Để quản lý và phát triển không gian cây xanh - mặt nước đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét xây dựng một văn bản pháp luật riêng về “phát triển không gian xanh” trong việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành và quy định quản lý.
Lỗ hổng trong quá trình phát triển đô thị
Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác của Việt Nam, các không gian cây xanh - mặt nước đã có một giá trị đáng kể trong lịch sử phát triển và tạo lập bản sắc văn hóa, lịch sử riêng của đô thị, nhất là không gian mặt nước tự nhiên.
Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Hệ thống dòng chảy của các con sông cùng những hồ điều hòa đã tạo nên một bản sắc đô thị rất riêng của Hà Nội.
Tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian cây xanh - mặt nước đã xác định “không gian xanh của TP bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị; Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đối núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp,…” và mặt nước bao gồm hệ thống sông, hồ, đầm.
Sau khi quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014.
Quy hoạch được lập với quan điểm tuân thủ định hướng Quy hoạch chung Hà Nội về tạo dựng không gian xanh của vành đai sông Nhuệ, nêm xanh sông Thiếp - đầm Vân Trì… nhằm đạt mục tiêu 70% không gian xanh, 30% phát triển đô thị”.
Đối với khu vực nội đô lịch sử không chuyển đổi (một phần hoặc toàn bộ) quỹ đất thuộc không gian xanh sang mục đích khác.
Đây là cơ sở quan trọng để triển khai đầu tư mới, cải tạo nâng cấp và phát triển hệ thống cây xanh - mặt nước với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành TP xanh, sạch, đẹp… trên cơ sở duy trì, khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có của hệ thống cây xanh - mặt nước hiện có.
Tuy nhiên, những năm qua do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều khu vực đã phần nào chệch hướng của quy hoạch.
Diện tích ao hồ bị thu hẹp làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa của đô thị khiến tình trạng ngập úng lan rộng. Điều này hoàn toàn trái ngược với các đô thị trên thế giới, khi quy hoạch đô thị đều ưu tiên tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên khi thực hiện dự án.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đánh giá, điểm nhấn quy hoạch vào cây xanh và mặt nước tại Hà Nội là một lựa chọn đúng nhưng cũng tạo thách thức rất lớn, vì đây lại là những nhược điểm lớn trong quá trình phát triển Hà Nội trong suốt thời gian qua.
“Trừ một số hồ chính không ai dám san lấp, hầu hết các hồ ao nhỏ đều đã bị san lấp để có đất xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc các khu nhà ở.
Lý do đơn giản vì giá thành đất đai rất rẻ khi san lấp đất mặt nước. Với tầm nhìn ngắn hạn hoặc tư duy nhiệm kỳ, diện tích đất mặt nước dưới dạng hồ, ao đã bị thu hẹp lại rất nhiều” - GS.TSKH Đặng Hùng Võ nêu.
Tuân thủ nghiêm các quy hoạch được duyệt
Tại báo cáo về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo giai đoạn của TP Hà Nội, Sở Xây dựng cho biết, triển khai theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đến nay, Hà Nội đã cơ bản đã hoàn thành phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chuyên ngành.
Quy hoạch xác định việc phát triển không gian đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, bao gồm hệ thống mặt nước, sông hồ hiện có, tạo sự kết nối không gian xanh với khu vực vành đai xanh và mặt nước sông Hồng.
Tổ chức không gian đô thị được xác lập chủ yếu là không gian cây xanh, mặt nước, công trình thấp tầng và các không gian mở, kết nối không gian xanh với hệ thống công viên đô thị trong những phân khu lân cận thành hệ thống, hình thành các công viên chuyên đề đa dạng gắn với văn hóa, truyền thống và nhu cầu của đô thị.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy hoạch thời gian qua còn tồn tại, hạn chế như: Việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng có lúc chưa thường xuyên, kịp thời.
Bên cạnh đó, phương pháp và quy trình lập quy hoạch chưa tiên tiến; mô hình phát triển đô thị chưa được đề xuất rõ ràng.
Chất lượng một số đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, trong khi giảm diện tích công cộng và cây xanh, mặt nước.
Điều này dẫn đến việc quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu đô thị.
Để bảo tồn diện tích mặt nước tự nhiên đang giảm dần trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trong thời gian qua, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, KTS Lã Thị Kim Ngân khuyến nghị, tuân thủ các quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt là một trong những biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất; đồng thời, cụ thể hóa các định hướng quy hoạch, TP Hà Nội cần có lộ trình và mục tiêu chiến lược cho từng giai đoạn.
Khi chưa đủ điều kiện đầu tư, cần khoanh vùng và bảo vệ ngay những không gian cảnh quan tự nhiên của Thủ đô như hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, danh mục các hồ và dòng chảy đã quy hoạch.
“TP cần thiết lập chỉ giới đường xanh để quản lý các không gian cây xanh, mặt nước từ quy mô cấp khu ở đến cấp đô thị như một công cụ quản lý hiệu lực như chỉ giới đường đỏ” - KTS Lã Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Ở bình diện rộng hơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và đô thị, TS Nguyễn Hồng Hạnh cho rằng, trong điều kiện hiện nay, Chính phủ và Quốc hội đang rất khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó quản lý đô thị là một lĩnh vực đang được xây dựng mới và sửa đổi bổ sung một số luật hiện hành.
Đây là cơ hội để nghiên cứu để xây dựng một văn bản pháp luật riêng về “phát triển không gian xanh”, hoặc một nội dung trong Luật Quản lý phát triển đô thị đang được nghiên cứu.
Sau đó sẽ cụ thể hóa bởi một văn bản dưới luật, một công cụ pháp lý trong việc lập quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành và quy định quản lý để có thể áp dụng cho tất cả đô thị ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.