"Bầu sô" chuyên “treo đầu dê bán thịt chó” phải hầu kiện?

Ở tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, thì tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên là cấu thành tội phạm. Khán giả và cả nghệ sỹ bị lợi dụng, do đó có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án buộc bầu sô và những đồng phạm trả lại cho mình những thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Chương trình biểu diễn được quảng cáo rầm rộ với các sao hàng đầu, đông đảo người dân mua vé đi xem, nhưng chờ mỏi cổ đến cuối chương trình, chỉ thấy một "sao" hạng B ra hát. Người dân nổi giận, đập phá đạo cụ, rượt đuổi ban tổ chức, bắt ca sĩ giao cho công an... Đó là một trong những chuyện bi hài của sô ca nhạc ở các tỉnh gần đây.

Người dân nổi giận, "sao" bức xúc vì bị lừa

Chuyện xảy ra vào cuối tháng 5 ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trên các biển quảng cáo cho liveshow mang tên "Teen vọng cổ" của ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim sẽ có sự xuất hiện của tên tuổi các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng như Minh Hằng, Bảo Thy, Nguyễn Phi Hùng... và Vĩnh Thuyên Kim, diễn ra tại một nhà hàng lớn ở trung tâm thị trấn. Đông đảo người dân Hà Lam mua vé đi xem liveshow này (với giá 50.000 đồng/vé).

Các tỉnh vùng sâu, vùng xa thường là nơi nhiều "bầu sô" tổ chức chương trình với mục đích lừa đảo, kiếm tiền.

Tuy nhiên, bao nhiêu kỳ vọng được “mắt thấy tai nghe” những “thần tượng” của mình đã “tan thành mây khói”. Khán giả chờ mỏi cổ chẳng thấy "sao" nào xuất hiện như đã quảng cáo rình rang, mãi đến gần cuối chương trình mới thấy Vĩnh Thuyên Kim xuất hiện.

Tức giận, cho rằng bị lừa, người dân đã bao vây nhà hàng, bắt các thành viên đoàn, trong đó có cả ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim để giao cho công an xử lý. Huỳnh Kim Thành, "ông bầu" của liveshow dù nhanh chân chạy sang huyện kế bên, nhưng cũng đã bị cơ quan công an huyện này tạm giữ.

Trước đó, ngày 27/5, "ông bầu" này đã cùng một người khác ở huyện Thăng Bình xin giấy phép tổ chức chương trình “Trình diễn ca nhạc, thời trang” gây “thảm hoạ” như trên.

Trước đó, vào cuối năm 2012, một chương trình ca nhạc tạp kĩ mang tên hoành tráng “Chúc mừng năm mới 2013 - Đỉnh cao âm nhạc - Giải trí Việt xuyên đất Việt” cũng đã khiến gần 2.000 người dân tỉnh Bến Tre ăn “quả lừa”.

Chương trình do Công ty TNHH Biểu diễn nghệ thuật Thanh Phong đứng tổ chức, quảng cáo rầm rộ với các ngôi sao nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng, danh hài Hoài Linh, Cẩm Ly và nhiều ca sĩ, nhóm hài có tiếng khác.

Gần 2.000 người dân tỉnh Bến Tre đã mua vé với giá 80.000 đồng/vé để háo hức đi xem, trong đó, có rất nhiều người lặn lội từ các huyện xa vài chục cây số. Tuy nhiên, khi chương trình diễn ra được một lát, thì ban tổ chức thông báo là các ca sĩ... bận đột xuất, hẹn hôm sau và đưa ra thay thế là các ca sĩ không tên tuổi, hát như "dân không chuyên".

Phẫn nộ, hàng ngàn người dân đã xông đến đập phá các đạo cụ, nhiều người cũng tận dụng cơ hội “hôi của” để gỡ gạc tiền vé. Khổ sở nhất là đối tác của Công ty Thanh Phong, người cung cấp dàn âm thanh ánh sáng, tiền chưa được thanh toán hết mà lại bị dân hiểu lầm là “đồng phạm”, đập phá, tịch thu hết dụng cụ trị giá vài trăm triệu đồng...

Có thể nói, chuyện những bầu sô tổ chức biểu diễn “treo đầu dê bán thịt chó”, khiến người dân "vào tròng" không hiếm, hầu như năm nào cũng có. Và các buổi diễn này cũng hầu hết diễn ra ở tỉnh lẻ, vùng quê, nơi mà người dân không có những phòng trà, tụ điểm ca nhạc, sân khấu... để lựa chọn và mỗi một đêm diễn có các ngôi sao nổi tiếng như là một món ăn tinh thần không thể bỏ qua.

Thế nhưng, trước đây, sau khi mua vé và phát hiện bị lừa, người dân chỉ biết ráng ngồi xem “chịu trận” hoặc tức giận la ó, chuyện “làm dữ” như trên khá hiếm, thế nên các "bầu sô" “quen ăn bén mùi” vẫn coi đây là một kiểu kiếm tiền rất dễ dàng.

