Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ 1960-1994 và trước 1954. Các chung cư xuống cấp, nguy hiểm tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử; hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, đan xen trách nhiệm, quyền sử dụng giữa tư nhân, tổ chức, nhà nước; một số khu có xen kẽ các công trình nhà ở thấp tầng, trụ sở cơ quan, văn phòng, dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế...).
Do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hư hại nặng, nguy hiểm kỹ thuật kết cấu công trình và an toàn cho người dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch TP khẳng định, công tác cải tạo chung cư cũ là rất quan trọng, cấp thiết, được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, TP đã sát cánh cùng Bộ Xây dựng trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Ngoài ra, còn một số vướng mắc nằm ở Luật Nhà ở và tới đây tổng kết, sửa đổi Luật Thủ đô, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung chính sách đặc thù. Trước mắt là tập trung xem xét những vướng mắc còn lại tại Luật Nhà ở, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có nghị quyết cho TP thực hiện một số nội dung chưa có trong quy định pháp luật...
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết bất cập, đẩy mạnh công tác cải tại chung cư cũ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, hiện tất cả chung cư cũ trên địa bàn TP đều đã hết niên hạn sử dụng nên cần tập trung bố trí ngân sách để lập quy hoạch, từ đó kêu gọi chủ đầu tư tham gia.
Liên quan đến công tác bố trí nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho rằng, TP cần chủ trương xã hội hóa trong thực hiện cải tạo chung cư cũ. Với những nội dung khó thực hiện, đặc biệt là vấn đề hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, TP có thể lấy ngân sách bù trừ, để nhà đầu tư tham gia được.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kết luận cuộc họp, Chủ tịch TP yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa, tập trung sửa Tờ trình, báo cáo Thường trực Thành ủy để tiếp tục hoàn thiện để Đề án thực sự khả thi, thuyết phục khi trình Quốc hội ban hành nghị quyết. Tờ trình cần nhấn mạnh thêm sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị cũng như trách nhiệm của thành phố, phối hợp giữa các khâu, phân cấp trong các nội dung liên quan...
Thời gian qua, Hà Nội đã hoàn thành cải tạo một số chung cư cũ C1 Thành Công, B6 Giảng Võ, Khu tập thể TW Đảng (số 44 ngõ 260 Đội Cấn). Hiện TP đang triển khai thủ tục cải tạo 14 dự án, tiến hành 5 đợt kiểm định, đánh giá phân loại được 378 nhà chung cư cũ, giao 19 nhà đầu tư đề xuất ý tưởng quy hoạch 30 khu chung cư cũ trong đó đã báo cáo 19 hồ sơ ý tưởng quy hoạch xây dựng lại các khu chung cư cũ.
Theo UBND TP Hà Nội, việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, triển khai chậm. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ trên địa bàn. Nghiên cứu định hướng giải pháp quy hoạch theo khu chung cư cũ, nhóm chung cư cũ và các chung cư cũ độc lập nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế và tính khả thi dự án.
Cùng với đó lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát kiểm định đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ, xác định rõ niên hạn công trình (thời gian còn lại), ranh giới các khu vực chung cư cũ, phân loại, phân nhóm theo quy định, tập hợp tài liệu pháp lý đánh giá cấp độ nguy hiểm tăng dần A,B,C, (cận D) và D, lập danh mục phân loại.
Xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đôn đốc các dự án đang triển khai. Tập trung di dời các hộ dân và khẩn trương xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D.