử.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Trần Văn Tuấn đã phổ biến Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016...

Ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử gửi đến.

Ngày 12/5, Hội đồng Bầu cử và Ủy ban Bầu cử ngưng xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử.

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp vào Chủ nhật, 22/5/2011.

(Chính phủ)

Đọc thêm