Bắc Cầu trước đây là làng cổ thuộc phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), sau đó sáp nhập địa giới về huyện Gia Lâm, nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Ở đây có những gia đình đã sống qua 10 thế hệ. Bắc Cầu hiện là khu dân cư đông đúc, nhà cửa san sát trải dài suốt trục đường chính hơn 3km nối liền đê Ngọc Thụy. Từ đường chính đi ra sông Hồng chỉ khoảng 200m.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, khu dân cư này thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn khi có lũ. Do đó, Quyết định 257/2016, Quyết định 429/2023 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình xác định Bắc Cầu là 1 trong 10 khu dân cư phải di dời.
Trước đó nhiều năm, ngay từ 2011, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Bộ NN&PTNT cũng không nhất trí giữ lại khu dân cư Bắc Cầu.
Theo phụ lục 2 trong Quyết định 257 của Thủ tướng, số hộ thuộc diện di dời của khu dân cư Bắc Cầu năm 2016 là 757, tuy nhiên thực tế nơi đây hiện đã có hơn 2.300 hộ dân, theo thông tin chính thức từ chính quyền địa phương. Nói cách khác, số hộ dân tại đây vẫn “phình” lên, bất chấp việc thông tin quy hoạch đã được công khai từ nhiều năm trước. Cũng trong thực tế, nhiều chục năm nay tại khu dân cư này chưa từng bị ngập lụt, sạt lở.
Mới đây, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cử tri Bắc Cầu kiến nghị Bộ NN&PTNT cho phép khu vực này được tồn tại, bảo vệ như khu phố cổ, làng cổ; các hộ dân không phải di dời và được phép cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới công trình nhà ở. Bộ cho rằng kiến nghị này là chưa phù hợp nhưng cho biết “ghi nhận ý kiến của cử tri để̉ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”.
Hàng ngàn hộ dân tại đây như vậy sẽ tiếp tục thấp thỏm chưa biết đến khi nào. Tuy nhiên, cũng không thể trách Bộ NN&PTNT hay cơ quan thẩm quyền lập quy hoạch. “Thủy, hỏa, đạo, tặc” không thể coi thường; có thể nhiều năm mới xảy ra một lần, nhưng nếu xảy ra hậu quả có thể vô cùng lớn. Cơ quan chức năng cũng đã xem xét tính toán các yếu tố khoa học, lịch sử để lập ra được một bản quy hoạch phòng, chống lũ. Hơn nữa, hệ thống sông lớn như sông Hồng, liên quan đến yếu tố quốc tế, cần sự hợp tác giữa các quốc gia, chứ thậm chí chúng ta cũng không thể một mình “trị thủy”. Cần nhận diện chính xác sự việc như vậy, để không vội trách những người lập quy hoạch. Mà quan trọng nhất là mong mỏi cơ quan thẩm quyền tiếp tục có những nghiên cứu khoa học chính xác, hợp lý; để sớm đưa ra quyết sách có những biện pháp cụ thể bảo vệ khu dân cư trong các tình huống thiên tai, hay buộc phải chấp nhận di dời theo quy hoạch.