Khuyến khích giao dịch bất động sản thông qua sàn
Tại Hội nghị, một trong những nội dung được Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) báo cáo xin ý kiến các đại biểu (ĐB) QH là về các giao dịch bất động sản (BĐS) thông qua sàn giao dịch BĐS. Hiện Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng bỏ quy định về các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS; bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh BĐS; đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Tham gia thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thông qua sàn giao dịch BĐS. Theo ĐB Trí, chưa thể yên tâm với tình thế hiện tại, khi BĐS có giá trị kinh tế lớn, chúng ta có một thời gian dài mua bán BĐS một cách thuận tiện, dễ dàng, nhưng cũng rất lộn xộn và khi có sự cố xảy ra thì người dân, Nhà nước dễ chịu thiệt thòi...
Vì vậy, để lành mạnh hóa thị trường này, ĐB Trí cho rằng, việc giao dịch qua sàn giao dịch BĐS là cần thiết, để bảo đảm chính thức, nghiêm túc, tin cậy và tuân thủ pháp luật. ĐB đề nghị, Dự thảo Luật cần có những quy định hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động của sàn giao dịch BĐS.
Tán thành với ý kiến của Ủy ban Kinh tế của QH, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, sàn giao dịch BĐS chủ yếu thực hiện hoạt động môi giới trung gian để bán sản phẩm, với mục đích chính là kinh doanh, lợi nhuận... nên chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch. Việc quy định giao dịch BĐS bắt buộc qua sàn là không cần thiết. Theo ĐB Hòa, Nhà nước chỉ nên quy định khuyến khích chứ không nên quy định theo hướng bắt buộc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh khẳng định, sàn giao dịch BĐS là nội dung nhận được sự ủng hộ của các ĐB; đồng thời đề nghị cần có những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng hoạt động của sàn. Về việc lộ trình giao dịch qua sàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH cho biết, nếu các sàn hoạt động tốt thì “hữu xạ tự nhiên hương”, khi đó sẽ thu hút được các bên giao dịch. Do đó, Dự thảo Luật không quy định cứng về lộ trình.
Cần làm rõ mô hình nhà lưu trú công nhân
Cũng tại phiên họp, trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), liên quan đến xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (KCN), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành xây dựng nhà lưu trú công nhân trong diện tích đất thương mại, dịch vụ của KCN như quy định của Dự thảo Luật do Chính phủ trình.
Một số ý kiến đề nghị không quy định việc xây dựng nhà lưu trú công nhân trong KCN vì không bảo đảm thống nhất với Điều 19 và Điều 77 của Luật Đầu tư. Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân cần hạn chế đưa vào KCN để bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự trong KCN.
Góp ý nội dung này, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của KCN để làm nhà lưu trú cho công nhân. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tránh phát sinh các thủ tục không cần thiết, ĐB Mạnh đề nghị, không quy định mô hình này phải có trong chương trình kế hoạch phát triển nhà ở địa phương; đồng thời không xác định đây là một loại hình nhà ở xã hội, mà chỉ là hình thức nhà lưu trú công nhân.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) lại đề nghị làm rõ, nhà lưu trú công nhân có được xem là nhà ở hay không, nếu không thì cần xem xét lại vì có thể nội dung này nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở. ĐB cho biết, nhà lưu trú công nhân chỉ bố trí cho công nhân làm việc tại KCN thuê, có nghĩa là khi còn làm việc thì còn được thuê. Trường hợp hai vợ chồng cùng làm việc trong KCN thì sẽ có con cái kèm theo, nhưng con cái không làm việc trong KCN thì có được ở nhà lưu trú công nhân hay không? Nếu không cho con cái ở cùng, có đạt được mục tiêu xã hội của chính sách hay không?...
ĐB Thủy cũng đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao chỉ giới hạn cho công nhân trong KCN mà không cho công nhân ở khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, đồng thời công nhân ngoài KCN không được thuê nhà lưu trú công nhân, chỉ được thuê, mua nhà ở xã hội, nhưng công nhân trong KCN lại có cả hai lựa chọn này.