Chóng mặt vì những quy định “dẫm chân nhau”

(PLO) - Giá bán nhà có bao gồm phí bảo trì chung cư hay không? Nếu không bao gồm, doanh nghiệp đúng hay sai? Một điều kỳ lạ là cùng một hành vi lại có thể đúng theo quy định này, nhưng lại sai theo quy định khác. Đây cũng là vấn đề doanh nghiệp bức xúc khi chia sẻ tại một hội thảo chuyên đề về vướng mắc trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh diễn ra cách đây chưa lâu.
Phí bảo trì chung cư là một trong các vấn đề gây tranh cãi (ảnh minh họa)

Theo Luật thì đúng, theo Nghị định thì… sai 

Đến thời điểm này, giữa chủ đầu tư và cư dân chung cư Thái An (số 2290 quốc lộ 1A, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP HCM) vẫn đang tồn tại tranh cãi: Ai là người phải nộp 2% phí bảo trì chung cư. 

Như PLVN đã phản ánh, Ban quản trị chung cư Thái An cho biết, chung cư này được bán cho các hộ dân từ gần 10 năm nay, nhưng chủ đầu tư là Cty Địa ốc Đất Lành không chuyển khoản kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị của chung cư nên chung cư không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nên ngày càng xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cư dân.

“Theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 54 Nghị định số 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2005, đối với nhà chung cư được bán kể từ ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (1/7/2007), chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% giá trị tiền bán nhà vào quỹ bảo trì chung cư”, Ban quản trị nhận định.

Còn phía chủ đầu tư lại cho rằng, năm 2006 Cty Đất Lành và cư dân đã ký kết “Hợp đồng góp vốn” mua căn hộ để được phân chia sản phẩm nhà ở là căn hộ chung cư Thái An. Tiền góp vốn của cư dân là chi phí để đầu tư, xây dựng căn hộ chung cư Thái An, không tính đến các loại phí và chi phí dịch vụ khác mà chủ sở hữu nhà ở phải đóng trong quá trình sở hữu và sử dụng căn hộ theo quy định của pháp luật, kể cả phần phí bảo trì 2%. “Nay theo qui định quản lý nhà chung cư phải có khoản phí này, khách hàng tự nộp cho Ban quản trị để bảo trì và vận hành toà nhà”, chủ đầu tư cho biết.

“Sau khi có Nghị định 71/2010/NĐ-CP, chủ đầu tư đã lách luật bằng cách chia nhà chung cư thành 2 gói: một là gói bán nhà kèm theo kinh phí bảo trì, một là bán nhà không kèm theo kinh phí bảo trì. Tuy nhiên, Nghị định lại yêu cầu là kinh phí bảo trì phải được tính trong giá bán. Điều này gây ra nhiều phiền hà cho các doanh nghiệp. Nếu như các hợp đồng bán nhà mà không gồm kinh phí bảo trì... thì dẫn đến nguy cơ vô hiệu hợp đồng. Trong khi Luật Nhà ở quy định, nếu có thỏa thuận như vậy thì phải tiến hành tại hội nghị nhà chung cư.

Tuy nhiên, điều này lại vi phạm ngược lại Nghị định 71/2010/NĐ-CP về hướng dẫn Luật nhà ở 2005”, chuyên gia Bùi Hữu Chỉnh chia sẻ tại Hội thảo “Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh: Vướng mắc và kiến nghị”. Mặc dù điều này đã khắc phục được một phần tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014, nhưng nó vẫn là tồn tại chưa có hồi kết giữa chủ đầu tư và cư dân ở nhiều dự án tương tự như trường hợp đã nói ở trên.

Tuân thủ quy định nào?

Một ví dụ khác được ông Nguyễn Tiến Vị (Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, trong quá trình góp ý kiến đối với dự án Luật Đầu tư, Hiệp hội đã kiến nghị và đã được Quốc hội nhất trí không đưa bia vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. 

Tuy nhiên, tại số thứ tự 54 Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, lại có quy định: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm thì Bộ Công Thương được Quốc hội giao trách nhiệm: “Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ”. 

Nếu theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương gồm sáu loại là: Rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ. Dự thảo Nghị định của Chính phủ khi quy định đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện lại chỉ quy định đối với ba ngành là: bia, sữa chế biến và dầu thực vật, không quy định đối với nước giải khát, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác. 

“Vì vậy, nếu Nghị định này không có điều chỉnh đối với các ngành nghề: nước giải khát, sản phẩm chế biến bột và các thực phẩm khác hay không thì chưa đầy đủ đối với các ngành nghề kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương. Do đó, cần có sự thống nhất các quy định về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trách nhiệm của Bộ Công Thương đối với kinh doanh thực phẩm trong Luật Đầu tư và Luật An toàn thực phẩm”, ông Vị nói. 

Đọc thêm