Ngoài việc quảng cáo các ngôi sao nổi tiếng rồi... cáo lỗi, một “chiêu” khác thường được các bầu sô sử dụng là “lập lờ đánh lận”. Băng rôn quảng cáo có ca sĩ Đan Trường thì ra sân khấu sẽ là... Đoan Trường, Đam Trường. Quảng cáo Cẩm Ly thì đến khi hát lại là ca sĩ... Cẩm Lynh lạ hơ lạ hoắc. Quảng cáo ca sĩ Thuỷ Tiên, Thanh Thảo thì cũng có Thuỷ Tiên, Thanh Thảo ra hát, nhưng là “Thuỷ Tiên”, “Thanh Thảo” nào đó, xuất thân từ các ban nhạc... hội chợ. Người dân la ó thì ban tổ chức “nại” rằng do người dân hiểu sai chứ họ đâu có ý lừa.

Có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Tương tự trường hợp của Vĩnh Thuyên Kim, ca sĩ N.T., một ngôi sao “hạng vừa” ở TP HCM kể một kinh nghiệm “hú vía” của mình trong một lần lưu diễn ở Tiền Giang: "Tôi được mời, được trả cát xê, thấy phù hợp thì nhận lời đến diễn. Ai ngờ, sau khi diễn xong ở một phòng trà Sài Gòn, tôi tất tả lái xe chạy xuống, vừa ra sân khấu thì tự dưng thấy khán giả la ó, chửi bới đòi Mỹ Tâm, Đan Trường ra hát".

Mỹ Tâm là một trong các ngôi sao thường xuyên bị các bầu sô mượn danh để trục lợi.

Họ ném cả dép, trái cây, chai nước lên sân khấu khiến tôi vội vã ra sau sân khấu và lái một mạch về Sài Gòn luôn, sau đó mấy tháng hết dám đi tỉnh diễn vì quá sợ... Còn ca sĩ nổi tiếng T.T. thì bức xúc: "Có lần tôi đi diễn tỉnh, thấy người dân đi xem khá vắng. Hỏi ra mới biết trước đó vài tháng một bầu đã lấy tên tôi quảng cáo cho chương trình ca nhạc của mình, nhưng tôi không hề được biết, lần đó người dân tức giận vì cho là bị lừa, nên đến lần này tôi đi “diễn thật” người dân lại không tin, không thèm đi xem.

Tôi và các đồng nghiệp của mình nhiều lúc đi tỉnh diễn cũng buồn lắm, vì nghe mọi người phản ánh là mình bị mượn tên cho chương trình này, nọ, nhiều người dân còn hiểu lầm chúng tôi “cùng một duộc” với ban tổ chức...".

Có thể nói, chuyện bị “mượn tên để lừa khán giả” không lạ với các ca sĩ, ngôi sao đang nổi hiện nay. Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Thanh Thảo, Lam Trường... đều từng chia sẻ nỗi buồn phiền khi biết tên mình xuất hiện trên băng rôn của các chương trình biểu diễn ở địa phương mà mình không hề tham gia.

Các “sao” có thể làm gì để bảo vệ danh dự, hoặc đòi lại công bằng trong trường hợp bị các bầu mượn tên tuổi để kinh doanh bất chính kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”?. Về vấn đề này, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết: Hiện nay, nghệ danh chưa được pháp luật quy định đăng ký bảo hộ nên việc bầu sô lấy nghệ danh trùng với những nghệ sỹ nổi tiếng rồi đưa những người không nổi tiếng trùng tên biểu diễn thì cũng khó để xử lý.

Nhưng nếu lấy nghệ danh và cả hình ảnh để quảng cáo, sau đó không có nghệ sỹ đó biểu diễn và cũng không có sự hợp tác nào với nghệ sỹ bị đem quảng cáo đó thì có dấu hiệu vi phạm. Nếu nghiêm trọng như vụ việc trên thì có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì có biểu hiện dùng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tài sản (tiền mua vé của khách).

Còn những khán giả mua vé đi xem những buổi biểu diễn “lừa đảo” kiểu như trên, thì không hẳn giá vé chỉ vài chục ngàn thì không làm gì được bầu sô. Mỗi người bị lừa không nhiều tiền nhưng số tiền mà bầu sô thu lại không phải là ít.

Ở tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, thì tài sản bị chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên là cấu thành tội phạm. Khán giả và cả nghệ sỹ bị lợi dụng, do đó có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án buộc bầu sô và những đồng phạm trả lại cho mình những thiệt hại về vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, để khởi kiện thì người khởi kiện phải tìm ra nơi cư trú của bị đơn, đi lại rất nhiều lần và phải cung cấp chứng cứ chứng minh trong khi số tiền lấy lại không lớn. Chính điều này đã làm cho họ không muốn đi kiện.

Về phía các cơ quan quản lý, theo nhận định của Luật sư Hiệp, thời gian qua đã có sự buông lỏng trong khâu “cấp phép”: Cơ quan có thẩm quyền nên ban hành văn bản quy định chặt chẽ hơn. Các nhà quản lý nên yêu cầu nhà tổ chức biểu diễn cung cấp văn bản chứng minh có sự hợp tác giữa nhà tổ chức với những nghệ sỹ biểu diễn. Có như vậy phần nào hạn chế được việc “treo đầu dê bán thịt chó”.

Mặc dù nó chỉ ảnh hưởng về lòng tin, tinh thần của khán giả và chỉ là tài sản ít của mỗi người nhưng cơ quan công an nên quan tâm và xử lý nghiêm vì nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu và làm mất ổn định xã hội.

Ngọc Mai

Đọc thêm