Đó là những chia sẻ của Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà với báo chí bên lề Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN 2020.
Xây dựng ĐTTM được xác định là một trong những chiến lược phát triển của Việt Nam, ông có thể cho biết sắp tới chúng ta sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào?
- Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng chính sách của Nhà nước, quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển đô thị của Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng và tích cực. Chúng ta đã có một hệ thống đô thị quốc gia được phân bổ tương đối hợp lý. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ chất lượng sống của cư dân đô thị cũng được cải thiện rõ rệt. Các đô thị đã thể hiện được vai trò động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế các địa phương, các vùng ở cả nước.
Bên cạnh đó quá trình phát triển đô thị cũng đã bộc lộ những hạn chế bất cập lớn như phát triển chưa bền vững, chưa thực sự gắn kết với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là hiện đại hóa công nghiệp hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phát triển thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông trong đô thị cũng diễn ra thường xuyên và phức tạp…
Đây là những thách thức rất lớn mà chúng ta phải xử lý có hiệu quả trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia cũng như quy hoạch tổng thể đô thị quốc gia trong thời gian tới.
Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam sẽ theo 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh và thực hiện các dịch vụ, các tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin-cơ sở dữ liệu lớn và xây dựng một xã hội đô thị phát triển hài hòa, phát huy bảo tồn và giữ gìn được truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Trong thời gian tới chúng ta sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được xác định trong Đề án phát triển ĐTTM Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có mấy vấn đề lớn: Xây dựng nền tảng pháp lý cho phát triển ĐTTM; Xây dựng những công cụ quản lý, những định chế; Xây dựng các quy chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về quy hoạch về xây dựng công trình thông minh trong đô thị.
Chúng ta cũng sẽ xây dựng những cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương thế nào để đảm điều phối, dẫn dắt, định hướng phát triển đô thị trong cả nước một cách đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, tránh lãng phí, phân tán tài nguyên và các nguồn lực để góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 10 năm giai đoạn 2021 – 2030.
Trong phát triển ĐTTM hiện nay ở nước ta có những tồn tại gì, thưa ông?
- Trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy nhiều địa phương, đô thị cũng rất quan tâm, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng, tác dụng của phát triển ĐTTM trong Chiến lược phát triển đô thị bền vững của địa phương cũng như từng đô thị và cũng đã có những tham khảo, học tập, vận dụng kinh nghiệm quốc tế… Nhưng theo dõi chung, chúng tôi thấy còn có những cách hiểu chưa được toàn diện, thống nhất đồng bộ, nặng về một số lĩnh vực (ví dụ về công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển ĐTTM…) và chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện những hợp phần cần có để phát triển đồng bộ ĐTTM.
Trước vấn đề đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến năm 2025 chúng ta sẽ hỗ trợ, tập trung các nguồn lực và hướng dẫn để xây dựng 6 ĐTTM đại diện cho 6 vùng kinh tế và trên cơ sở đó chúng ta sẽ tổng kết, rút kinh ngiệm, nhân rộng phát triển toàn diện hệ thống ĐTTM ở Việt Nam.
Bộ Xây dựng đã tham khảo các mô hình trên thế giới như thế nào và mô hình về ĐTTM ở Việt Nam sẽ có những điểm đặc thù gì khác với các nước?
- Trong quá trình xây dựng đề án phát triển ĐTTM ở Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi có tham khảo rất nhiều kinh nghiệm của những nước đã phát triển và nước đang phát triển, những nước có thành tựu rất lớn trong việc phát triển ĐTTM, cũng như những nghiên cứu và xu hướng, định hướng của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển ĐTTM.
Trên cơ sở đó để chúng ta sẽ chọn lọc, tiếp thu được những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tế phát triển của đất nước nhưng cũng phải mang bản sắc của Việt Nam. Tuy nhiên, có một số vấn đề sau.
Thứ nhất, hiện vẫn chưa có khái niệm nào đề cập tới lĩnh vực quy hoạch và xây dựng các thành phố đô thị một cách thông minh. Chúng tôi cho rằng đây là nền tảng rất căn cốt, phải trên một cái nền tảng đô thị có sẵn và hiện hữu thì chúng ta mới có thể tiến hành thực hiện các giải pháp thông minh cho việc tổ chức quản lý và phát triển cái đô thị đó đây là một cái phát triển mới của Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi rất chú ý cái khía cạnh trong quá trình thực hiện ĐTTM và trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu lớn. Chúng ta cần chú ý tới một vấn đề. Đây cũng là vấn đề đối phó với thách thức của xã hội phát triển đó là phát triển một xã hội, một cộng đồng đô thị hài hòa, có bản sắc hướng thiện và phát huy được những cái giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đây là vấn đề Việt Nam cũng đã đặt ra và hiện nay nhiều thành phố, nhiều đô thị, nhiều tổ chức bắt đầu thấy sáng kiến của Việt Nam là đúng và họ cũng đang nghiên cứu theo hướng tránh việc lạm dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật trong tổ chức đời sống của dân cư đô thị; Tránh việc robot hóa, hạn chế tiếp xúc, những kết nối giữa các cộng đồng dân cư một cách thực sự là quan hệ con người với con người…
Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!