Sau vụ ngân hàng Banco Popular của Tây Ban Nha phá sản và được ngân hàng Santander mua lại với giá 1 euro, giờ đây người ta lại có lý do để lo lắng. Lâm vào tình trạng phá sản, ngân hàng này cần một khoản bảo đảm khổng lồ để bù đắp việc bán lỗ các bất động sản vốn được định giá quá cao.
Còn tại Italy, chính phủ đã phải bơm 17 tỷ euro để giải cứu hai ngân hàng Banca Popolare di Vicenza và Veneto Banca. Điều này đặt ra những câu hỏi về nguy cơ nhiều ngân hàng trong khu vực đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ xấu.
Khi Deutsche Bank đạt thỏa thuận nộp phạt 7 tỷ euro cho Chính phủ Mỹ để dàn xếp các cáo buộc bán chứng khoán kém chất lượng, người ta tự hỏi liệu các ngân hàng đã thực sự rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007? Nếu phải đối mặt với một khoản phạt nặng hơn, ngân hàng số 1 của Đức này sẽ bị suy yếu nặng nề, và sự kiện này có thể gây ra nỗi lo sợ cùng những hệ lụy lớn cho cả lĩnh vực ngân hàng Đức và châu Âu.
Trong bối cảnh hiện nay, giới chức châu Âu đang nỗ lực ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng mới. Việc các nhà chức trách lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Các chuyên gia lý giải việc đóng băng tài sản trong trường hợp khủng hoảng chỉ mang tính tạm thời. Giải pháp này giúp ngăn chặn sự hoảng loạn tương tự hồi năm 2008, như trường hợp Royal Bank of Scotland suýt bị phá sản và chỉ trụ được nhờ biện pháp quốc hữu hóa. Và tới 10 năm sau, ngân hàng này vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất lâu dài.
Ngoài ra, còn nhiều bất trắc khó lường khác đe dọa lĩnh vực tài chính. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có ý định xóa bỏ một số quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động tài chính có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Một số chuyên gia về tài chính ngân hàng hoan nghênh ý tưởng trên của ông Trump. Tuy nhiên, thực tế cách đây 10 năm cho thấy lĩnh vực ngân hàng đã không thể tự điều chỉnh trong khủng hoảng mà phải viện đến sự trợ giúp của chính phủ để duy trì ổn định trở lại.
Chính sách lãi suất thấp tạo ra thị trường thanh khoản tốt, nhưng cũng là tiền đề của tình trạng bong bóng đầu cơ |
Còn một yếu tố bất ổn khác, đó là sự kiện nước Anh rời khỏi EU (Brexit). Người ta không thể biết tương lai trung tâm tài chính London sẽ ra sao và Anh sẽ đưa ra những biện pháp nào để ngăn cản các nhà tài chính rời khỏi nước này. Nhưng nhiều người đặt cược rằng London sẽ nhanh chóng tiếp cận ý tưởng về việc bãi bỏ các quy định nhằm níu giữ các công ty tài chính. Và chắc chắn một cuộc đua sẽ diễn ra giữa các trung tâm tài chính thế giới. Trong khi dư âm của cuộc khủng hoảng 2007 còn chưa tan hết thì một số hành động được đánh giá là “bồng bột” lại đang diễn ra.
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan đã sử dụng cụm từ “sự bồng bột vô lý” để cảnh báo về sự sôi động của thị trường chứng khoán. Nước Mỹ đã không ngăn cản được bong bóng chứng khoán công nghệ cao trong giai đoạn cuối thế kỷ trước. Vào năm 2000, chỉ số Nasdaq đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm.
Mười năm sau cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến, các chỉ số chứng khoán lại đang lần lượt phá các mức trần. Dow Jones, vừa thoát ra khỏi khủng hoảng từ năm 2013, giờ đã đạt mức kỷ lục với hơn 21.000 điểm, tức là cao hơn 50% so với năm 2007. Giới đầu tư đang kỳ vọng vào lời hứa của Tổng thống Donald Trump và muốn tranh thủ chính sách lãi suất thấp.
Tuy nhiên, chủ tịch đương nhiệm của Fed, Janet Yellen và cấp phó của mình Stanley Fisher không ngừng cảnh báo nguy cơ từ việc nới lỏng một số quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Họ luôn nhắc nhở rằng khi các chỉ số càng tăng thì càng cần phải thận trọng. Nhà kinh tế học Patrick Artus cảnh báo chính sách lãi suất thấp tạo ra thị trường thanh khoản tốt, nhưng cũng là tiền đề của tình trạng bong bóng đầu cơ, và điều này có thể sớm dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới…/.