Đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước công bố dư thảo thông tư nói trên, đã có nhiều tranh luận kéo dài, xoay quanh hai điểm nội dung trên.
Ban đầu, dự thảo đưa ra hướng thay đổi lớn, giảm mạnh tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại từ 60% xuống 40%; nâng mạnh hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên tối đa 250%.
Hai điểm trên gặp nhiều phản ứng trên thị trường. Và ngày 27/5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp dung hòa, từng bước siết lại hai quy định trên theo lộ trình để các ngân hàng thương mại chuẩn bị, thị trường từng bước thích nghi.
Cụ thể, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn được giữ nguyên 60% đến hết năm 2016, giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, xuống 40% từ 1/1/2018.
Hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản được giữ ở 150% đến hết năm 2016, bắt đầu nâng lên 200% từ 1/1/2017.
Theo đó, từ thời điểm này, các ngân hàng thương mại bắt đầu phải thực hiện hai điều chỉnh mới nói trên.
Trong những phân tích đầu 2016, thời điểm Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo, việc giảm giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được cho là có tác động nhất định đến lãi suất nếu thực hiện tại thời điểm đó, vì nhiều thành viên buộc phải tăng cường huy động để cơ cấu lại cân đối vốn theo yêu cầu.
Mặt khác, ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực (1/7/2016), những thành viên có tỷ lệ trên chạm hoặc vượt 50%, theo quy định không được cấp thêm bất kỳ khoản tín dụng trung dài hạn nào nữa.
Ở điều chỉnh về hệ số rủi ro nói trên, điểm chung là định hướng kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, cũng như gián tiếp tác động nhất định đến dư nợ và chi phí vay vốn ở lĩnh vực này.
Thêm nữa, giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trên cũng góp thêm ảnh hưởng nhất định đối với tín dụng bất động sản, vì giới hạn sử dụng vốn giảm xuống, trong khi phần lớn nhu cầu khách hàng vay mua nhà đất là nhu cầu vay trung dài hạn.
Tuy nhiên, như trên, từ thời điểm chính thức chốt lại hai điều chỉnh này, các ngân hàng thương mại và thị trường đã có 6 tháng để chuẩn bị. Cùng đó, mức độ điều chỉnh không siết mạnh ngay như dự thảo ban đầu, mà theo các bước, giãn ra theo lộ trình khá dài.
Theo đó, việc thực hiện từ thời điểm này đã có bước đệm và giãn để hạn chế tình huống có thể “gây sốc” trên thị trường. Còn Ngân hàng Nhà nước vẫn từng bước thực hiện được định hướng tăng cường các tiêu chuẩn an toàn hệ thống.