Bức tranh Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…
Cùng với sự tăng trưởng cao của ngành Du lịch, hàng loạt các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí lớn, hiện đại đã được đầu tư xây dựng tại các khu vực ven biển. Bất động sản (BĐS) du lịch biển đang trở thành một trong những lĩnh vực đầy triển vọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng các nhà đầu tư và đơn vị quản lý kinh doanh. Theo Công ty tư vấn Savills, trong giai đoạn từ 2017 -2019 sẽ có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ khách sạn được tung ra thị trường, trong đó tập trung ở khu vực ven biển, con số này còn lớn hơn cả nguồn cung phòng khách sạn mới.
Tuy nhiên, hiện tại thị trường BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường này đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh mẽ cả về nguồn cung và thanh khoản tại hầu hết các địa phương trọng điểm phát triển du lịch và BĐS nghỉ dưỡng ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc.
Bức tranh tương tự xảy ra tại phân khúc căn hộ khách sạn (condotel), số liệu từ Công ty DKRA Việt Nam cho thấy, quý II/2018 là quý thứ 3 liên tiếp thị trường này ghi nhận sự giảm nguồn cung. Tại phân khúc condotel, trong quý II chỉ đón nhận nguồn cung từ 2 dự án, một dự án mới và một dự án mở bán giai đoạn tiếp theo với tổng số 2.100 căn hộ. Trong đó, riêng dự án ở Khánh Hòa đã cung cấp 2.000 căn với lượng tiêu thụ chiếm 63% toàn thị trường, còn lại các dự án khác, sức tiêu thụ rất khó khăn.
Chưa có khung pháp lý cho condotel
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS đang rất cần các chính sách điều tiết của Nhà nước để giữ ổn định như chính sách đất đai, thuế, tín dụng. Trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, sự thay đổi của các chính sách sẽ kích thích sự phát triển thị trường BĐS. Đặc biệt đối với mô hình condotel, hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của khách hàng và nhà đầu tư. Loại hình BĐS này vẫn chưa được pháp luật công nhận và cấp “sổ đỏ” khiến khách hàng lo ngại về rủi do khi đầu tư. “Một trong những vấn đề gây trở ngại cho sự phát triển của thị trường là các chính sách liên quan đến BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Tính tới thời điểm này, việc sở hữu condotel nghỉ dưỡng đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều và Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất, tuy nhiên kết quả vẫn chưa có sự cải thiện”, ông Hà cho biết.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, tiềm năng và cơ hội để tham gia vào BĐS du lịch ven biển là rất lớn. Kể từ năm 2015 đến nay, Bộ Xây dựng đã thẩm định sơ bộ 25.000 căn condotel, officetel. Chưa kể hàng chục nghìn căn do địa phương thẩm định. Tập trung vào Hà Nội, TP HCM, các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang…
Song theo ông Khởi, BĐS du lịch biển cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, riêng đối với loại hình BĐS condotel hiện chưa có quy định rõ ràng. Thứ hai, theo Luật Đất đai, đất ở có được sử dụng lâu dài nhưng condotel thì không? “Đó chính là lý do vì sao vừa qua, một số tranh chấp giữa chủ đầu tư với người mua, cùng với đó là một số thắc mắc của chủ đầu tư đối với cơ quan cấp “sổ đỏ”, ông Khởi nói.
Cũng theo vị này cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu trong thời gian tới sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với loại hình condotel. Đồng thời nghiên cứu ban hành văn bản về quản lý vận hành condotel, tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra về. “Dự kiến, cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 sẽ có một số văn bản phân định rõ ràng về loại hình này”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS khẳng định.