Chiều ngày 13/9/2021, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh làm Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp trên.
Báo cáo trước Hội đồng, Chủ nhiệm nhiệm vụ, Th.S Nguyễn Sơn Lâm – Viện KHCN Xây dựng cho biết, nội dung nhiệm vụ được giao bao gồm biên soạn 02 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN):
Một là, TCVN…2: 2021 (ISO/TR52000-2:2017) – Hiệu quả năng lượng của tòa nhà – Đánh giá hiệu quả năng lượng tổng thể của tòa nhà – Phần 2: Giải thích và minh chứng cho TCVN…-1:2017 (ISO52000-1)
Hai la, TCVN….2:2021 (ISO/TR52003-2:2017) – Hiệu quả năng lượng của tòa nhà – Các chỉ số, yêu cầu, xếp hạng và giấy chứng nhận – Phần 2: Giải thích và minh chứng cho TCVN…1(ISO52003 -1).
Theo chủ nhiệm Lâm, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng, góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu được các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất quan tâm.
Báo cáo của Hội đồng doanh nghiệp thế giới và phát triển bền vững cho biết, năng lượng sử dụng trong các tòa nhà chiếm khoảng 40% tổng năng lượng sử dụng trên thế giới. Do đó, các quốc gia, vùng và các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đều đã và đang nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà (Luật, Chỉ thị, Quy chuẩn…) cùng với hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật làm công cụ hỗ trợ cho việc tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà.
Theo đó, trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng trong tòa nhà, Tổ chức ISO đã thành lập Ban Kỹ thuật chuyên ngành ISO 163, trong đó có tiểu ban SC2. Ban này cũng tiểu ban SC2 đã nghiên cứu, công bố một bộ tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng của tòa nhà (EPB).
Được biết, các tiêu chuẩn trong bộ EPB là các công cụ tin cậy trong việc xác định, đo lường và thẩm định hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà nhằm mục đích hài hòa quốc tế trong việc đánh giá hiệu quả năng lượng của tòa nhà.
Với sự hỗ trợ của Dự án EECB Bộ Xây dựng (Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam) do UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc) tài trợ, Bộ Xây dựng đã chủ trì biên soạn và được Bộ KHCN công bố 05 TCVN, cụ thể:
Thứ nhất, TCVN 13101:2020 (ISO 6946:2017) – Bộ phận và cấu kiện tòa nhà – Nhiệt trở và truyền nhiệt – Phương pháp tính toán;
Thứ hai, TCVN 13102:2020 (ISO 10211:2017) – Cầu nhiệt trong công trình xây dựng – Dòng nhiệt và nhiệt độ bề mặt – Tính toán chi tiết;
Thứ ba, TCVN 13103:2020 (ISO 10456:2017) – Vật liệu và sản phẩm xây dựng – Tính chất nhiệt ẩm – Giá trị thiết kế dạng bảng và các quy trình xác định giá trị nhiệt công bố và thiết kế;
Thứ tư, TCVN 13104:2020 (ISO 12631:2017) – Đặc trưng nhiệt của hệ vách kính – Tính toán truyền nhiệt;
Thứ năm, TCVN 13105:2020 (ISO 13789:2017) – Đặc trưng nhiệt của tòa nhà – Hệ số truyền dẫn nhiệt và truyền nhiệt thông gió – Phương pháp tính.
Bên cạnh đó, còn 04 tiêu chuẩn khác để hỗ trợ xác định, đo lường và thẩm định hiệu quả năng lượng đang chờ Tổng Cục tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thẩm định và công bố.
Để phù hợp và tiếp theo các tiêu chuẩn hỗ trợ việc đánh giá hiệu quả năng lượng trong tòa nhà đã được ban hành hoặc đang chờ công bố, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành biên soạn 02 tiêu chuẩn TCVN “Hiệu quả năng lượng của tòa nhà – Đánh giá hiệu quả năng lượng tổng thể của tòa nhà – Phần 2: Giải thích và minh chứng cho TCVN…-1:2017 (ISO52000-1)” và TCVN “Hiệu quả năng lượng của tòa nhà – Các chỉ số, yêu cầu, xếp hạng và giấy chứng nhận – Phần 2: Giải thích và minh chứng cho TCVN…1(ISO52003 -1)” theo phương pháp chuyển dịch và chấp thuận tiêu chuẩn gốc của ISO.
Trong quá trình biên soạn các dự thảo TCVN, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã nghiên cứu, rà soát các quy định, các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam liên quan đến hiệu quả năng lượng trong tòa nhà: nghiên cứu các tài liệu trong nước và nước ngoài; nghiên cứu và biên dịch 02 tiêu chuẩn gốc của ISO; tham khảo các tiêu chuẩn của Việt Nam về thống nhất thuật ngữ, định dạng văn bản… hoàn thiện các thuyết minh tiêu chuẩn; xin ý kiến và tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trước khi trình Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ.
Tại cuộc họp, Hội đồng đã nghe 02 ý kiến phản biện của các chuyên gia và ý kiến của các thành viên Hội đồng. Qua các ý kiến góp ý cho thấy, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng đều thống nhất về sự cần thiết ban hành các tiêu chuẩn này, cũng như nhất trí với việc lựa chọn sử dụng tiêu chuẩn gốc của ISO để chuyển dịch.
Bên cạnh việc đánh giá cao sự nghiêm túc của nhóm thực hiện nhiệm vụ trong việc nghiên cứu, biên dịch và hoàn thành các dự thảo tiêu chuẩn với chất lượng tốt, các chuyên gia cũng góp ý cho nhóm thực hiện một số vấn đề về thuật ngữ, văn phong cho thuần Việt hơn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Công Thịnh nhất trí với các đánh giá và ý kiến của các thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm thực hiện nhiệm vụ tiếp thu và nhanh chóng hoàn thiện dự thảo, thuyết minh các tiêu chuẩn, trình Bộ để gửi sang Bộ KHCN thẩm định và công bố.
Cuối cùng, Hội đồng đã bỏ phiếu nghiệm thu nhiệm vụ với kết quả xếp loại Khá.