Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm Tổ trưởng. Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác số 5 kiểm tra các địa phương: Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau.
Theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021, các Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng có trách nhiệm đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, số 45/NQ-CP ngày 5/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.
Tổ công tác báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Ngày 10/12, tại trụ sở Bộ Tài chính, Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã chủ trì cuộc họp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với lãnh đạo 6 địa phương: Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau. Cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Theo báo cáo tại cuộc họp, số giải ngân vốn đến hết tháng 11 của 6 địa phương là 11.749,185 tỷ đồng, chỉ đạt 48,9% kế hoạch năm 2021. Trong đó nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 8.504,399 tỷ đồng, đạt 56,9 % kế hoạch, nguồn ngân sách Trung ương trong nước đã giải ngân 2.522,75 tỷ đồng, đạt 41,6% kế hoạch và nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 722,031 tỷ đồng, đạt 23,7 % kế hoạch. Dự kiến đến tháng 1-2022, 6 địa phương sẽ giải ngân được khoảng 78,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các địa phương khẳng định, tuy luôn xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên ngân phải chờ giao kế hoạch trung hạn và giá cả xây dựng tăng cao…
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đó, tại cuộc họp với Tổ công tác số 5, đại diện các địa phương đã kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021; đề nghị cho phép các ban quản lý dự án, hoặc đơn vị có đủ năng lực được lập, trình chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện chính sách về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã động viên quyết tâm cao trong giải ngân và thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương.
Chia sẻ với những khó khăn vướng mắc các địa phương gặp phải, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mong các địa phương phải trân trọng hơn các nguồn vốn để kích cầu kinh tế, phải xác định vốn đầu tư công là vốn mồi.
Đối với các kiến nghị, Bộ trưởng cho biết, các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết sớm, còn với các ý kiến ngoài thẩm quyền của Tổ công tác sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do đặc thù kế hoạch đầu tư công đây là năm đầu tiên phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương bị chậm.